Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai?

    Nguyễn Hải,  

    Có thể bài kiểm tra dưới đây chưa hoàn toàn trọn vẹn, nhưng có một điều chắc chắn, kết quả đo kích thước bằng các ứng dụng thực tế tăng cường chưa hoàn hảo khi so sánh với thước dây truyền thống.

    Apple và Google đều có ứng dụng đo lường của riêng mình cho iOS và Android. Trong khi Apple mới đưa vào tính năng này từ bản beta của iOS 12, Google đã ra mắt nó cho tất cả các thiết bị tương thích với ARCore một tuần trước đó. Tất nhiên, phần lớn mọi người chắc hẳn chỉ một chiếc smartphone duy nhất, nên họ gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng ứng dụng trên nền tảng của mình: Vậy độ chính xác của mỗi ứng dụng là như thế nào?

    Một cuộc thử nghiệm thú vị dưới đây có thể không toàn diện, nhưng có lẽ nó đủ để chúng ta quyết định xem ứng dụng đo lường bằng thực tế tăng cường của nền tảng nào chính xác hơn. Với một chiếc iPhone 8 Plus và Pixel 2, ta đã có 2 “thước đo kỹ thuật số” và có thể cùng so sánh độ chính xác giữa chúng khi xác định kích thước của các vật trong gia đình.

    Vòng 1: đo cốc uống nước

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 1.

    Kết quả đo từ ứng dụng Measure của iOS (ngoài cùng bên trái) và của Android (ở giữa) so với kết quả thực (ngoài cùng bên phải).

    Với hầu hết những người làm nghề viết lách như tác giả, việc có một cốc nước trên bàn là điều gần như không thể thiếu để đáp ứng được chỉ tiêu về số lượng bài viết mỗi ngày. Bạn có lẽ không cần quan tâm lắm đến những chi tiết kỹ thuật đằng sau phép đo của mỗi ứng dụng với ARCore và ARKit, nhưng kết quả đo của nó là điều ai cũng có thể thấy.

    Rất ấn tượng. Cả Apple và Google đều phát hiển ra chiều cao đúng của chiếc cốc thủy tinh. Có thể tính trong suốt và khả năng phản chiếu của thủy tinh có gây ra một số vấn đề cho phép đo, nhưng cả 2 ứng dụng này đều đã vượt qua được các thách thức đó. 10 điểm cho mỗi bên.

    Vòng 2: đo thước dây

    Nếu một ứng dụng thước đo lại không thể đo được kích thước của một chiếc thước dây – ứng dụng đó có vấn đề nghiêm trọng đấy.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 2.

    Một lần nữa, cả hai ứng dụng lại cho ra kết quả tương tự nhau và bằng đúng như kích thước thật ngoài đời. 10 điểm nữa cho cả hai ứng dụng và có lẽ giờ là lúc bạn bắt đầu suy nghĩ về việc liệu có cần đến một chiếc thước dây thật hay không.

    Vòng 3: chú lợn bông Pua

    Chắc hẳn cũng không có nhiều người thắc mắc về kích thước của một món đồ chơi như chú lợn bông đáng yêu Pua trong phim Moana, nhưng chắc hẳn cũng chẳng hại gì nếu ta biết thêm một thông tin nữa. Và với một chú lợn thì tốt nhất ta nên tìm hiểu chiều dài và chiều cao hơn là chiều ngang của nó.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 3.

    Ứng dụng Measure của Apple thường cho kết quả sát hơn so với Google, có lẽ là do ứng dụng của Google đã tính thêm khá nhiều vào chiều dài của Pua. Tuy nhiên, ứng dụng của Google đã cho ra kết quả chiều cao một cách hoàn hảo, trong khi ứng dụng của Apple lại sai lệch một cách đáng kể khi bỏ qua phần đỉnh tai của Pua.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 4.

    Vòng 4: gương trong phòng tắm

    Với các ứng dụng đo kích thước trong không gian thực tế tăng cường, một tấm gương treo sát trên tường sẽ khác hẳn một chú lợn bằng bông. Có lẽ đó là lý do làm cho phần mềm ARCore trong ứng dụng của Google không nhận diện được chiếc gương để cho ra kết quả. Và tất nhiên phần thắng thuộc về Apple.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 5.

    Nhưng thách thức cho Apple không phải là không có. Chênh lệch so với số đo thật đến 1,5 inch – tương đương 5% kích thước cạnh – có lẽ tạm đủ tốt với một vật thể có kích thước lớn đến như vậy. Có thể nó chưa đủ tin cậy với những vật cần độ chính xác cao, nhưng ít nhất cũng đủ để bạn có thể hình dung món đồ của mình lớn đến mức nào.

    Vòng 5: một bức ảnh khổng lồ

    Thử thách lần này là một mặt phẳng khác, một bức ảnh chân dung cỡ lớn, nhưng thay vì được treo trên tường giống như tấm gương, nó lại được dựng vào tường ở sau cửa ra vào. Một chút khác biệt đó đã giúp cho ứng dụng Measure của Android phát hiện ra được vật thể và có thể đo được kích thước của nó.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 6.

    Kích thước đo bằng ứng dụng của Apple và Google.

    Cả hai ứng dụng đều chênh lệch trong khoảng 2 inch so với chiều dài và chiều rộng thật của bức ảnh. Ứng dụng của Apple có vẻ chính xác hơn một chút khi chỉ chênh lệch 1 inch chiều rộng với kích thước thật. Nhưng phép thử này một lần nữa cho thấy, các ứng dụng trên smartphone chỉ cho ta một cái nhìn ước đoán về kích thước vật thể, chứ khó có thể thay thế được các thước dây truyền thống.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 7.

    Kích thước thật của bức ảnh chân dung phóng lớn.

    Vòng 6: một quả chuối

    Đo đạc kích thước nãy giờ rồi, và giờ là lúc nạp lại năng lượng cho bản thân thôi.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 8.

    Dù chỉ chênh lệch nhau ½ inch, nhưng nó cho thấy sự khác biệt giữa ứng dụng của Apple và Google. Chiến thắng rõ ràng cho ứng dụng của Apple khi nó đo được chính xác kích thước thật của quả chuối này.

    Vòng 7: đo kích thước đồ nội thất

    Đo kích thước các món đồ nội thất trong nhà bằng thước dây không phải là công việc dễ dàng, ít nhất là khi so sánh với đo bằng ứng dụng trên smartphone. Trong khi các ứng dụng này có thể không cho ra các kết quả hoàn hảo, ít nhất bạn sẽ muốn thử xem độ chính xác của các ứng dụng này khác biệt như thế nào với kích thước thật của món đồ.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 9.

    Một lần nữa nhận định trên lại chứng minh được tính chính xác của mình, không có ứng dụng nào cho ra kết quả hoàn toàn chính xác. Ứng dụng của Apple cho ra kết quả chiều rộng vượt quá 2 inch, và chiều cao vượt quá 1 inch, còn của Google vượt quá 3 inch chiều rộng và 1 inch chiều cao. Một chút lợi thế cho Apple.

    Đọ sức khả năng đo kích thước bằng AR của iOS và Android: Ai chính xác hơn ai? - Ảnh 10.

    Kết luận

    Với viêc đo đạc 7 món đồ khác nhau về kích thước và hình dạng, có thể thấy chiến thắng không thể chối cãi cho ứng dụng của Apple trước Google. Không chỉ có độ chính xác nhỉnh hơn, nó còn dễ sử dụng hơn.

    Với ứng dụng của Apple, bạn chỉ cần giơ iPhone lên để nhận diện mặt phẳng, và sau đó bạn chỉ cần chạm để chọn ra các điểm mà mình đo, di chuyển smartphone đến điểm cuối và chạm. Và thế là xong, bạn có kết quả. Còn với ứng dụng của Google, bạn cần phải kéo giữa các điểm cần đo, như vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn.

    Tuy vậy, cả hai ứng dụng vẫn có thể cải thiện nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Dù chưa thể cho bạn kích thước chính xác của một cái tủ, các ứng dụng này cũng cho thấy sự hiệu quả của những thuật toán thực tế tăng cường, một công nghệ quan trọng cho các trò chơi trong tương lai có thể bạn sẽ hứng thú.

    Tham khảo Lifehacker

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày