Ngoài việc chơi game, kính thực tế ảo còn được dùng để làm gì khác?

    PV,  

    Dù là một công nghệ mới nổi và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng nhưng có lẽ ít người biết được tác dụng chính của thực tế ảo, bên cạnh việc dùng để chơi game.

    Khái niệm “thực tế ảo” đã không còn xa lạ với cộng đồng yêu công nghệ trên toàn thế giới. Hầu hết những người từng có cơ hội dùng thử công nghệ này đều phải thốt lên rằng những gì họ trải nghiệm thực sự rất tuyệt vời.

    Thực tế ảo mang “cảm giác hiện hữu” đến với người dùng. Bạn không chỉ được nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác, mà còn có cảm giác như đang thực sự bước vào thế giới đó.

    Với công nghệ thực tế ảo, bạn có thể chạm vào một con cá đang bơi trong chiếc tàu đắm, bạn có thể bước qua chiến trường trong vai một gã khổng lồ, hay bạn có thể nấu nướng trong nhà bếp và mọi thứ bạn cảm nhận đều chân thực đến khó tin.

    Người dùng có thể điểm tên một vài thiết bị thực tế ảo như Oculus Rift, Samsung Gear VR hay HTC Vive, một thiết bị đình đám trong thời gian gần đây, thu hút được sự chú ý của rất nhiều người ngay cả khi chưa được tung ra thị trường.

    HTC Vive
    HTC Vive

    Thực tế ảo hoàn toàn là một hình thức đa phương tiện mới. Sự xuất hiện của nó giống như sự xuất hiện của tranh sơn dầu trong hội hoạ hay sự xuất hiện của TV và nhiếp ảnh, chúng đều là những thứ mà trước đây chưa từng có và cũng không mấy ai tin rằng có thể có.

    Cũng chính vì sự mới lạ và non trẻ của công nghệ này mà nó đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và những nghi ngờ trong lợi ích thực sự mà nó mang lại.

    Chỉ qua cái nhìn ban đầu, các thiết bị phần cứng trong công nghệ thực tế ảo dễ gợi nhắc người ta đến hình ảnh của những chiếc Mutoscope. Đây là chiếc máy cho phép hình ảnh chuyển động nhờ một trục quay tay. Khi bạn chăm chú vào những khe ảnh và quay tay cầm, ảnh sẽ trượt trong hộp quay và tạo ra ảo giác động trước mắt bạn.

    Phiên bản Mutoscope đầu tiên
    Phiên bản Mutoscope đầu tiên

    Tất cả những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Easy Rider hay The Godfather đều được làm ra theo một nguyên lý chung, giống như cách những hình ảnh trong máy Mutoscope chuyển động.

    Công nghệ thực tế ảo cũng giống như chiếc máy Mutoscope. Nhìn qua thì công dụng của nó chẳng có gì ngoài mang đến một hình giải trí mới nhưng thực tế lợi ích của nó còn hơn thế và còn hơn cả những gì bạn có thể tưởng tượng.

    Công nghệ này đã được sử dụng trong quân sự từ rất sớm. Nó đã chứng minh tính hữu ích của mình trong công tác huấn luyện chiến đấu, đặt những người lính vào nhiều trường hợp khác nhau, giúp họ học được cách xử lý thích đáng cho những trường hợp đó.

    Mặt khác, huấn luyện quân sự thường tiêu tốn rất nhiều tiền, đặc biệt là đối với huấn luyện không vận. Vì thế việc sử dụng thực tế ảo để mô phỏng chuyến bay sẽ tiết kiệm được một khoản lớn cho ngân sách hơn là sử dụng máy bay thật trong huấn luyện như trước.

    Phần mềm HumanSim
    Phần mềm HumanSim

    Thực tế ảo đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh doanh, kiến trúc, xây dựng, thời trang và rất nhiều ngành khác. Microsoft đang tìm cách để tạo nên những cuộc hội thoại 3D, những nhà làm phim trẻ cũng đang áp dụng thực tế ảo trong các tác phẩm của mình và công nghệ tuyệt vời này cũng sẽ sớm được sử dụng trong các phiên toà để dựng lại hiện trường phạm tội.

    Đối với sự xuất hiện của thực tế ảo, bên cạnh những người ủng hộ và tin tưởng vào nó vẫn còn rất nhiều lời hoài nghi. Song, chúng ta không thể phủ nhận rằng công nghệ này mới chỉ đang bước những bước đi đầu tiên và đang liên tục phát triển hơn nữa.

    Có thể trong tương lai không xa, những lợi ích của thực tế ảo sẽ tiếp tục được khám phá hoặc thậm chí nó sẽ còn được phát triển lên công nghệ tiên tiến hơn rất nhiều.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ