Đối tác lắp ráp iPhone của Apple dự định mở nhà máy tại Việt Nam

    Du Lam, Theo ictnews 

    Bloomberg đưa tin Pegatron lên kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đối tác lắp ráp mới nhất của Apple tìm cách thiết lập sự hiện diện tại đây.

    Pegatron cùng với Foxconn là hai đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple. Theo nguồn tin của Bloomberg, Pegatron đang tìm kiếm địa bàn để xây nhà máy mới toanh tại miền Bắc Việt Nam. Hiện tại, họ đã thuê một nhà máy riêng tại Hải Phòng. Pegatron sẽ sản xuất bút cảm ứng cho smartphone Samsung tại đây.

    Hai đối tác của Apple – Wistron và Hon Hai Precision (Foxconn) – đã mở nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả ba hãng này đều chưa sản xuất iPhone tại Việt Nam và cũng chưa có kế hoạch làm như vậy. Song, Pegatron chỉ sản xuất duy nhất iPhone cho Apple. Một đối tác khác của Apple là GoerTEk sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam, còn hai hãng lắp ráp khác là Compal Electronics và Luxshare Precision Industry cũng có mặt.

    Đối tác lắp ráp iPhone của Apple dự định mở nhà máy tại Việt Nam - Ảnh 1.

    Trước đó, có thông tin Apple đang xem xét khả năng lắp ráp iPhone tại Việt Nam và đã cử đại diện đến thăm nhà máy của Luxshare tại Bắc Giang. Ông Tăng Duệ Bằng, Giám đốc đối ngoại của Luxshare – ICT, cho biết Apple ấn tượng trước tốc độ xây dựng cơ sở nhanh chóng cũng như tiềm năng của người lao động. Tuy nhiên, một số cơ sở vật chất của nhà máy hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Apple, đặc biệt là những phần liên quan đến khu nhà ở của công nhân. Có thể, đây là nguyên nhân khiến Apple chưa cấp phép lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam.

    Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài gần 2 năm đã làm lung lay vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu có tuổi đời hàng thập kỷ và buộc các công ty tìm kiếm địa bàn thay thế. Dù Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn là điều cần thiết về lâu dài xét tới căng thẳng giữa hai nước sẽ khiến giá nhân công tại Trung Quốc tăng lên.

    Chủ tịch Young Liu của Hon Hai Precision cho biết họ đang chuyển dần cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Trung Quốc vốn là địa bàn chính, nơi Foxconn làm ra đủ loại sản phẩm, từ iPhone tới màn hình Dell hay máy chơi game Nintendo Switch.

    Tỉ lệ sản xuất ở nước ngoài của Foxconn hiện chiếm 30%, tăng từ 25% hồi tháng 6/2019. Theo ông Liu, tỉ lệ còn tăng lên khi Foxconn tập trung mở rộng tại Đông Nam Á và các khu vực khác để né thuế áp lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc của Mỹ.

    “Bất kể Ấn Độ, Đông Nam Á hay châu Mỹ, sẽ có hệ sinh thái sản xuất đặt tại mỗi điểm”, ông Liu trả lời phóng viên. Ông bổ sung rằng dù Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong đế chế Foxconn, những ngày làm “công xưởng thế giới” của nước này đã kết thúc.

    Các công ty Đài Loan tỏ ra đặc biệt tích cực khi tìm kiếm lựa chọn mới. Từ Inventec tới Foxconn đều chuyển sản xuất về quê nhà hoặc các khu vực xa hơn tại châu Á nhằm thoát khỏi đòn thuế quan từ Mỹ.

    Roy Lee, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Chung Hua (Đài Bắc), đánh giá hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam góp phần đưa chất lượng lao động nói chung gần với Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng kiên định trong việc loại bỏ các rào cản như tình trạng quan liêu đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước Đông Nam Á được hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty nói trên.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ