Đoán bệnh qua WeChat, nhập viện bằng AI: Công nghệ 4.0 đang "xóa sổ" nỗi ám ảnh chờ đợi và quá tải ở bệnh viện ở Trung Quốc

    Lê Thanh Sang, Theo Trí Thức Trẻ 

    Tại Trung Quốc, đi khám bệnh là những chuyến đi tiêu tốn ít nhất vài giờ chỉ để được “diện kiến” bác sĩ trong vài phút ngắn ngủi. Nhưng nỗi ám ảnh kia đang nhanh chóng bị “xóa sổ” tại một bệnh viện ở thành phố Quảng Châu, nơi mà Trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cách thức hoạt động của cả y bác sĩ lẫn bệnh nhân.

    Bệnh viện tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã bắt đầu đưa Trí tuệ nhân tạo và các công nghệ 4.0 khác vào mọi ngõ ngách hoạt động của mình. Từ lên kế hoạch làm việc cho đến chuẩn đoán bệnh, chụp ảnh CT, sắp xếp, lưu trữ bệnh án và phân bổ trang thiết bị y khoa… Ban quản lý bệnh viện thông báo rằng các "nhân viên AI" đang tham gia đảm nhiệm hết tất cả.

    Ứng dụng AI vào ngành y cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới đang ngày càng chứng minh được vị thế dẫn đầu trong công nghệ của mình. Chính AI sẽ là "cứu tinh" cho các hoạt động công cộng "trì trệ" khắp nơi trên thế giới, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt bác sĩ và hệ thống bệnh viện thường xuyên quá tải.

    Đoán bệnh qua WeChat, nhập viện bằng AI: Công nghệ 4.0 đang xóa sổ nỗi ám ảnh chờ đợi và quá tải ở bệnh viện ở Trung Quốc - Ảnh 1.

    Xét đến năm 2016, Trung Quốc chỉ có 2,3 nhân viên y tế cho mỗi 1.000 người dân. Con số này hết sức khiêm tốn so với tỷ lệ 4,25 của Thụy Sĩ và 2,8 của Anh. Không dừng lại tại đó, việc dân số ngày một già đi đã góp phần gia tăng sức ép lên hệ thống y tế đã vốn dĩ yếu của Trung Quốc.

    Tham vọng đưa 4.0 vào ngành y tế được sự hỗ trợ của gã khổng lồ công nghệ Tencent và một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nhận diện giọng nói – iFlytek. Hai công ty danh tiếng này và một loạt các hãng công nghệ khác đang phối hợp với Bệnh viện Tỉnh Quảng Châu để biến tương lai thành hiện thực.

    Chẩn đoán bệnh qua WeChat

    Đoán bệnh qua WeChat, nhập viện bằng AI: Công nghệ 4.0 đang xóa sổ nỗi ám ảnh chờ đợi và quá tải ở bệnh viện ở Trung Quốc - Ảnh 2.

    Qua ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc - WeChat, người dùng có thể "kết bạn" trực tiếp với tài khoản Bệnh viện Tỉnh Quảng Châu và bắt đầu chat để nhận được những chẩn đoán bệnh sơ lược.

    Một "bác sĩ thông minh" sẽ tiến hành chất vấn người dùng với một loạt câu hỏi (tương tự như chức năng tự chẩn đoán trên WebMD). Sau đó vị "bác sĩ AI" này sẽ cho người dùng các lời khuyên hữu ích nhất. Cách đây không lâu, một phụ nữ 23 tuổi tên Zeng đã nói với tờ báo địa phương rằng, sau một loạt 24 câu hỏi từ "bác sĩ robot", Zeng được thông báo rằng những cơn đau bụng kéo dài của mình không phải là do bao tử mà có nguy cơ liên quan đến buồng trứng, "bác sĩ AI" đã khuyên Zeng đến gặp các bác sĩ phụ khoa nếu muốn chữa trị tận gốc bệnh tình.

    Để xây dựng nên dữ liệu và huấn luyện "bác sĩ" AI đưa ra các chuẩn đoán bệnh chính xác, Bệnh viện Tỉnh Quảng Châu đã dành ra gần 2 năm để thống kê và hệ thống hóa hơn 100.000 bệnh án khác nhau trong suốt 12 năm hoạt động. Không chỉ dữ liệu có sẵn "tại nhà", hệ thống AI kia còn được phép truy cập hơn 300 triệu bệnh án từ thập kỷ 90 khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc. Với số lượng dữ liệu khổng lồ này, "bác sĩ AI" được Bệnh viện Tỉnh Quảng Châu tự tin khẳng định có khả năng chuẩn đoán chính xác 90% hơn 200 căn bệnh thông dụng nhất hiện nay.

    Đoán bệnh qua WeChat, nhập viện bằng AI: Công nghệ 4.0 đang xóa sổ nỗi ám ảnh chờ đợi và quá tải ở bệnh viện ở Trung Quốc - Ảnh 3.

    Hệ thống quản lý bệnh nhân của Bệnh viện Tỉnh Quảng Châu còn dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để nhanh chóng tạo hồ sơ mới cho những người lần đầu tiên khám tại đây. Mỗi bệnh nhân sẽ được thu một đoạn video ngắn xung quanh mặt, sau đó hình ảnh trên sẽ được trích xuất là lưu trữ trong hệ thống an ninh của chính phủ Trung Quốc.

    Tuy hiện đại là thế, việc AI dần trở thành một phần không thể thiếu trong các bệnh viện Trung Quốc cũng đi đôi với các nghi ngại lớn. Viện công nghệ MIT cho rằng các nhà lập pháp và hành pháp của Trung Quốc nên cân nhắc kỹ câu hỏi ‘Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu "bác sĩ AI" đưa ra chuẩn đoán sai, gây hậu quả nghiêm trọng?’

    Gần đây thì Trung Quốc không ngần ngại với kế hoạch "đổi mới" của mình bằng cách chấp thuận cho một robot đậu cuộc thi y khoa của quốc gia, trở thành robot đầu tiên có bằng chứng nhận y khoa trên thế giới. Nhưng dù AI có phát triển đến thế nào đi chăng nữa, rất nhiều chuyên gia khuyên rằng vẫn nên có một bác sĩ "con người" để kiểm tra và ký xác nhận những báo cáo cũng như chuẩn đoán bệnh cuối cùng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ