2015: năm của thực tế ảo?
Công nghệ thực tế ảo đang có những bước đột phá và nhiều chuyên gia công nghệ nhận định rằng năm 2015 sẽ là năm của thực tế ảo, thậm chí là năm bản lề để đưa thực tế ảo lên tầm cao mới trong tương lai.
Ngày hôm qua, HTC cùng với Valve đã công bố chính thức Vive - một chiếc kính thực tế ảo. Trước đó là những Oculus Rift, Samsung Gear VR, Avegant Glyph và tới tháng 6 này sẽ có thêm Razer OSVR. Số lượng thiết bị thực tế ảo trong lĩnh vực giải trí đang tăng lên trong thấy trong 2 năm gần đây, điều đó cho thấy công nghệ thực tế ảo đang có những bước đột phá và nhiều chuyên gia công nghệ nhận định rằng năm 2015 sẽ là năm của thực tế ảo, thậm chí là năm bản lề để đưa thực tế ảo lên tầm cao mới trong tương lai.
Mặc dù đang là chủ để khá nóng hồi trong thời gian gần đây nhưng cũng không ít người chưa hiểu rõ được thực tế ảo là gì cũng như những ứng dụng của nó như thế nào. Ở đây, người viết xin tóm gọn định nghĩa thực tế ảo là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phòng bằng máy tính và có thể phản ứng lại ngay lập tức trước những tương tác của con người bên trong môi trường này.
Đi kèm với thực tế ảo là sự phát triển không ngừng của công nghệ thực tế ảo, mặc dù chỉ mới xuất hiện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng công nghệ này đã có những ứng dụng tuyệt vời cho nhiều khía cạnh của cuộc sống; từ giáo dục, y tế, quân sự cho tới lĩnh vực giải trí (mặc dù lĩnh vực giải trí mới chỉ phát triển trong những năm gần đây).
Trở lại với chủ để chính của bài viết, chiếc kính Vive vừa mới được công bố ngày hôm qua chỉ là một trong hàng ngàn thiết bị mô phỏng thực tế ảo cho đến thời điểm này. Hơn nữa, sản phẩm này tạm thời cũng chỉ hướng tới lĩnh vực giải trí trong khi ứng dụng của công nghệ thực tế ảo lớn hơn rất nhiều. Vậy năm 2015 này, công nghệ thực tế ảo sẽ tiến xa như thế nào? Hãy cùng người viết xem xét những ứng dụng trong cuộc sống của công nghệ này trong năm nay.
Đầu tiên là trong lĩnh vực giáo dục, trong năm nay sẽ có ít nhất 2 cuộc hội thảo lớn nói về ứng dụng của công nghệ thực tế ảo trong giáo dục đó là VWBPE15 (Virtual Worlds Best Practices in Education) tại đại học Rockcliffe, Hoa Kỳ vào khoảng 21/3 và SALENTO AVR (Augmented and Virtual Reality) 2015, tổ chức tại Italy vào cuối tháng 8 tới đây.
Hầu hết các hội thảo này đều tập trung vào việc phát triển các phần mềm ứng dụng thực tế ảo để xây dựng các bài tập thực sát với thực tế hơn cũng như tạo điều kiện cho nhiều sinh viên học các ngành liên quan đến khảo cổ, vật lý thiên văn hay phẫu thuật nội soi có thể tiếp cận gần hơn với những trường hợp làm việc hiếm khi các bạn có thể gặp khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đó là về phần những cuộc hội thảo, còn những ứng dụng thực tế như phần mềm hay phần cứng cũng có những ví dụ đáng kể như chương trình The Apollo 11 Experience trị giá 300000 EURO là sản phẩm cộng tác giữa chính phủ Ai Len và công ty Immersive VR Education nhằm tăng thêm kiến thức cho học sinh về khoa học vũ trụ cũng như vật lý thông qua việc tương tác với phần mềm thực tế ảo mô phỏng lại quá trình hạ cánh lên Mặt Trăng của tàu Apollp 11 năm 1969. Chương trình này được dự báo là sẽ hoàn tất vào tháng 6 năm nay.
Tiếp theo là lĩnh vực y tế, một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ thực tế ảo nhiều nhất hiện nay. Với những người làm về lĩnh vực y tế có quan tâm đến ứng dụng công nghệ thực tế ảo thì chắc chắn sẽ không bỏ qua hội thảo thường niên MMVR (Medicine Meets Virtual Reality), được bắt đầu từ năm 1992.
Hội thảo năm nay hiện chưa có nhiều thông tin nhưng ban tổ chức cho biết hội thảo sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 này. Năm 2015 này, Oculus Rift sẽ hỗ trợ những sinh viên y khoa cũng như những bác sỹ mới vào nghề bằng các phần mềm ứng dụng thực tế ảo mô phỏng lại những công việc khó như phẫu thuật tủy sống hay hỗ trợ những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh ổn định được tâm lý thông qua những chương trình xoa dịu nỗi đau về tâm thần mà điển hình nhất là những người mắc chứng Alzheimer.
Ngoài ra, mới đây tại đại học Minnesota, một nhóm nghiên cứu đã phát triển một phần mềm thực tế ảo dựa trên những tương tác xã hội đời thường để nghiên cứ về hành vi cũng như sự phát triển của não bộ từ khi còn bé cho tới lúc trưởng thành.
Trong lĩnh vực xây dựng thì công nghệ thực tế ảo đã tạo ra bước đột phá riêng, những kỹ sư xây dựng tài năng luôn bắt đầu với những CAD hay 3Dmax để tạo nên những công trình có tầm cỡ. Nhưng nếu như đeo chiếc kính Oculus Rift lên và tương tác trực tiếp với chính công trình của mình trong thế giới ảo, thay đổi những điều kiện như độ ẩm, ánh sáng thậm chí tạo ra những thiên tai như động đất hay lốc xoáy để kiểm tra độ tin cậy của công trình do mình thiết kế ra trước khi bắt tay vào xây dựng ắt hẳn sẽ đưa tương lai ngành xây dựng lên tầm cao mới.
Đó cũng chính là nội dung chính của hội thảo ICVR2015 (International Conference on Virtual Reality) sẽ được tổ chức vào tháng 4 tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Mới đây, hãng Iris VR cũng đã cho ra mắt phần mềm mô phỏng lại các bản thiết kế của các kiến trúc sư trong một thế giới ảo 3D mà bản thân các kiến trúc sư có thể tương tác thông quả sử dụng Oculus Rift.
Ứng dụng lớn nhất trong lĩnh vực quân sự của công nghệ thực tế ảo có lẽ chính là việc đào tạo tân binh. Nếu trước kia những lính mới chưa đủ kinh nghiệm làm việc với vũ khí hay chất nổ có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và đồng đội thì giờ đây việc đào tạo sử dụng vũ khí cũng như chất nổ thông qua thiết bị mô phỏng thực tế ảo an toàn hơn rất nhiều, chưa kể là những tân binh này có thể rờ tận tay nhiều khí tài mà trong quá khứ không ai để tân binh đến gần chứ đừng nói là động vào. Tháng 2 vừa qua, quân đội Anh chính thức đưa Oculus Rift vào hệ thống đào tạo bộ binh của mình và sẽ triển khai rộng hơn ra các quân chủng khác để nâng cao hiểu biết của người lính về những gì họ có thể đối mặt trên chiến trường mà không bị an nguy đến tính mạng.
Ngoài ra, nhiều phần mềm thực tế ảo cũng đã được thiết kế để trợ giúp những cựu chiến binh bị tổn hại tâm lý sau khi tham chiến và có vài phần mềm hỗ trợ những thương binh làm quen với các phần cơ thể nhân tạo trên con đường quay lại với cuộc sống bình thường. Ví dụ như ngày 25/2 vừa qua, 3 cựu chiến binh người Áo đã được thử nghiệm thành công cánh tay sinh học điều khiển bằng não bộ thông qua một phần mềm thực tế ảo được phát triển bởi đại học Y tế Viên. Nhóm nghiên cứu đang gấp rút hoàn thiện để phầm mềm này có thể ứng dụng rộng rãi cho những cựu chiến binh cũng như người mất chân và tay trong cuộc sống.
Cuối cùng, trong khuôn khổ bài viết thì người viết muốn đề cập đến một lĩnh vực đang là chủ đề nóng gần đây: giải trí. Không cần giới thiệu nhiều khi hiện giờ có khá nhiều thiết bị thực tế ảo cũng như trò chơi hỗ trợ các thiết bị này, có lẽ đình đám nhất hiện nay vẫn là Oculus Rift. Thương vụ 2 tỷ USD khi Facebook mua lại hãng phát triển thiết bị này đến bây giờ vẫn còn độ nóng của nó, kéo theo đó là hàng loạt những sản phẩm đến từ Samsung, Razer bây giờ là HTC liên thủ với Valve cũng tham chiến vào thị trường được đánh giá là thị trường của tương lai này.
Nhưng mặc dù vậy, đây vẫn là thị trường khá mới trong lĩnh vực giải trí nếu so với các lĩnh vực khác nên nó vẫn tiềm ẩn không ít rủi rỏ khi mà ứng dụng thực tiễn của công nghệ thực tế ảo cho các lĩnh vực khác là rất nhiều, thậm chí nhiều trò chơi được viết ra là để hướng tới các mục đích cụ thể thay vì chỉ là để giải trí.
Những thiết bị thực tế ảo đầu tiên xuất hiện vào năm 1962, chính xác hơn là những thiết bị mô phỏng. Nhưng phải chờ tới 20-30 năm sau những thiết bị mô phỏng như vậy mới có tiếng nói trong rất nhiều lĩnh vực. Nếu lấy mốc năm 1990 là năm công nghệ thực tế ảo chính thức được thừa nhận thì sau 25 năm phát triển công nghệ này đã nâng tầm cuộc sống lên rất nhiều và với sự bùng nổ của những thiết bị mô phỏng thực tế ảo trong năm nay thì chúng ta hãy cùng chờ xem những thành tựu mới có đến được với cuộc sống hay không.
>> AMD phát triển LiquidVR: mang đến trải nghiệm mới cho công nghệ “thực tế ảo”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"