"Cô gái Afghan" - Số phận đáng thương đằng sau đôi mắt thiên thần

    Tân Phan,  

    Đằng sau đôi mắt tuyệt đẹp ấy là sự ám ảnh đến rợn người.

    Bức ảnh "Cô gái Afghan" là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được tái dựng lại nhiều nhất thế giới, được chụp bởi phóng viên ảnh người Mỹ Steve McCurry làm việc cho các đầu báo National Geographic và Magnum Photos. Cô gái này tên Sharbat Gula, là học sinh tại trường học không chính thức trong trại tị nạn. Bức ảnh này được chụp vào thời quân Xô-viết đang chiếm đóng tại Afghanistan. Sharbat Gula trong tấm ảnh này được mệnh danh là "Nàng Mona Lisa người Afghan".

    Vào tháng 12 năm 1984, cuộc chiến tại Afghanistan đang diễn ra khốc liệt, hàng triệu người tị nạn đã phải chạy qua Pakistan để trốn khỏi bom đạn. Lúc đó, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đang ở giữa biên giới Afghanistan-Pakistan để chụp lại những hình ảnh của cuộc chiến này. "Có những lúc tôi thấy hàng ngàn người dân Afghanistan đang bị nhồi nhét trong cái trại tị nạn bẩn thỉu này, không nước sạch, không điện đóm, bệnh tật ở khắp nơi, tỉnh cảnh đau thương lắm." - Ông McCurry chia sẻ.

     Phóng viên ảnh Steve McCurry ở chiến trường.

    Phóng viên ảnh Steve McCurry ở chiến trường.

    Bỗng nhiên ông McCurry nghe được tiếng trẻ con cười nói trong một cái lều lớn ở trại tị nạn tại thành phố Peshawar, Pakistan. Chiếc lều lớn đó là nơi các nữ sinh đang được dạy học. McCurry nói: "Tôi để ý thấy cô bé gái với đôi mắt đẹp đến sững người, và tôi biết rằng tôi PHẢI chụp được cô bé ấy.". Và rồi Sharbat Gula đã trở nên nổi tiếng trên bìa ảnh National Geographic ấn bản tháng 6 năm 1985.

    Ấn bản National Geographic tháng 6 năm 1985.
    Ấn bản National Geographic tháng 6 năm 1985.

    Lúc đầu, Sharbat Gula rất ngại ngùng nên cô lấy tay che mặt lại, giáo viên của cô liền nói cô nên bỏ tay xuống để cả thế giới thấy cả khuôn mặt và câu chuyện của cô. "Thế rồi cô bé thả tay xuống và nhìn thẳng vào ống kính của tôi, đôi mắt ấy như xuyên qua tim của người nhìn. Cô bé trông xinh và tuyệt vời lắm." - McCurry kể lại. Đây là lần đầu tiên Gula được chụp ảnh, cô nói rằng cô chưa từng nhìn thấy máy ảnh ngoài đời bao giờ.

    Sharbat Gula trong bức ảnh đầu tiên, cô lấy tay che mặt vì ngại.
    Sharbat Gula trong bức ảnh đầu tiên, cô lấy tay che mặt vì ngại.

    Ông McCurry chia sẻ rằng điều khiến cho bức ảnh này tuyệt vời là vì sự tương phản màu sắc của tấm khăn choàng và màu của hậu cảnh. "Tôi chỉ việc bấm nút chụp." - ông nói. Một điều thú vị là cô bé Gula không cho ông nhiều thời gian để chụp, chỉ sau vài bức ảnh thì cô bé bỏ đi và tán gẫu với bạn bè. Ông nói rằng ông không biết là ảnh sẽ như thế nào và phải 2 tháng sau khi cuộn ảnh được tráng rọi thì McCurry mới thấy sự tuyệt vời của những bức ảnh ông đã chụp. McCurry đưa cho toàn soạn báo 2 bức ảnh: lúc Gula nhìn thẳng vào ống kính và lúc cô che mặt. Khi chủ nhiệm toà soạn nhìn thấy bức ảnh Gula nhìn vào ống kính, ông liền nói 'Đây sẽ là ảnh bìa tiếp theo!' không một giây chần chừ.

     Bức ảnh được dùng làm trang bìa của Sharbat Gula.

    Bức ảnh được dùng làm trang bìa của Sharbat Gula.

    Bảy năm sau đó, McCurry đã gặp mặt lại đôi mắt xinh đẹp thuở ấy, nay đã là một thiếu nữ. Đó là khi ông biết được câu chuyện của Sharbat Gula. Vào thời điểm McCurry chụp tấm ảnh đó thì Gula đang ở độ tuổi 12, bố mẹ cô đã thiệt mạng vì máy bay Xô-viết không kích, cô phải đi vào trại tị nạn cùng với ông bà và họ hàng. "Một cô bé mà vừa là người tị nạn vừa là trẻ mồ côi thì tôi không tưởng tượng được nỗi đau ấy lớn như thế nào." - McCurry chia sẻ. Cho đến hiện tại thì ông vẫn giữ liên lạc với Gula và gia đình của cô ấy.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ