Clare Sammells, một chuyên gia về nhân chủng học tại Đại học Bucknell (Mỹ) đã chỉ ra sự những khác biệt giữa COVID-19 và đại dịch zombie nếu nó diễn ra ngoài đời.
Theo Futurism, đại dịch COVID-19 khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh trong các bộ phim đề tài zombie – với những con đường vắng tanh không một bóng người, những bệnh viện chật kín bệnh nhân, trong khi hầu hết người dân ẩn náu trong nhà. Nhìn cảnh tượng này, không ít dân mạng đã thử đặt ra một kịch bản giả tưởng: Nếu đại dịch Zombie thực sự xuất hiện ngoài đời thực giống như dịch COVID-19 hiện tại, điều gì sẽ xảy ra?
Để trả lời câu hỏi này, Clare Sammells, một chuyên gia về nhân chủng học tại Đại học Bucknell (Mỹ) đã chỉ ra sự những khác biệt giữa COVID-19 và đại dịch zombie nếu nó diễn ra ngoài đời.
Tiến sĩ Clare Sammells hiện đang giảng dạy một khóa học về...zombie tại Đại học Bucknell (Mỹ)
Dịch zombie dễ khống chế hơn so với COVID-19
Là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo nên, zombie thực sự là một nghịch lý đi ngược lại hoàn toàn với những quy luật vật lý. Mặc dù đã chết, zombie vẫn có có khả năng di chuyển xung quanh như thể chúng đang sống. Trong phim ảnh, dịch zombie được mô tả là có tốc độ lây nhiễm cực nhanh. Hệ số lây truyền cơ bản (R0) – hay số người trung bình sẽ lây bệnh từ một người nhiễm duy nhất - của virus zombie cũng cực kỳ cao.
Theo đó, một người nhiễm bệnh có thể lây lan cho rất, rất nhiều người xung quanh. Bản thân những người vừa bị lây nhiễm cũng không có thời gian ủ bệnh mà lập tức xuất hiện các triệu chứng, sau đó tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Đặc điểm này vô hình trung khiến dịch lan tràn với tốc độ không thể kiểm soát nếu không ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong vì virus zombie cũng lên tới 100%. Nói ngắn gọn, nếu bị nhiễm, bạn sẽ sớm trở thành một xác sống biết đi.
Virus gây ra đại dịch zombie có tốc độ lây lan cực nhanh, với tỷ lệ tử biến thành xác sống là 100%
Tuy nhiên, một trận đại dịch như vậy "nếu xảy ra ngoài đời cũng ít có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu như COVID-19", theo khẳng định của chuyên gia Clare Sammells. Nói cách khác, dịch Zombie nếu có xảy ra cũng sẽ "rất dễ để ngăn chặn và khống chế".
"Với dịch zombie, bạn sẽ lập tức biết ai đã bị nhiễm bệnh", vị tiến sĩ đang giảng dạy khóa học về zombie tại Đại học Bucknell nhấn mạnh. Ngoài việc dễ nhận biết người nhiễm bệnh, các biện pháp ‘tiêu diệt’ những người đã biến thành zombie để ngăn đà lây nhiễm cũng dễ thực hiện và ít gây ra các vấn đề về đạo đức xã hội hơn, "khi họ đã mất hết hoàn toàn nhân tính và ý thức".
Trong khi đó, với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, việc biết được ai đã hoặc đang bị lây nhiễm luôn là thách thức thật sự. Theo thống kê, đã có rất nhiều những trường hợp vô tình lây nhiễm cho người khác khi bản thân không hề có bất kỳ triệu chứng gì trong giai đoạn ủ bệnh.
COVID-19 khó đối phó hơn nhiều so với dịch zombie
Sẽ không có vắc xin chống lại virus zombie
Từ khi vắc xin ra đời, nhiều bệnh lây truyền đã được chặn đứng. Cứ mỗi khi một trận đại dịch diễn ra, vắc xin cũng luôn được coi là một cứu cánh của nhân loại. Điều này càng đúng với dịch COVID-19, khi nhiều nhà khoa học tin rằng chỉ khi vắc xin được phát triển thành công, cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu dịch zombie xảy ra ngoài đời thực, vắc xin sẽ không đóng vai trò 'thần thánh' như loại vắc xin xuất hiện trên phim, theo chuyên gia Clare Sammells.
"Vắc xin có thể là các virus đã được giảm độc lực đi rất nhiều, được đưa vào cơ thể người để hệ miễn dịch có thể tự tạo ra kháng thể chống lại virus", chuyên gia nhân chủng học Clare Sammells cho biết. Tuy nhiên trong trường hợp dịch zombie xuất hiện ngoài đời thực, vắc-xin khi tiêm vào người có thể khiến chúng ta mắc bệnh và biến thành xác sống. Với đặc tính của virus zombie, đơn giản là vì chúng ta không thể tạo ra phiên bản "giảm độc lực" của loại virus này.
Vắc xin sẽ không phải là cứu cánh của loài người khi dịch zombie diễn ra ngoài đời thực
Đương nhiên, khái niệm ‘miễn dịch cộng đồng’ (khi một tỷ lệ lớn dân cư sau khi nhiễm bệnh đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn lây nhiễm) cũng sẽ không xuất hiện nếu dịch zombie xảy ra ngoài đời.
Theo kết quả nghiên cứu vào năm 2017 của các nhà khoa học thuộc ĐH Leicester (Anh), nhân loại có thể bị zombie xóa sổ chỉ trong 3 tháng, chỉ còn vỏn vẹn 300 người có thể sống sót. Với tỷ lệ tử vong lên tới 100%, sẽ có ít người có thể sống sót để tạo ra kháng thể chống lại virus zombie, từ đó hình thành nên miễn dịch cộng đồng.
Xã hội sẽ không sụp đổ nếu xuất hiện dịch zombie
Cũng theo chuyên gia Clare Sammells, những bộ phim đề tài zombie luôn có một chi tiết thiếu thực tế: Sự đổ vỡ hoàn toàn của xã hội loài người khi đại dịch xảy ra.
"Trong hầu hết các bộ phim điện ảnh và truyền hình về đề tài zombie, luôn có một kịch bản giả định là hệ thống cảnh sát, nhà tù, quân đội và chính phủ đều nhanh chóng sụp đổ và biến mất. Loài người sẽ biến đổi thành phiên bản tồi tệ nhất của chính họ, sẵn sàng bắn giết đồng loại để sinh tồn"
Khung cảnh trong series The Walking Dead và khung cảnh vắng lặng ngoài đời do COVID-19
Tuy nhiên, những gì chúng ta chứng kiến ở dịch COVID-19 lại hoàn toàn trái ngược, nếu không muốn nói là tích cực hơn nhiều. Chính phủ các nước lập tức triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân lại càng gắn bó chặt chẽ hơn với nhau trong thời điểm dịch diễn ra.
"Những gì chúng ta đang thực sự nhìn thấy trong đại dịch COVID-19 không phải là sự sụp đổ của xã hội. Thay vào đó, những mối liên kết giữa người với người lại được tăng cường thêm", bà cho biết.
"Họ trở nên thân thiết hơn với những người hàng xóm của mình. Họ sẵn sàng ra tay giúp đỡ bạn bè của họ. Họ đang thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho nhau"
"Vì vậy, nếu bạn muốn xem phim về zombie trong khi bạn bị mắc kẹt ở nhà, tôi sẽ hết sức ủng hộ - chỉ cần nhớ rằng, những gì diễn ra ngoài đời khác hoàn toàn trong phim", bà kết luận.
Tham khảo Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?