Đố bạn biết, máu người gồm những thành phần nào?

    zknight,  

    Tuổi thọ trung bình của hồng cầu là 120 ngày trong cơ thể.

    Không phải là một cơ quan nội tạng, nhưng máu là tổ chức di động có vai trò cực kỳ quan trọng với con người. Máu đi khắp cơ thể thông qua động mạch và tĩnh mạch. Nó vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan, mô và tế bào. Máu cũng loại bỏ chất thải, đưa chúng đến gan và thận rồi đẩy ra khỏi cơ thể.

    Khoảng 45% máu của chúng ta bao gồm các loại tế bào máu khác nhau, 55% còn lại là huyết tương, một chất lỏng màu vàng nhạt. Huyết tương chính là thứ sẽ mang chất dinh dưỡng, hooc-môn, protein, vitamin và khoáng chất quanh cơ thể.

    Có nhiều loại tế bào máu, bao gồm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Chúng được sản xuất chủ yếu trong tủy xương của chúng ta. Trong cơ thể của một người trưởng thành, trung bình có khoảng 5 lít máu. Đây là những thành phần làm nên máu của bạn:

    Hồng cầu

    Tế bào hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể. Chúng rất nhỏ và có hình dạng trông như những chiếc bánh vòng. Tuổi thọ trung bình của hồng cầu là 120 ngày trong cơ thể. Chúng chứa một protein gọi là hemoglobin, chứa sắt, có khả năng hút chặt lấy oxy và cũng là nguyên nhân khiến máu màu đỏ.

    Tế bào hồng cầu rất mềm dẻo. Chúng có khả năng chui xuyên qua cả những mạch máu nhỏ nhất, gọi là mao mạch, để cung cấp oxy cho tất cả các tế bào trong cơ thể. Khi hồng cầu chạm đến các cơ quan và mô, hemoglobin sẽ nhả oxy cung cấp cho những tế bào cần nó.

    Tiểu cầu

    Tiểu cầu thậm chí còn nhỏ hơn các tế bào hồng cầu. Trên thực tế, chúng là những mảnh nhỏ của một loại tế bào lớn hơn khác, gọi là megakaryocyte trong tủy xương. Tiểu cầu được hình thành bằng cách tách ra từ megakaryocyte.

    Tiểu cầu chỉ có tuổi thọ trung bình từ 8 đến 10 ngày trong cơ thể. Bởi vậy, những thế hệ tiểu cầu mới được tạo ra liên tục. Nếu một người hiến máu phải chờ 3 tháng mới có thể hiến lại một lần nữa. Nhưng nếu chỉ hiến riêng tiểu cầu thì khoảng cách giữa 2 lần hiến chỉ là 3 tuần.

    Trong cơ thể tiểu cầu có tác dụng làm đông máu. Khi bạn bị thương, tiểu cầu trong máu sẽ kết tụ lại, dính vào những mô bị tổn thương và hình thành cục máu đông. Tiểu cầu cũng giải phóng một số chất tăng trưởng làm tăng tốc độ bình phục của mô hư hỏng.

    Bạch cầu

    Là một thành phần trong máu, bạch cầu là những tế bào thuộc về hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số tế bào bạch cầu có khả năng giết chết vi sinh vật bằng cách nuốt chửng chúng. Một số loại tế bào bạch cầu khác, được gọi là lymphocytes, giải phóng kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng.

    Tất cả các tế bào máu và huyết tương không hoạt động riêng rẽ mà phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ví dụ, khi bạn bị đứt tay, tiểu cầu sẽ kết tụ để ngăn ngừa chảy máu. Huyết tương cung cấp các chất dinh dưỡng và protein hỗ trợ việc đông máu.

    Trong khi đó, các tế bào bạch cầu giúp ngăn ngừa vết cắt bị nhiễm trùng. Các tế bào hồng cầu cung cấp oxy để giữ cho mô khỏe mạnh và bình phục sau này.

    Hiến máu và truyền máu

     Người mất quá nhiều máu phải được truyền máu

    Người mất quá nhiều máu phải được truyền máu

    Thông thường, con người không thể sống nếu mất quá 40% máu trong cơ thể một cách đột ngột. Nếu một ai đó bị tại nạn và mất tới 2 lít máu, cơ thể sẽ bị sốc và họ sẽ chết nếu không được tiếp máu kịp thời. Tuy nhiên, sự thật thú vị là nếu một người bị mất máu từ từ, chẳng hạn như chảy máu dạ dày, họ có thể mất tới 2/3 lượng máu trong cơ thể mà vẫn sống sót.

    Dĩ nhiên, mất càng nhiều máu, tỷ lệ tử vong sẽ càng cao. Có rất nhiều nguyên nhân gây mất máu, không chỉ là bị thương do tại nạn, trên chiến trường hay phẫu thuật. Ngay cả các bệnh nhân ung thư không chảy máu, nhưng họ cũng được tính là mất máu do các tế bào bị giết chết khi điều trị.

    Người mất nhiều máu phải được truyền máu. Nhưng bởi chỉ được truyền theo từng nhóm giống nhau, các bệnh viện phải dự trữ trước nguồn máu cho các trường hợp khẩn cấp. Họ sẽ thu thập máu từ những người hiến tặng và bảo quản.

    Trong một lần hiến máu điển hình, người hiến tặng sẽ cho đi 450 mL máu của mình. Quá trình này mất khoảng mười phút. Trước đó, người hiến tặng sẽ được xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan và HIV. Chỉ có máu sạch bệnh mới được phép hiến tặng và chuyển đến các bệnh viện.

    Sau đó, máu được phân chia thành các thành phần khác nhau: tiểu cầu, hồng cầu và huyết tương như đã kể ở trên. Tế bào bạch cầu được lọc ra, vì chúng có thể gây ra vấn đề ở những bệnh nhân tiếp nhận chúng. Chẳng hạn, tế bào bạch cầu rất dễ tấn công lại chính cơ thể người nhận.

    Tiếp sau quá trình tách máu, chúng được đưa vào kho lưu trữ trước khi được dùng đến. Các tế bào hồng cầu được giữ trong tủ lạnh và huyết tương cũng vậy.

    Trong điều kiện ngoài cơ thể, hồng cầu có thể được lưu trữ trong sáu tuần, và huyết tương trong một năm. Tiểu cầu thì chỉ có thể được bảo quản trong vỏn vẹn năm ngày.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày