Khi du hành vũ trụ trở nên phổ biến hơn, khả năng ai đó có thể qua đời khi trên không gian cũng tăng lên. Điều này khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi: Nếu có ai đó qua đời trong không gian, thi thể của họ sẽ được xử lý như thế nào?
Kể từ khi con người bắt đầu công cuộc thám hiểm không gian từ hơn 60 năm trước, tổng cộng 20 phi hành gia đã thiệt mạng. Cụ thể, 14 phi hành gia đã hi sinh trong các thảm kịch tàu con thoi của NASA năm 1986 và 2003, 3 phi hành gia hi sinh trong sứ mệnh Soyuz 11 năm 1971 và ba phi hành gia qua đời trong vụ cháy bệ phóng Apollo 1 năm 1967. Với mức độ phức tạp của các chuyến bay vào vũ trụ của con người, một điểm đáng chú ý là có rất ít phi hành gia thiệt mạng cho đến nay.
Tuy nhiên, con số này có thể sẽ tăng lên trong tương lai, trong bối cảnh NASA đang lên kế hoạch gửi một phi hành đoàn đổ bộ xuống Mặt trăng vào năm 2025, cũng như sứ mệnh khám phá Sao Hỏa trong thập kỷ tới. Đó là chưa kể đến, các chuyến bay vào vũ trụ dưới dạng thương mại cũng đang được các công ty hàng không vũ trụ tư nhân đẩy mạnh.
Điều này khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi: Nếu có ai đó qua đời trong không gian, điều gì sẽ xảy ra với cơ thể của họ?
Cái chết trên Mặt trăng và Sao Hỏa
Nếu như một ai đó qua đời trong một nhiệm vụ ở quỹ đạo thấp của Trái đất - chẳng hạn như trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, phi hành đoàn có thể đưa thi thể trở lại Trái đất bằng tàu cứu hộ trong vòng vài giờ. Đây là cách xử lý thi thể thường thấy nhất cho các sự kiện như vậy, dựa trên các quy định và hướng dẫn chi tiết được NASA đặt ra.
Cách xử lý tương tự cũng được áp dụng khi phi hành gia qua đời trên Mặt trăng. Theo đó, phi hành đoàn có thể trở về Trái đất với thi thể chỉ sau vài ngày. Với việc phi hành đoàn ngay lập tức trở lại Trái Đất trong thời gian sớm nhất có thể, có thể thấy quá trình bảo quản thi thể sẽ không phải là mối quan tâm chính của NASA. Thay vào đó, ưu tiên lớn nhất sẽ là đảm bảo phi hành đoàn còn lại 'về nhà' an toàn.
Tuy nhiên, mọi thứ sẽ khác nếu một phi hành gia qua đời trong chuyến hành trình 300 triệu dặm tới sao Hỏa, xa hơn nhiều so với khoảng cách giữa trạm ISS hay Mặt Trăng với Trái đất. Trong trường hợp đó, phi hành đoàn có lẽ sẽ không thể điều chỉnh tàu vũ trụ quay đầu trở lại. Thay vào đó, thi thể của người xấu số có thể sẽ quay trở lại Trái đất cùng với phi hành đoàn khi kết thúc nhiệm vụ trên Sao Hỏa, tức là vài năm sau.
Trong thời gian chờ đợi, có lẽ phi hành đoàn sẽ bảo quản thi thể trong một buồng riêng hoặc túi đựng thi thể chuyên dụng. Nhiệt độ và độ ẩm ổn định bên trong phương tiện vũ trụ về mặt lý thuyết sẽ giúp bảo quản thi thể.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao chúng ta không ném các thi thể ra ngoài không gian? Phương án này cũng tương tự như nghi thức chôn cất dưới biển nhằm tiễn đưa các thuỷ thủ và các nhà thám hiểm, khi thi thể của họ được thả xuống từ trên tàu để những con sóng lớn bên dưới đưa đi xa.
Mặc dù là một phương án tưởng chừng là hợp lý, phương án này lại ẩn chứa các nguy cơ tiềm tàng. Cụ thể, nó đi ngược lại thỏa thuận giảm thiểu mảnh vỡ và rác thải không gian của Liên Hợp Quốc. Việc đưa thi thể một ai đó trôi nổi ngoài không gian có thể gây ra một sự cố tầm quốc tế, khi chính thi thể giờ được phân loại thành rác thải không gian.
Mai táng trong không gian
Hãy đặt ra một tình huống: Một phi hành gia bất ngờ qua đời sau khi hạ cánh trên bề mặt Sao Hỏa. Liệu thi thể của người này có được mai táng trên Sao Hỏa?
Về cơ bản, hình thức hỏa táng sẽ không được các phi hành gia ưu tiên. Nó tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho quá trình đốt thi thể. Những phi hành gia còn sống sót còn lại sẽ ưu tiên năng lượng cho các mục đích khác.
Việc chôn cất cũng không phải là ý kiến hay. Vi khuẩn và các sinh vật khác từ cơ thể có thể làm ô nhiễm bề mặt Sao Hỏa, làm ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu môi trường sống trên hành tinh này. Thay vào đó, phi hành đoàn có thể sẽ bảo quản thi thể trong một túi đựng thi thể chuyên dụng cho đến khi có thể đưa thi thể trở về Trái đất.
Tuy nhiên, nếu giải pháp hỏa táng bất khả thi hoặc toàn bộ phi hành đoàn gặp phải sự cố nghiêm trọng và không thể quay về, có thể cơ thể họ sẽ bị chôn vùi hoặc bị bỏ lại trên bề mặt Sao Hỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, xác của con người trên bề mặt Sao Hỏa sẽ không bị phân hủy như trên Trái Đất.
Nếu qua đời vào thời điểm ban ngày trên sao Hỏa, vi khuẩn bên trong cơ thể sẽ bắt đầu quá trình phân hủy như bình thường. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, cơ thể sẽ đóng băng và vi khuẩn sẽ bị bất hoạt. Không có vi khuẩn để phân hủy, các mô mềm trên thi thể vẫn an toàn, biến phần còn lại của người chết trở thành xác ướp trên sao Hỏa.
Tuy nhiên, xác ướp này không tồn tại mãi mãi. Do bầu khí quyển và từ quyển của Sao Hỏa khá mỏng, bức xạ từ vũ trụ sẽ dần phá hủy thi thể, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với Trái Đất. Mặc dù vậy, phần xương cốt có thể vẫn còn tồn tại suốt hàng chục triệu năm.
Tham khảo Science Alert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4