Đố bạn đọc bài viết này mà không nghĩ đến con gấu trắng

    Quân Nguyễn,  

    Nó được gọi là nghệ thuật của sự phớt lờ.

    Hãy bắt đầu với một thử nghiệm nho nhỏ: Khi bạn đọc bài viết ngắn này, sao cũng được, chỉ cần không nghĩ tới gấu trắng.

     MỘT CON GẤU TRẮNG ĐANG NHẢY XUỐNG NƯỚC!

    MỘT CON GẤU TRẮNG ĐANG NHẢY XUỐNG NƯỚC!

    Có thể bạn sẽ nhận ra, đây chính là một phép thử suy nghĩ kinh điển từ nhà văn Fyodor Dostoyevsky. Trong cuốn Winter Notes on Summer Impressions, từ một đoạn văn đã nảy sinh ra hàng ngàn đề tài tâm lý học, ông viết, “Thử đặt bản thân bạn vào việc này: đừng có nghĩ về một con gấu trắng, và bạn sẽ thấy thứ đáng nguyền rủa đó sẽ ghé thăm tâm trí mình từng phút một”.

    Trong y học, hiện tượng này – việc được yêu cầu dập tắt một ý nghĩ, vốn chỉ khiến cho suy nghĩ đó trở nên ngoan cố hơn – được gọi là Thuyết quá trình mỉa mai. Hàng loạt nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã xác nhận điều này: Về cơ bản, nói rằng đừng nghĩ về điều gì đó sẽ chẳng giúp ích gì.

    Nhưng nghiên cứu mới từ Đại học Johns Hopkins cho thấy việc được ra lệnh phớt lờ một thông tin cụ thể nào đó thực sự có hiệu quả, và có thể khiến người ta tìm kiếm thông tin hiệu quả hơn.

    “Tôi đang có hứng thú trong việc giúp mọi người tìm kiếm mọi thứ tốt hơn”, trích lời Corbon Cunningham, một nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp tại Khoa Tâm lý và Não bộ học tại Hopkins, và tác giả chính của một nghiên cứu công bố tháng trước trên tạp chí Psychological Science. “Tưởng tượng bạn làm những công việc tìm kiếm chuyên nghiệp. Việc tìm một thứ gì đó thường gồm hai phần: Biết bạn đang tìm kiếm thứ gì và có thể tách biệt khỏi những thông tin gây xao nhãng”.

    Nói cách khác, bạn cần phải biết mình đang tìm kiếm thứ gì và bần phải biết thông tin nào cần phải vứt bỏ trong quá trình tìm kiếm. Điều này đưa ta tới một thí nghiệm khác, từ nghiên cứu của Cunningham.

    Hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây, và thử xem liệu bạn có thể tìm thấy chữ “T”.

    Bạn có tìm ra? Ok, giờ tới bức hình tiếp theo, bạn sẽ làm điều tương tự nhưng với một gợi ý: Chữ “T” sẽ không mang màu đỏ.

    Bạn thấy sao?

    Trong nghiên cứu của Cunningham, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu một nhiệm vụ tương tự. Cunningham và đồng nghiệp của mình, Howard Egeth, muốn tìm hiểu xem liệu việc học cách phớt lờ một màu sắc được chỉ định có thể, qua thời gian, tạo ra sự khác biệt trong việc một người sẽ tìm ra mục tiêu nhanh như thế nào. Và họ đã khám phá ra: Được yêu cầu phớt lờ thứ gì đó ban đầu sẽ gây cản trở, nhưng dần dần nó sẽ khiến họ xác định mục tiêu một cách nhanh hơn. Điều này thách thức sự hiểu biết thông thường rằng được yêu cầu phớt lờ điều gì đó chỉ gây mất tập trung hơn mà thôi. “Ý nghĩ rằng nó luôn kẹt trong đầu bạn, gần như hút lấy toàn bộ suy nghĩ của bạn vậy”, Cunningham nói. “Ngay cả khi bạn đang cố gắng phớt lờ điều gì đó, bạn vẫn đang tích cực dập tắt nó đi”.

    Nghiên cứu này cho thấy ngay cả khi bộ não đang tích cực dập tắt điều gì đó, nó dần dần hoạt động hiệu quả hơn. “Chúng tôi thấy rằng con người có thể thực hiện quá trình kép này và khiến cho họ trở nên cực giỏi trong việc phớt lờ thông tin”, Cunningham nói, “Nên nó thực sự hiệu quả và có lợi với bạn”.

    Cơ chế thần kinh phía sau điều nay chưa thực sự rõ ràng, và là thứ mà Cunningham muốn làm rõ. Nhưng vẫn có những ứng dụng thực tiễn tiềm năng cho phát hiện này. Như ví dụ của Cunningham về Bác sĩ X quang, người sẽ hưởng lợi từ việc luyện tập bao gồm nhấn mạnh vào những kiểu hình ảnh nào có thể luôn được bỏ qua. Ông cũng đưa ra ví dụ về những người soi hành lý, sẽ có thể trở nên hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm những vật dụng nguy hiểm từ việc biết rõ hình ảnh nào là vô hại.

    "Rõ ràng, mục đích chính của những người tìm kiếm chuyên nghiệp là: thứ gì là mục tiêu của bạn?” Cunningham nói. “Nhưng nó cũng quan trọng như việc hiểu rõ về những thông tin gây xao nhãng hay không phải mục tiêu… Điều này thực sự có thể đóng một vai trò lớn hơn trong tính thành công và hiệu quả của việc tìm kiếm”.

    Vẫn cần phải xem xem bộ lọc thần kinh này có thể giúp con người trong những tình huống hằng ngày như thế nào. Liệu bạn có thể check mail nhanh hơn bởi bạn đã chủ định phớt lờ số lượng lớn mail từ, ví dụ như, ứng cử viên chính trị và những cửa hàng quần áo? (Tốt nhất là bạn nên unsubcribe mấy thứ đó cho tiện.)

    “Mặt tối của sự chú ý, mặt khác của sự chú ý, chính là quá trình hai thành phần này”, Cunningham nói. “Bất cứ khi nào bạn yêu cầu ai đó chú ý, bạn cũng nên yêu cầu họ thứ gì bao hàm hơn, như là: ‘Tôi muốn bạn phớt lờ tất cả mọi người hay mọi thứ trong căn phòng này".

    Cunningham đưa ra một ví dụ về một văn phòng đông đúc, khi mà một người có thể đang cố gắng tập trung vào một cuộc điện thoại, và vì thế cần phải phớt lờ âm thanh từ những người cùng phòng. “Liệu bộ não của bạn thực sự để ý tới tất cả những người khác, hay nó chỉ đang cố gắng kích hoạt tín hiệu từ giọng nói trong điện thoại? Quá trình lược bỏ này như thế nào? Liệu tôi sẽ tạo ra một danh mục những thứ cần phớt lờ, hay tôi sẽ nói một cách rõ ràng, ‘Tôi sẽ phớt lờ Bob và Cari’. Câu trả lời là: Chúng tôi vẫn chưa biết. Và chúng tôi muốn tìm ra nó".

    Tiện nhắc lại, từ đầu đến giờ, bạn vẫn không nghĩ tới con gấu trắng nào đấy chứ?

    Theo The Atlantic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ