Sự nghiệp quan trọng hơn gia đình và phụ nữ không thể có cả hai cùng lúc?
Trong xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ trẻ trì hoãn việc có con, các công ty lớn như Apple, Facebook và Google đang cung cấp một phúc lợi đặc biệt cho nhân viên nữ: đông lạnh trứng.
Chẳng hạn như tại Facebook, nhân viên nữ sẽ nhận được tới 20.000 USD (khoảng 450 triệu) để đông lạnh trứng khi có nhu cầu. Hiện nay, chi phí trung bình cho việc lấy trứng là khoảng 10.000 USD, giai đoạn bảo quản là khoảng 500 USD/năm.
Điều đó có nghĩa là một nhân viên nữ có thể trì hoãn thời gian có con của họ tới 20 năm mà không mất chi phí. Trong khi chính sách phục vụ nhu cầu chính đáng của nhiều phụ nữ trẻ, một số nhà phê bình nói rằng nó đã truyền tải một thông điệp sai lầm với họ:
Liệu sự nghiệp và công việc có quan trọng hơn gia đình?
Điều gì khiến Facebook, Apple và Google tài trợ cho nhân viên nữ đông lạnh trứng?
Nhu cầu đông lạnh trứng ở phụ nữ trẻ
Xu hướng nhân khẩu học hiện nay chỉ ra những người phụ nữ trẻ đang trì hoãn việc có con để tập trung vào sự nghiệp. Điều này dẫn đến một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử: Phụ nữ ở tuổi 30-40 còn sinh nhiều con hơn cả phụ nữ trong độ tuổi 20-30.
"Thật không may khi những mong muốn tình cảm và lối sống của chúng ta không phù hợp với đặc điểm sinh học của cơ thể”, Susan Hertzberg, Giám đốc điều hành Prelude, một công ty cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng nói.
Nhận thức được điều này, các công ty công nghệ cao đã không ngần ngại chi hàng chục ngàn đô cho mỗi nhân viên, nếu họ có ý định đông lạnh trứng. Nhiều nhà quản lý cho rằng chi phí này hoàn toàn xứng đáng để xóa đi nỗi bận tâm của nhân viên, giúp họ tập trung hơn vào công việc.
Cho đến đầu thế kỷ 21, đông lạnh trứng vẫn được coi là một thủ thuật thử nghiệm. Điều đó có nghĩa là chỉ những người phụ nữ sử dụng nó vì mục đích y tế mới được tiếp cận, và số lượng cũng hạn chế.
Tuy nhiên đến năm 2012, Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ đã quyết định gỡ mác “thử nghiệm” cho đông lạnh trứng. Lí do vì công nghệ phục vụ thủ tục này đã đạt tới sự tinh gọn, an toàn và hiệu quả cao để thụ tinh ống nghiệm.
Cũng chỉ mất thêm khoảng 2 năm để các công ty tại Thung lũng Siclicon bắt đầu đưa đông lạnh trứng trở thành một phúc lợi của nhân viên.
Năm 2014, COO của Facebook Sheryl Sandberg nghe về trường hợp của một nhân viên nữ không may mắc ung thư. Lo ngại rằng tác dụng phụ của việc điều trị sẽ khiến mình mất khả năng sinh sản, cô đã quyết định sử dụng thủ tục đông lạnh trứng. Thế nhưng, nhân viên của Facebook đã không thể thuyết phục nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm trang trải chi phí cho mình.
“Tôi đã bàn bạc với giám đốc nhân sự và nói ‘Chúa ơi, chúng ta nên lo chuyện này’”, Sandberg kể lại vào năm 2015. “Và rồi chúng tôi nhìn nhau và nói ‘Chúng ta chỉ muốn lo cho những người phụ nữ mắc ung thư thôi sao? Tại sao chúng ta không thể mở rộng phúc lợi này ra cho cả những nhân viên nữ bình thường khác?’”.
COO của Facebook, Sheryl Sandberg, người khởi xướng phúc lợi đông lạnh trứng cho nhân viên nữ
Vậy là Facebook đã triển khai phúc lợi đặc biệt mới của mình. Sau đó, các công ty khác bao gồm cả Google và Apple đã nhanh chóng làm theo Facebook. Giám đốc điều hành Tập đoàn Virgin, Richard Branson nói rằng ông cũng muốn thực hiện ý tưởng. Mặc dù, Virgin không trả lời liệu công ty đã triển khai chính sách đông lạnh trứng cho nhân viên hay chưa.
Khi một công nghệ mới như đông lạnh trứng ra đời, lập tức một hệ sinh thái các công ty khởi nghiệp sẽ mọc lên xung quanh nó. Trong trường hợp này, chúng ta có Prelude và Extend Fertility đang cung cấp các gói dịch vụ đông lạnh trứng, cho cả những khách lẻ không làm việc tại Thung lũng Silicon.
Extend Fertility cung cấp dịch vụ lấy trứng và bảo quản cơ bản. Trong khi đó, Prelude cung cấp toàn bộ gói mở rộng tới cả việc thụ tinh nhân tạo.
Chi phí cho đông lạnh trứng còn ở mức khá cao, trên 10.000 USD. Tuy nhiên, Hertzberg nói rằng trong tương lai giá thành sẽ giảm, đó là khi thủ tục đông lạnh trứng trở nên phổ biến hơn.
Chính sách phúc lợi gây tranh cãi
Mặc dù đông lạnh trứng phục vụ nhu cầu chính đáng của một số phụ nữ trẻ, nhiều người đã hoài nghi về chính sách này của các công ty công nghệ. Họ nói rằng mọi chuyện đang đi sai hướng. Thay vì trao cho những người phụ nữ thêm một chọn, nhiều người nhận định phúc lợi về đóng băng trứng đang đẩy nhân viên rơi vào “bẫy” kì vọng.
Các nhà phê bình cho rằng vô hình trung, chính sách đã gửi một thông điệp sai tới những người phụ nữ hiện đại. Cụ thể, nhiều người sẽ hiểu công ty đang nhắc nhở mình rằng: công việc sự nghiệp là thứ quan trọng hơn gia đình và phụ nữ thì không thể đạt được cả hai mục tiêu cùng lúc.
"Họ đang làm điều đó bởi vì về cơ bản thì nhân viên của họ muốn nó. Và họ cũng đang làm vì điều đó tốt cho việc kinh doanh của họ", Mary Ann Mason, giáo sư luật tại Đại học UC Berkeley, tác giả của nhiều cuốn sách về chính sách sinh sản trong doanh nghiệp cho biết.
Một nhân viên đang làm việc với những thùng phi chứa trứng đông lạnh
Tuy nhiên, Hertzberg thì lạc quan hơn. Bà cho rằng xu hướng cho thấy các công ty đang biết lắng nghe nhân viên. Trong thời gian làm việc tại Prelude, Hertzberg đã tiếp xúc với nhiều phụ nữ muốn đông lạnh trứng. Tất cả những người phụ nữ này chính họ tự mình phân vân về việc nên có con hay không. Nhà tuyển dụng không có tác động hay yêu cầu gì với họ.
Mặc dù vậy, Hertzberg cũng cho rằng các công ty có thể chứng minh thiện chí của họ nhiều hơn nữa. Ngoài phúc lợi cho hoạt động đóng băng trứng, họ cũng có thể cung cấp thêm phúc lợi cho cả những phụ nữ muốn có con.
Nếu vậy, những nhân viên nữ của họ sẽ nhận được thông điệp đúng đắn hơn từ phía người sử dụng lao động. Làm việc để xây dựng sự nghiệp và cống hiến là quan trọng, nhưng xây dựng gia đình cũng quan trọng không kém.
"Vấn đề không phải là cái này hay cái kia", Hertzberg nói. "Mọi người nên chọn cả hai".
Tham khảo Businessinsider, Theguadian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời