Định danh trên mạng xã hội

    Nam Việt , Đại đoàn kết 

    Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đáng chú ý, sẽ bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam, hay còn gọi là “định danh”.

    Dự thảo cũng đề xuất tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng có nội dung vi phạm. Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay. Dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Nói về quy định “định danh” đăng ký đối với người sử dụng mạng xã hội, PGS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều đó là để xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội; nhằm đảm bảo tính xác thực của thông tin người dùng và tăng cường quản lý trên mạng xã hội, mang lại lợi ích cho người sử dụng và cơ quan quản lý. Yêu cầu xác thực qua số điện thoại di động cũng giúp tránh các trường hợp giả mạo, lừa đảo, hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng trên mạng xã hội. Đặc biệt là giảm thiểu các tài khoản giả mạo hoặc các hoạt động gây hại trên mạng xã hội, giúp hạn chế thông tin sai lệch, thông tin giả mạo và thông tin không chính xác.

    Xác thực tài khoản qua số điện thoại giúp người dùng có thể xác định đối tác giao tiếp là người thật, từ đó tạo sự tin cậy.

    Ông Sơn cũng cho rằng, điều này còn hỗ trợ cho các hoạt động điều tra hành vi vi phạm, các tội phạm trên mạng xã hội, nếu cần thiết. Tuy nhiên việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng phải tuân thủ đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư và an toàn thông tin cho người sử dụng.

    Thời gian qua, tài khoản mạng xã hội khuyết danh (hay còn gọi là nick ảo) đã gây ra nhiều tác động xấu như các hoạt động lừa đảo, bôi nhọ, đưa tin sai sự thật..., nếu quy định “định danh” được áp dụng sẽ giảm số lượng tài khoản giả mạo, gian lận trên mạng xã hội.

    Tới nay, Việt Nam có hơn 66 triệu tài khoản mạng xã hội, từ Facebook, Zalo đến YouTube, TikTok, Instagram… Do có quá nhiều nick ảo nên hoạt động trên không gian mạng khá hỗn loạn giữa thông tin thật với thông tin giả. Trong nhiều trường hợp sự lan truyền nhanh, rộng của mạng xã hội đã vô tình hay cố ý phát tán tin xấu độc. Làm sạch không gian mạng là đòi hỏi chính đáng của người dùng mạng xã hội chân chính cũng như của xã hội. Việc xác định tài khoản qua số điện thoại tự nhiên sẽ buộc người sử dụng có trách nhiệm hơn khi phát ngôn hoặc chia sẻ. Vì nếu vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

    Tuy nhiên, để không gian mạng thực sự an toàn thì bên cạnh quy định “định danh” thì cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý SIM, tiến đến dẹp bỏ SIM rác, vì đó vẫn là lỗ hổng cho các nick ảo hoạt động.

    Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc “định danh” đối với người sử dụng tài khoản mạng xã hội là việc làm văn minh nhiều quốc gia đã áp dụng. Nó không hạn chế quyền tự do ngôn luận, trái lại còn bảo đảm phát ngôn đúng mực, có trách nhiệm. Điều đó sẽ giúp kết nối an toàn hơn, tính tương tác được bảo đảm.

    Cho dù không ít cá nhân lợi dụng mạng xã hội thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật đã bị xử lý, nhưng thực tế cho thấy chỉ vậy vậy vẫn chưa đủ khi mà vẫn còn nhiều nick ảo ném đá giấu tay, vô tư bình luận, dẫn dắt dư luận với những thông tin, hình ảnh tiêu cực, mất thuần phong mỹ tục; kể cả việc nói xấu, hạ uy tín của “đối thủ” cạnh tranh trên thương trường. Tuy nhiên, khi người bị hại “gõ cửa” ngành chức năng thì rất khó để truy vết được tên thật, địa chỉ nơi sinh sống của đối tượng khi đó là tài khoản mạo danh.

    Theo kết quả khảo sát ở thời điểm cuối tháng 6/2023 của Công ty Nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9; với 66,2 triệu người sử dụng. Sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ vẫn còn tiếp tục vì thế việc minh bạch, sòng phẳng đến từ việc “định danh” qua số điện thoại là biện pháp tốt để xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày