Đổ xô "cày" Bitcoin bất chấp rủi ro

    Chánh Trung - Thái Phương, Theo Người Lao Động 

    Thu lợi nhuận lớn nhưng với những nhà đầu tư tham gia chậm, mua Bitcoin ở mức giá cao như hiện nay rất dễ lãnh rủi ro của những người mua trước do Việt Nam và nhiều quốc gia chưa chấp nhận tiền ảo như một kênh thanh toán.

    Số lượng người tham gia "đào" Bitcoin tại Việt Nam đang tăng nhanh khi đồng tiền ảo này lên giá chóng mặt trên thị trường quốc tế. Đồng Bitcoin hiện ở mức khoảng 2.570 USD, giảm khá mạnh so với mức đỉnh gần 3.000 USD được lập vào đầu tuần trước nhưng vẫn là đồng tiền ảo thu lợi lớn.

    Đua nhau sắm máy "đào"

    Trên thị trường Việt Nam, một số trang mạng mua bán Bitcoin rao giá đồng tiền này ở mức khoảng 61,9 triệu đồng mua vào, 62,3 triệu đồng bán ra. Sự tăng giá nhanh chóng của đồng tiền ảo này trong khoảng vài tháng qua đã khiến số lượng người "đào" Bitcoin tăng đến hàng trăm ngàn và đa phần đều nằm ở mức quy mô vừa và nhỏ, từ 1-10 dàn máy.

    Có 2 cách để "đào" được Bitcoin. Một là sắm dàn máy chuyên dụng nhưng dàn máy này có giá đắt nên người "đào" tại Việt Nam ít dùng. Hai là lắp các PC với card đồ họa rời cực mạnh và cài phần mềm "đào" Bitcoin (cụ thể là CGMiner) để "săn", cách này phổ biến hơn. Những phần mềm trên các máy tính này phải hoạt động liên tục, khi "cày" được Bitcoin, phần mềm sẽ thu thập và chuyển về tài khoản cho người "đào". "Đào" Bitcoin sử dụng phần mềm cài trên máy tính khá dễ dàng nên bất cứ ai cũng có thể tham gia. Điều này lý giải vì sao số người tham gia tại Việt Nam ngày càng tăng.

    Các trang web cung cấp thông tin, giao dịch Bitcoin nở rộ tại Việt Nam thời gian gần đây Ảnh: CHÁNH TRUNG
    Các trang web cung cấp thông tin, giao dịch Bitcoin nở rộ tại Việt Nam thời gian gần đây Ảnh: CHÁNH TRUNG

    Cộng đồng "đào" Bitcoin rất kín tiếng, đa phần là giới trẻ hay những người kinh doanh tiền tệ. Ngoài ra, còn có nhóm săn Bitcoin bằng cách chơi game nhận thưởng, bán hàng để nhận thanh toán bằng tiền ảo này… Về các trang web giao dịch, trao đổi, kinh doanh Bitcoin, hiện nay có hàng chục website hoạt động nhưng thông tin khá bí mật.

    Hàng loạt nguy cơ, rủi ro lớn đang tồn tại trong cộng đồng "đào" Bitcoin tại Việt Nam. Ông Trần Trọng Vinh, một người tham gia "đào" Bitcoin tại TP HCM, cho biết một dàn máy chuyên dùng "cày" coin thường sử dụng đến 6 chiếc card đồ họa (VGA). Thậm chí, khi dùng VGA của hãng NVIDIA, số lượng VGA cho 1 dàn đã nâng lên 8. Một dàn máy "đào" Bitcoin có thể tiêu tốn 1,6 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Nếu có 10 dàn máy "đào" sẽ ngốn 16 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, chưa kể các chi phí khác như làm mát, bảo dưỡng, tiền internet… Nhiều người tham gia "đào" Bitcoin đã phải bỏ cuộc khi "méo mặt" đóng tiền điện.

    Mặt khác, một dàn máy "đào" Bitcoin trước đây giá khoảng 40 triệu đồng, nay đã tăng lên 80 triệu đồng do nhu cầu lớn. Nếu đầu tư hơn chục dàn máy đã tốn gần cả tỉ đồng. Đây là con số mà không phải ai cũng kham nổi.

    Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, để "đào" được Bitcoin, người dùng phải đầu tư nhiều dàn máy tính cực mạnh và phải tham gia vào mạng lưới, "cày" liên tục. "Có nhiều hên xui, may rủi. Do đó, người dùng cần cân nhắc khi tham gia để tránh tốn kém, thiệt hại mà có khi chẳng đào được gì" - ông Thắng khuyến cáo.

    Đẩy rủi ro cho người chơi

    Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bitcoin cùng các đồng tiền ảo khác như Etherium, Ripple tăng giá dữ dội với lợi nhuận không phải tính bằng % mà bằng tăng theo số lần trong khoảng thời gian ngắn thu hút sự chú ý của người dân lẫn giới đầu tư trên thế giới. Tiền ảo được xem như một kênh đầu tư mới, thậm chí được nhiều người dự báo có thể thay thế những kênh truyền thống như vàng, ngoại hối do sự linh hoạt của nó lẫn không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai. Mới đây, việc Nhật và Trung Quốc cho phép rút tiền, thanh toán từ những tài khoản tiền ảo càng "thổi" thêm cơn sốt cho các đồng tiền ảo này.

    Dù vậy, có quá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường này. Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích có khoảng 900 đồng tiền ảo giao dịch trên các sàn quốc tế nhưng hầu hết các giao dịch thuộc về 10 đồng tiền lớn nhất. Nhiều đồng tiền ảo khác vẫn đang tìm cách lên sàn, thậm chí sử dụng cả mô hình lừa đảo đa cấp để thu hút người tham gia. Nhiều tổ chức, cá nhân đang tự "sáng chế" thêm đồng tiền ảo khác để làm giàu và chạy theo phong trào Bitcoin.

    Bitcoin đang là loại tiền tệ kỹ thuật số thu hút nhất hiện nay
    Bitcoin đang là loại tiền tệ kỹ thuật số thu hút nhất hiện nay

    Trong khi đó, gần 50% giao dịch tiền ảo xuất phát từ Nhật và Hàn Quốc nên rủi ro khá lớn khi mức độ phổ biến của đồng tiền này vẫn chưa thể như ngoại hối hay vàng. Lúc này, khả năng lũng đoạn tiền ảo từ một nhóm người hay tổ chức là khá cao. Khác với ngoại tệ hay vàng, tiền ảo khi bán phải có người mua và ngược lại chứ không khớp lệnh nhanh gọn, thanh khoản chưa cao. Các đồng tiền ảo khi muốn thanh toán hoặc mua hàng hóa gần như phải bán ra để mua Bitcoin (tính thanh khoản cao hơn) rồi chuyển sang các dạng tiền tệ khác như USD mới sử dụng được nên rủi ro chuyển đổi là rất lớn.

    Trong tháng 3-2017, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) đã từ chối việc thành lập 2 quỹ dựa trên Bitcoin vì cho rằng đồng tiền này thiếu sự giám sát cũng như tính minh bạch. Hiện nay, những tổ chức đầu tư lớn như các quỹ đầu tư tài chính cũng đang đứng ngoài thị trường này do e ngại việc biến động quá lớn của tiền ảo khiến chiến lược quản lý rủi ro trở nên vô hiệu.

    "Dù lợi nhuận mang lại khổng lồ nhưng với những nhà đầu tư tham gia chậm, mua ở giá cao dễ phải ôm toàn bộ rủi ro của những người mua trước. Rủi ro pháp lý cũng rất lớn khi nhiều quốc gia vẫn không chấp nhận tiền ảo; khi có tranh chấp, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Quan trọng hơn, đồng tiền không có ngân hàng trung ương đứng sau sẽ khiến những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu sẽ định hướng nhà đầu tư lao vào và nguy cơ rủi ro lớn" - ông Phan Dũng Khánh phân tích.

    Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Các tổ chức tín dụng không xem tiền ảo là một loại tiền tệ và không tham gia mua bán, chấp nhận tiền ảo, trong đó có Bitcoin, như một phương tiện thanh toán. Do đó, nhà đầu tư trong nước mua bán Bitcoin có thể gặp nhiều rủi ro bởi tiền ảo này được giao dịch bằng USD, khi chuyển sang VNĐ sẽ phiền toái hơn nhà đầu tư khác, chưa kể nếu bị phát hiện sẽ vi phạm pháp lệnh ngoại hối và quy định của Ngân hàng Nhà nước trong kinh doanh tiền tệ.

    Ngoài ra, vì là tiền ảo nên nhiều khả năng bị tấn công mạng và có thể mất toàn bộ, chưa kể nguy cơ sập sàn, sập mạng, trục trặc giao dịch hệ thống mạng.

    "Bốc hơi" hàng tỉ USD

    Ngày 12-5-2017, đợt mã độc tống tiền WannaCry đầu tiên tấn công toàn thế giới và Bitcoin là đồng tiền được các hacker yêu cầu thanh toán để mở khóa. Do đó, Bitcoin đã vô tình được nhắc đến rộng rãi. Giá trị của nó từ mức 1.800 USD bắt đầu tăng mạnh rồi đạt mốc 3.000 USD, sau lên mức cao nhất là 3.017 USD vào ngày 12-6. Thế nhưng, sau khi các nhà đầu tư bán ròng mạnh mẽ, giá Bitcoin đã giảm 14% trong 24 giờ, xuống còn khoảng 2.590 USD và biến động liên tục.

    Theo Coinmarketcap.com, giá trị vốn hóa thị trường của đồng Bitcoin vào ngày 12-6 là xấp xỉ 49,37 tỉ USD. Chỉ sau 3 ngày, con số này giảm còn 37,2 tỉ USD. Việc "bốc hơi" 12,1 tỉ USD trong vài ngày khiến nhiều người điêu đứng và là lời cảnh báo cho những ai đầu tư vào Bitcoin hoàn toàn có thể "mất trắng" khi thị trường biến động mạnh.

    Thêm lựa chọn kênh đầu tư, thanh toán

    Theo ông Phan Dũng Khánh, việc tiền ảo có được chấp nhận như một kênh thanh toán ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, hay không cần theo chiến lược, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tài chính của ngân hàng trung ương các nước. Với các loại tiền ảo, xu hướng trong tương lai khá bất định vì bị cạnh tranh bởi quá nhiều loại, trong khi mô hình lừa đảo đa cấp cũng đang lợi dụng điều này. Gần đây, một số vụ khủng bố, rửa tiền hay vụ WannaCry yêu cầu thanh toán bằng Bitcoin đặt ra yêu cầu quản lý về xu hướng dịch chuyển của các đồng tiền ảo.

    "Dù việc thay thế các đồng tiền hiện nay gần như không thể, ít nhất trong hiện tại và cả thời gian dài sắp tới, nhưng xu hướng phát triển của tiền ảo mở ra một kênh đầu tư, một lựa chọn thanh toán khác cho người dân và nhà đầu tư là điều khó chối bỏ" - ông Khánh nhận xét.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày