Cyber-shot RX100 III: nhỏ nhưng nhiều võ

    IcedT,  

    Thế hệ thứ ba của dòng máy ảnh compact RX100 có giá bán lên tới gần 19 triệu đồng. Tuy nhiên, những gì mà thân máy nhỏ gọn này thể hiện qua ảnh chụp có thể khiến nhiều tín đồ nhiếp ảnh bất ngờ.

    Từ khi ra mắt, dòng máy RX100 của Sony luôn được giới chơi ảnh đánh giá cao bởi khả năng chụp tuyệt vời trong một thân máy nhỏ nhắn, thích hợp làm thiết bị dự phòng cho giới chuyên nghiệp cũng như là một lựa chọn xứng đáng cho người dùng phổ thông, ít tìm hiểu về nhiếp ảnh. Với phiên bản thứ ba Cyber-shot RX100 III (tạm gọi là RX100M3), Sony đã bổ sung thêm nhiều cải tiến cho dòng máy ảnh này, nhưng vẫn giữ được kích thước nhỏ gọn của một chiếc máy ảnh compact.

    Ưu:

    - Kích thước cực kỳ nhỏ gọn, có thể nhét vừa trong túi quần.

    - Cảm biến BSI-CMOS lớn tới 1” giúp thu sáng tốt hơn, ảnh ở ISO cao cho khả năng khử nhiễu tốt nhờ cảm biến BIONZ X, độ phân giải 20 MP cho độ chi tiết cao.

    - Kết nối Wi-Fi và NFC cho khả năng truyền tải hình ảnh qua smartphone cực nhanh.

    - Màn hình lật 180 độ giúp chụp ảnh selfie chất lượng cao, có chế độ làm đẹp da Beauty Effects khá hiệu quả.

    - Hỗ trợ chuẩn file RAW.

    - Có chế độ chỉnh tay giúp phơi sáng, chụp chuyển động nhanh,… chuyên nghiệp hơn.

    - Ống kính T* của Zeiss với khẩu độ mở lớn (f/1.8 tới f/2.8) cho khả năng chụp thiếu sáng và làm mờ hậu cảnh tốt.

    - Tốc độ lấy nét nhanh, hiệu quả.

    Nhược:

    - Bị loại bỏ hot-shoe để gắn flash, không có kết nối thiết bị phụ trợ như mic thu âm.

    - Hệ thống giao diện rườm rà, tốn thời gian thao tác.

    - Pin dung lượng thấp.

    - Khẩu độ khép tối đa chỉ f/11.

    - Giá chính hãng còn cao.

    Thiết kế:

    RX100M3 thừa hưởng nhiều đường nét quen thuộc của RX100M2 nói riêng và dòng máy RX100 nói chung với thân hình nhỏ, nhẹ nhưng dày hơn đôi chút do kích thước ống kính lớn hơn. Phần trước và mặt trên của máy được ốp bởi bộ khung làm từ nhôm cao cấp, đem lại cảm giác sang trọng, cao cấp. Hệ thống phím bấm và các cổng kết nối vẫn được giữ nguyên so với thế hệ trước, giúp người dùng không cảm thấy bỡ ngỡ nếu đã từ dùng qua những dòng RX100 trước đây.

    Điểm khác biệt nằm ở sự bổ sung của kính ngắm điện tử EVF (Electronic Viewfinder) trên RX100M3 ở vị trí của đèn flash cóc trước đây. Để kích hoạt, người dùng chỉ cần gạt cần ở cạnh trái máy ảnh, sau đó kéo phần kính ngắm về phía mình để có thể ngắm qua màn hình OLED độ phân giải 800 x 600.

    Nếu vẫn chưa nhìn rõ, Sony cho phép chúng ta có thể thay đổi độ cận cho phù hợp với mắt với một cần gạt nhỏ ở ngay trên kính ngắm này. EVF là trang bị đem lại nhiều trải nghiệm mới cho chiếc RX100M3, thay vì cách ngắm-chụp qua màn hình thông thường.

    Bên cạnh sự bổ sung của EVF thì kết nối hotshoe cũng đã bị loại bỏ trên chiếc máy ảnh này. Thay vào đó, Sony chỉ trang bị một chiếc đèn flash cóc nhỏ nhắn vào vị trí cũ. Thực tế thì mục đích sử dụng của RX100M3 là tính di động, nhỏ gọn nên việc kết nối thêm đèn flash rời cũng không thật sự khả thi. Khi sử dụng RX100 thế hệ 2, người viết cũng chưa từng lắp thêm đèn flash do cảm thấy không thật sự cần thiết. Kết nối với mic ngoài cũng đã bị loại bỏ.

    Nắm bắt trào lưu chụp ảnh tự sướng, màn hình của RX100M3 có khả năng xoay lật tới 180 độ về phía trước máy ảnh. Khi đó, người dùng có thể chụp ảnh selfie một cách dễ dàng, chính xác hơn. Đèn flash của RX100M3 khi chụp “tự sướng” sẽ hơi chói, nên để EV -0.7 sẽ cho ra hình ảnh vừa mắt hơn. Khi chụp vật thể với flash, chúng ta cũng nên giảm EV để ảnh không bị hiện tượng “trắng xóa”.

    Trải nghiệm:

    Ngày đầu tiên nhận được máy, chức năng mà người dùng phải thử trước tiên là “tự sướng”, xem có hơn gì so với chụp bằng điện thoại hay không mà chiếc máy này có giá cao tới vậy. Để chụp selfie, người dùng cần cầm máy bằng tay trái mới có thể bấm chụp được. Ngoài ra, màn hình cũng phải lật lên để có thể “soi gương” trước khi chụp. Nhìn chung, khả năng xoay tới 180 độ của màn hình RX100M3 chính là một trong những điểm cộng lớn cho chiếc máy này.

    Trong phần cài đặt của RX100M3 có phần hiệu ứng Beauty Effects. Trong đây có đủ các công cụ giúp cho việc “lừa tình” trở nên đơn giản hơn nhiều: người dùng có thể chỉnh màu da, độ mịn da, giảm hiệu ứng bóng nhờn (trên da dầu), làm to mắt và tẩy trắng răng ngay từ trên máy, và hiệu quả thực tế là khá kinh ngạc. Có lẽ từ bây giờ tôi sẽ không sử dụng Photoshop hay Camera 360 để xóa mụn nữa.

    Những chuyến du lịch giờ đây sẽ không cần tới máy tính để copy ảnh ra nữa, vì RX100M3 có Wi-Fi và NFC.

    Những chuyến du lịch giờ đây sẽ không cần tới máy tính để copy ảnh ra nữa, vì RX100M3 có Wi-Fi và NFC.

    RX100M3 được tận dụng tối đa trong chuyến du lịch Đà Nẵng của tôi, thay cho chiếc iPhone. Với kết nối Wi-Fi có sẵn, tôi có thể gửi ảnh qua ứng dụng PlayMemories Mobile ở độ phân giải cao nhất hoặc cũng có thể nén lại qua tùy chọn trong ứng dụng. Có thể nói, khả năng kết nối không dây với smartphone của RX100M3 rất ổn định: ảnh gửi nhanh, không lần nào bị gián đoạn. Sau khi nhận được ảnh trên smartphone, người dùng có thể nhanh chóng chỉnh sửa bằng các ứng dụng quen thuộc và tải lên mạng xã hội mà không cần phải cắm thẻ nhớ vào máy tính khá rườm rà. Khá nhiều ảnh trên Instagram của tôi được chụp bới RX100M3, với hashtag #rx100m3.

    Là một người dùng khá bảo thủ, tôi không muốn sử dụng những chế độ “thông minh” được tích hợp trên máy mà chỉ luôn trung thành với hai chế độ: M (chỉnh tay) và A (ưu tiên khẩu) và phần lớn thời gian để ISO, cân bằng trắng tự động. Tuy vậy, với người dùng mới chuyển qua Sony, phần thiết lập của máy có lẽ là khá rườm rà với đủ loại tùy chọn ở trong phần cài đặt, cũng như cách thức thay đổi thông số khá phức tạp, không thân thiện và mất thời gian để làm quen. Có lẽ RX100M4 nên có màn hình cảm ứng và giao diện đơn giản hơn đôi chút.

    RX100M3 có thể mở khẩu lớn nhất là f/1.8 ở tiêu cự 24 mm và tương ứng là f/2.8 ở tiêu cự 70 mm. Với độ mở khẩu này, khi “zoom” sâu nhất và để thông số f/2.8, khả năng làm mờ hậu cảnh không phải là vấn đề quá khó của chiếc máy này. Hãy xem bức ảnh chai ớt khô ở trên: hiệu ứng bokeh dù hơi méo nhưng hiệu quả “xóa phông” là rất tốt, chi tiết của chai ớt cũng được bảo toàn sắc nét.

    Độ mở khẩu lớn cũng giúp cho người dùng có những bức ảnh chụp lúc tối trời rõ nét hơn. Tuy nhiên, khả năng lấy nét ban đêm của RX100M3 vẫn chỉ ở mức vừa phải, ảnh khi zoom hết cỡ sẽ hơi thấy mờ nhẹ, dù vậy để đăng lên mạng xã hội thì vẫn khá tốt.

    Khả năng khép khẩu tối đa của RX100M3 chỉ dừng lại tại f/11, đây cũng điều dễ hiểu cho một chiếc máy ảnh compact nhỏ gọn. Với khẩu độ này, tôi thực hiện những bức ảnh chụp pháo hoa bằng cách gắn máy lên hotshoe của một chiếc DSLR khác đang cắm lên tripod nhưng thời gian phơi sáng chỉ được phép để 5 tới 6 giây, ISO thấp nhất là 80 để ảnh không bị “cháy”. Thực chất, tôi đã quên không kích hoạt tính năng ND (Natural Density), nếu không thời gian phơi sáng có thể đẩy lên lâu hơn.

    Dù vậy, ảnh chụp pháo hoa cũng khiến tôi khá bất ngờ với một thân máy quá gọn như vậy: chất ảnh trong, màu sắc rất trung thực.

    RX100M3 vẫn có những chế độ chụp mang nét riêng của Sony nhưng tôi đánh giá cao Sweep Panorma. Ảnh Panorama được ghép khá chuẩn xác, độ sắc nét, chi tiết và màu sắc, tương phản giữa các vùng vẫn được đảm bảo rất tốt. Tuy vậy, tôi gặp cảm giác “hụt” khi lia máy, do Sweep Panorama trên RX100M3 không cho góc lia rộng.

    Tôi đã thử một bức chụp macro với RX100M3. Với thông số tiêu cự 70 mm, khẩu độ mở hết cỡ f/2.8 và chụp trong tình trạng gió nhẹ: ảnh chụp có nét rất tốt, chi tiết được bảo toàn kể cả khi zoom 100%. Tuy nhiên, có vẻ như RX100M3 cho độ nét ở rìa không bằng phần trung tâm ảnh, nhưng đây cũng không phải là vấn đề vì tôi chỉ dùng RX100M3 để chụp ảnh và chia sẻ lại lên mạng xã hội, không phải dùng để in ra khổ lớn.

    Với cảm biến lớn, độ phân giải cao cùng bộ xử lý mới, ảnh chụp từ RX100M3 cho độ chi tiết khá cao, sắc nét dù ISO được thiết lập ở mức 1600 (cao hơn sẽ bệt dần). Ngoài ra, RX100M3 còn cho phép lưu lại ảnh chụp dưới định dạng RAW *.ARW để người dùng chuyên nghiệp có thể chỉnh sửa được nhiều thông số sau khi chụp hơn.

    Viên pin bán kèm RX100M3 là NP-BX1 với dung lượng 1.240 mAh. Thời lượng pin này không cao, chỉ chụp được khoảng 300~350 shot ảnh và thậm chí chỉ còn khoảng 250 shot nếu dùng EVF thường xuyên. Tuy vậy, ưu điểm của RX100M3 là có thể sạc qua cổng microUSB, vì vậy với việc đem theo một chiếc pin dự phòng thì chúng ta sẽ không cần phải lo ngại gì nữa.

    Xem một số ảnh chụp khác từ RX100M3:

     

    Kết luận:

    Có giá bán chính hãng khá cao, gần 19 triệu đồng, RX100M3 không phải là lựa chọn cho phần đông người dùng. Tuy vậy, với hiệu quả sử dụng xuất sắc trên một thân máy nhỏ gọn và khả năng kết nối nhanh với smartphone, đây sẽ là chiếc máy ảnh dự phòng hoàn hảo cho giới nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, là chiếc máy ảnh du lịch dành cho những người mới làm quen với nhiếp ảnh, hay không có nhiều kiến thức nâng cao về ảnh số mà vẫn muốn có những bức ảnh có giá trị.

    Lưu ý: Ảnh chụp trong bài viết được giữ nguyên chất lượng, chỉ thay đổi kích thước nhỏ hơn. Tải về ảnh gốc tại đây.

    >> Máy ảnh du lịch Sony RX100M2: Đắt có xắt ra miếng?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày