Đối với con người, những rủi ro và nguy cơ là một cảm giác – nghĩa là thứ quyết định nỗi sợ hãi của chúng ta không chỉ đơn giản là sự thật khách quan, mà còn là cách sự thật đó được cảm nhận.
Virus corona đã tạo nên tình trạng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu PHEIC. Số người mắc bệnh liên tục gia tăng, hiện đã lên tới hơn 113.000 người. Số ca tử vong đạt tới 4.013 và virus đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là: "Liệu bạn có nên lo lắng hay không?". Có - tất nhiên. Chúng ta không thể chủ quan trước bất cứ một dịch bệnh nào xung quanh mình. Virus là một mầm bệnh nguy hiểm có thể giết chết bạn. Hiện chúng ta chưa có thuốc đặc trị cho chủng corona mới, vắc-xin cũng chưa được nghiên cứu xong.
Nhưng đôi khi, sự lo lắng đã bị đẩy lên thái quá mà bạn không hề hay biết. Đó là do các cơ chế tâm lý trong não bộ đã được mặc định trong bản năng của giống loài chúng ta.
Điều gì đã thổi phồng nỗi sợ hãi về virus corona mới?
Ba triệu năm trước, khi một người thợ săn đi về bộ lạc và thấy tất cả mọi người đều nhìn về một phía, anh ta cũng sẽ phải nhìn về hướng đó xem có một con sư tử nào đang đe dọa mình hay không.
Qua từng đó thời gian, sự cảnh giác vẫn đang khiến chúng ta hướng mắt mình về phía những tin tức liên quan đến virus corona mới. Nhưng để ý đến một con sư tử ở hướng này có thể khiến cả bộ lạc mất cảnh giác với những con sư tử ở hướng khác. Và lo lắng quá, đôi khi cũng nguy hiểm.
Hãy cùng tìm hiểu đâu là những hiệu ứng tâm lý đang khiến bạn lo lắng thái quá về dịch bệnh do virus corona gây ra:
1. Chúng ta sợ virus corona vì chúng ta thiếu kiến thức
Điều gì khiến bạn cảm thấy một rủi ro nào đó đáng sợ hơn những rủi ro khác khi chúng lần đầu tiên xuất hiện? Đó là câu hỏi phổ quát mà một ví dụ là những gì đang diễn ra hiện nay. Tại sao chúng ta sợ virus corona mới hơn virus cúm mùa - một chủng virus đã tồn tại từ lâu và vẫn đang liên tục lây nhiễm 5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, giết chết từ 219.000 đến 646.000 người trong số họ?
Theo nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Paul Slovic đến từ Đại học Oregon và Baruch Fischhoff từ Đại học Carnegie Mellon, chúng ta thường có một số đặc điểm tâm lý chung khi đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn xung quanh mình.
Con người nói chung sẽ lo lắng nhiều hơn về những rủi ro mới, khi chúng ta cảm thấy không kiểm soát được nó, không hiểu về nó. Việc thiếu kiến thức khiến chúng ta thấy bất lực trong việc bảo vệ chính mình.
Chủng virus ở Vũ Hán là một virus hoàn toàn mới. Các nhà khoa học tiếp tục thiếu kiến thức về nó, mặc dù họ biết virus này thuộc vào nhóm virus corona giống với SARS, MERS, và 4 chủng corona gây bệnh nhẹ trên người là 229E, ML63, OC43 và HKU1.
Thật vậy, khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, con người đơn giản không biết nó là gì. Các bác sĩ gọi đó là một bệnh "viêm phổi lạ", họ không biết nguyên nhân chính xác gây ra nó.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, các nhà khoa học Trung Quốc đã phân lập được chủng virus gây bệnh. Và chỉ 10 ngày sau, họ giải được toàn bộ mã gen của nó và chia sẻ với cả thế giới.
Mặc dù vậy, vấn đề chưa thể kết thúc ở đó. SARS-CoV-2 là một virus hoàn toàn mới. Các nhà khoa học tiếp tục thiếu kiến thức về nó, mặc dù họ biết virus này thuộc vào nhóm virus corona giống với SARS, MERS, và 4 chủng corona gây bệnh nhẹ trên người là 229E, ML63, OC43 và HKU1.
Rốt cuộc, chúng ta không biết nhiều về nó, không có thuốc chữa đặc hiệu và cũng không có vắc-xin để phòng bệnh. Thiếu kiến thức khiến chúng ta cảm thấy không biết bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh bằng cách nào.
Thiếu kiến thức khiến chúng ta cảm thấy không biết bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh bằng cách nào.
Và những câu hỏi liên tục được đặt ra trong đầu bạn: Virus mới có nguy hiểm hay không. Nó lây lan qua những con đường nào? Khẩu trang có tác dụng không? Các biện pháp phòng ngừa tốt nhất là gì? Triệu chứng của người nhiễm bệnh? Tỷ lệ tử vong là bao nhiêu? Ai là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất? Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi có thể ngăn được virus corona mới hay không?
Thiếu kiến thức là điều gần như luôn xảy ra khi con người đối mặt với những rủi ro mới, và thiếu kiến thức dẫn đến nỗi sợ hãi và đôi khi là hoảng loạn.
2. Chúng ta đang mắc vào hiệu ứng thiên kiến đại diện
Một đặc điểm tâm lý khác góp phần vào nỗi sợ hãi virus corona được các nhà khoa học gọi là hiệu ứng thiên kiến đại diện (representativeness bias). Nó là một lối tắt mà bộ não sử dụng để đánh giá những xác suất xảy ra của một sự kiện không chắc chắn.
Hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman đã lần đầu tiên mô tả hiệu ứng này vào năm 1970, nói rằng thiên kiến đại diện sẽ xảy ra nếu bạn biết trước về một sự kiện có bản chất tương tự với sự kiện mới, và có các đặc điểm nổi bật giống nó.
Trong trường hợp của virus corona mới, nó là một rủi ro mà chúng ta không ai chắc chắn. Bạn không biết nó sẽ trở thành một đại dịch toàn cầu hay không. Nhưng trước đó, bạn đã biết về virus SARS, một chủng họ hàng của nó, cũng bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lây nhiễm cho 8.422 người trên toàn thế giới và giết chết 916 người trong số họ.
Toàn bộ những bài báo và thông tin mà bạn đọc được từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát có lẽ đã so sánh virus corona mới với SARS. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã từng dự đoán, một đại dịch toàn cầu mới sẽ đến, nó sẽ là một chủng virus nhảy từ động vật sang người, và nhiều khả năng nó sẽ bắt đầu ở Trung Quốc.
So sánh mức độ lây lan và tỷ lệ tử vong của các chủng virus
Và thế là lối tắt trong tâm trí bạn khi đó đã được kích hoạt. Bạn mặc định rằng virus corona mới sẽ gây ra một đại dịch toàn cầu giống như SARS. Nhưng sự thật thì sao, SARS được coi là một đại dịch toàn cầu dựa trên tỷ lệ tử vong cao của nó (10,9%).
Còn tỷ lệ tử vong do virus corona mới hiện tại chỉ từ 2-3%, tương đương tỷ lệ gây chết người do virus cúm thông thường. Đa số các ca tử vong cũng bị giới hạn trong biên giới Trung Quốc, cụ thể là tỉnh Hồ Bắc, nơi có tâm dịch Vũ Hán.
3. Chúng ta đang khuếch đại những rủi ro
Hiệu ứng cuối cùng mà chúng ta có thể quan sát thấy trong cơn hoảng loạn về virus corona mới lần này từng được nhà khoa học Roger Kasperson và các đồng nghiệp của ông mô tả trong một nghiên cứu năm 1988 có tựa đề: "Khung khái niệm chung: Sự khuếch đại những rủi ro mang tính xã hội".
"Một trong những vấn đề rắc rối nhất trong phân tích rủi ro là tại sao một số rủi ro hoặc sự kiện rủi ro tương đối nhỏ, theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật, lại thường gợi ra những lo ngại mạnh mẽ trong công chúng nói chung và dẫn đến các tác động đáng kể lên xã hội và nền kinh tế", Mufferson đặt vấn đề.
Mô hình một xã hội khuyếch đại những sự kiện rủi ro theo nghiên cứu của Roger Kasperson.
Là một loài động vật xã hội, con người được tiến hóa để chú ý đến bất cứ điều gì mà những người khác đang chú ý. Lấy ví dụ, khi một thợ săn tiền sử đi về bộ lạc mình và thấy tất cả mọi người đang cùng nhìn về một hướng, khả năng cao anh ta cũng sẽ nhìn về hướng đó, để dè chừng xem liệu có mối nguy hiểm nào không, một con sư tử hay một ngọn núi lửa đang phun trào chẳng hạn.
Vì vậy, khi tin tức về chủng virus corona mới ngập tràn trên các mặt báo và được tất cả mọi người chia sẻ trên mạng xã hội, nó nghiễm nhiên trở thành một dấu chấm đỏ lớn trên màn hình radar của chúng ta, làm lu mờ hầu hết các mối đe dọa khác, ngay cả khi chúng nguy hiểm hơn nhiều.
Google Trends thống kê chỉ một tuần sau khi tin tức về virus corona mới xuất hiện ở Mỹ, số lượt tìm kiếm về các triệu chứng nhiễm bệnh đã tăng lên 1.000%. Trong khi đó, virus cúm mùa vẫn đều đặn lây nhiễm cho hàng chục triệu người Mỹ và gây ra cái chết của hàng chục ngàn người mỗi năm.
Tại Việt Nam, từ khóa corona đã được tìm kiếm nhiều nhất tại hai thời điểm: Đầu tiên là vào ngày 31/1, sau khi WHO tuyên bố dịch bệnh mới do virus corona gây ra là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Sau đó, mối quan tâm lắng xuống dần đi đôi với việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam. Nhưng sau đó, đến ngày 6/3, tỷ lệ tìm kiếm về corona lại tăng vọt sau khi Hà Nội xác nhận một bệnh nhân số 17, sau suốt một khoảng thời gian dài không có ca mắc mới.
Chưa hết, Roger Kasperson cho biết khi thông tin về một rủi ro được lan truyền, nó thậm chí còn được khuyếch đại lên theo từng bước.
"Sự khuếch đại xảy ra ở hai giai đoạn: trong việc chuyển thông tin về rủi ro và trong các cơ chế phản ứng của xã hội. Tín hiệu về rủi ro được xử lý bởi các trạm khuếch đại cá nhân và xã hội, bao gồm nhà khoa học truyền đạt cách họ đánh giá rủi ro, phương tiện truyền thông, nhóm văn hóa, mạng lưới giữa các cá nhân và những người khác", ông viết trong nghiên cứu.
4. Cảm giác sợ hãi khác với rủi ro thực sự
Tất cả những hiệu ứng tâm lý trên đã khẳng định lại một kết luận của Slovic trong nghiên cứu của ông: Đối với con người, những rủi ro và nguy cơ là một cảm giác – nghĩa là thứ quyết định nỗi sợ hãi của chúng ta không chỉ đơn giản là sự thật khách quan, mà còn là cách sự thật đó được cảm nhận.
Chủ quan với dịch bệnh tất nhiên là nguy hiểm, nhưng đánh giá thái quá về nó cũng là một mối hiểm nguy tương tự. Nếu chúng ta lo lắng nhiều hơn về những rủi ro mới và ít hơn về những rủi ro quen thuộc, chúng ta sẽ thất bại trong việc bảo vệ chính bản thân mình.
Chúng ta biết vô vàn dịch bệnh khác như Ebola, HIV hoặc thậm chí cúm mùa cũng nguy hiểm hơn nhiều so với virus corona mới. Nhưng bởi chúng ta đã biết về những căn bệnh này, chúng trở nên quen thuộc và đó là lý do nhiều người không bận tâm phòng tránh chúng.
Cũng là một virus lây nhiễm qua đường hô hấp, cúm có thể phòng ngừa được bằng việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng sốt, ho. Nhưng trước khi dịch corona bùng phát, không mấy người chú ý và thực hành những điều đó để phòng cúm.
Chúng ta có thể phòng ngừa cúm bằng chính những hướng dẫn này, nhưng trước đây chúng ta chẳng mấy khi thực hành nó.
Mặc dù vậy, về mặt tích cực thì cơn bão trên truyền thông về virus corona mới đã chứng tỏ một điều rằng hệ thống nhận thức rủi ro của chúng ta và cả xã hội đang làm việc khá tốt. Rốt cuộc, đó là một phần bản năng tiến hóa của chúng ta, giúp con người tồn tại.
Nhưng chúng ta cần phải thật sáng suốt với thực tế rằng khi đối mặt với những rủi ro, như một chủng virus mới, chúng ta không phải lúc nào cũng khôn ngoan như chúng ta nghĩ.
Hiểu rằng những nhận thức rủi ro của chúng ta chỉ mang tính chủ quan, cảm tính và dễ dẫn đến hiểu sai về mối đe dọa thực tế cũng là một cách "tiêm phòng" chống lại những mối nguy hiểm mà hệ thống xã hội con người đôi khi vẫn tự sản sinh ra.
*Để có được những kiến thức chuẩn xác nhất khi phòng dịch Covid-19, hãy cùng làm bài trắc nghiệm dưới đây:
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"