Đối thủ Tesla lộ diện: Siêu xe điện chưa từng có trên Trái đất
Màn ra mắt chiếc siêu xe điện của Faraday Future vô cùng ấn tượng và cũng không ít bất ngờ đến sững sờ.
Hãng xe ô tô điện Faraday Future được ví như đối thủ trực tiếp của Tesla, đã có một khoảng thời gian phát triển trong thầm lặng kéo dài 1 năm rưỡi. Và ngày hôm nay, lần đầu tiên Faraday Future công bố mẫu xe điện đầu tiên của mình trước công chúng, tại triển lãm CES 2016.
Đây không phải một chiếc xe điện, đây là một con quái vật chưa từng xuất hiện trên Trái đất.
Chiếc siêu xe điện FFZERO1 này của Faraday Future có thể được coi là một chiếc xe của tương lai, một sản phẩm mà chúng ta chưa từng được thấy trước đây trên Trái đất. Với thiết kế bên ngoài vô cùng lạ mắt, chỉ có một chỗ ngồi, trang bị động cơ 1.000 mã lực với khả năng tăng tốc từ 0-100km/h dưới 3 giây và tốc độ tối đa 320km/h. FFZERO1 thực sự là một con quái vật đến từ hành tinh khác.
Video giới thiệu mẫu xe FFZERO1.
Mẫu concept mà Faraday Future là nguyên mẫu với thiết kế giống như phiên bản đời thực, mặc dù nó vẫn chưa thể chạy cũng như trình diễn các công nghệ tiên tiến mà hãng này quảng cáo. Buồng carbin một chỗ ngồi với mái vòm kính và vô lăng làm ta liên tưởng đến buồng lái của một chiếc chiến đấu cơ nào đó, chứ không phải một chiếc xe 4 bánh chạy trên mặt đất.
Nội thất bên trong được làm hoàn toàn bằng sợi carbon màu trắng, và theo như hãng sản xuất thì chiếc ghế lái được thiết kế theo tiêu chuẩn của NASA và có thể bảo vệ người lái trong mọi trường hợp tai nạn có thể xảy ra.
Faraday Future cho biết hãng này đã tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến nhất bên trong chiếc siêu xe điện của mình. Mà trong đó, phải kể đến một màn hình cảm ứng ngay trên vô lăng giúp điều khiển toàn bộ hệ thống của xe, một màn hình phía trước hiển thị các thông số cơ bản như tốc độ, vòng tua và mức nhiên liệu. Trong khi đó, màn hình này cũng có thể hiển thị các chi tiết thực tế tăng cường, giúp người điều khiển nắm rõ được mọi thông tin xung quanh chiếc xe, như tuyến đường phía trước như thế nào hay có bất kỳ một chiếc xe nào đang có khả năng gây va chạm hay không.
FFZERO1 còn được trang bị công nghệ lái tự động, nhờ rất nhiều cảm biến và camera được đặt xung quanh chiếc xe. Đây là tính năng hỗ trợ giúp người lái rảnh tay trên những chặng đường dài, giống như tính năng tự lái của Tesla. Bên cạnh đó, chiếc siêu xe này cũng có cả các cảm biến bên trong carbin, thu thập các dữ liệu sinh trắc học của người lái như nhiệt độ, nhịp tim hay huyết áp. Nhờ đó có thể cảnh báo nếu người lái đang trong tình trạng sức khỏe xấu.
Thiết kế của FFZERO1 cũng là điều đáng để nói, nó không giống với bất kỳ một chiếc siêu xe nào mà chúng ta từng thấy trước đây. Đặc biệt là phần đèn pha phía trước và cụm đuôi phía sau, nhìn giống như một chiếc phi thuyền ngoài không gian hơn là một chiếc xe điện.
Có một thắc mắc lớn ở đây là không hiểu người lái sẽ vào trong carbin bằng cách nào, khi cả hai bên đều không có cửa và cũng không hề có cơ chế mở cửa vòm kính ở phía trên. Một điểm khó hiểu nữa là để đạt được gia tốc và tốc độ lớn như vậy, thì chiếc xe cần có thiết kế mang tính động lực học. Tuy nhiên phần đầu xe chúng ta có thể thấy là sẽ gây ra một lực cản rất lớn, ngay cả khi phía trước là các tấm lưới lọc gió.
Và đây có thể là câu trả lời cho tất cả các thắc mắc trên, khi mà Phó chủ tịch cấp cao Nick Sampson, người giới thiệu chiếc xe FFZERO1 trong sự kiện ra mắt ngày hôm nay cho biết: “FFZERO1 sẽ không phải là chiếc xe được sản xuất đầu tiên của Faraday Future, thay vào đó đây chỉ là nguyên mẫu để cho tất cả mọi người thấy rằng những gì chúng tôi làm tiếp theo sẽ thay đổi ngành công nghiệp này”.
Màn ra mắt của Faraday Future tại CES 2016.
Điều đó cũng có nghĩa rằng FFZERO1 chỉ là một nguyên mẫu để trưng bày, một concept sẽ không được lăn bánh. Đây có thể sẽ là nỗi thất vọng của nhiều người, sau khi chứng kiến màn giới thiệu vô cùng ấn tượng của Faraday. Tuy nhiên, những gì mà hãng xe điện này giới thiệu tiếp theo cũng không kém phần ấn tượng.
Nhưng mà: "Cái này là hiện vật, cấm sờ!"
Đó được gọi là Variable Platform Architecture, một khái niệm hoàn toàn mới đối với ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, nhưng chiếc xe module có thể thay đổi và lắp ghép để bổ sung thêm tính năng.
Ông Sampson đã giới thiệu nền tảng Variable Platform Architecture này thông qua một đoạn video, nó cho thấy những chiếc xe “thực tế” của Faraday sẽ dựa trên một bộ khung gầm duy nhất. Và nó có khả năng thay đổi kích thước để có thể biến từ một xe sedan nhỏ gọn thành một xe SUV cỡ lớn. Thậm chí có thể bổ sung thêm các gói pin lớn hơn để có thể phục vụ các chuyến đi đường dài.
Khái niệm nền tảng Variable Platform Architecture của Faraday.
Tiếp đó, ông Sampson cho biết: “Chúng tôi không chỉ thay đổi kích thước, chúng tôi còn có thể thay đổi số lượng và sức mạnh của các hệ thống truyền động. Những chiếc xe có thể trang bị một module động cơ hay thậm chí là 3 module động cơ tùy theo nhu cầu của bạn”.
Hình đằng sau kia mới giống một chiếc xe điện mà Faraday Future có ý định sản xuất thương mại.
Cũng trong màn ra mắt tại CES 2016, Faraday Future bất ngờ công bố sự hợp tác với công ty truyền thông LeTV của Trung Quốc, đứng đầu là tỷ phú Jia Yueting. Ông đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy rộng 300.000 m2 của Faraday Future. Ông Sampson cũng cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp pin di động lớn nhất và tốt nhất trên thế giới, tuy nhiên chúng tôi vẫn sẽ tự thiết kế và phát triển công nghệ của các gói pin, giống như Tesla vẫn đang làm”.
Chơi chữ rất khéo: "Glimpse Into The Future" - nghĩa là chúng tôi hướng đến tương lai, nhưng cũng có thể hiểu là đợi vài năm nữa nhé!
Tạm kết lại sự kiện ra mắt của Faraday Future tại triển lãm CES 2016 hôm nay, đó là cảm giác hơi hụt hẫng. Trong khi màn giới thiệu chiếc FFZERO1 cực kỳ hoành tráng và ấn tượng, bản concept cũng rất đẹp nhưng cuối cùng thì đó chỉ là nguyên mẫu để trưng bày. Trong khi đó, hãng xe điện này vẫn chưa có bất kỳ một sản phẩm thực tế nào, mặc dù nền tảng Variable Platform Architecture là rất hứa hẹn.
Tuy nhiên, ông Sampson vẫn khẳng định rằng: “Chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng với tốc độ cao, ít hơn 18 tháng nữa một chiếc xe sẽ được ra mắt thị trường. Chúng tôi vẫn cần phải thay đổi một cách linh hoạt để đáp ứng được thị trường, trong khi thích ứng và linh hoạt là lợi thế của nền tảng Variable Platform Architecture hoàn toàn mới”.
Tham khảo: theverge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android