Dọn nhà đón Tết: Hội chứng tích trữ đồ đạc vô dụng trong nhà, tác hại và 5 nguyên tắc dọn sạch chúng

    zknight,  

    Bạn có cố giữ một thứ gì đó trong nhà vì nghĩ mình sẽ dùng đến nó trong tương lai?

    Những ngày cuối năm vẫn thường được mệnh danh là "Quốc tế dọn dẹp". Ngoài việc tất bật sắm sửa cho Tết, gia đình nào cũng huy động tất cả lực lượng có thể để dọn dẹp và lau chùi nhà cửa. Công việc tưởng chừng đơn giản ngoài chuyện việc tốn thời gian. Nhưng không!

    Giữa lúc kiểm kê đồ đạc trong nhà, có thể bạn phát sẽ hiện ra một cơ số đồ vật vô dụng. Dường như bạn chỉ nhìn thấy chúng mỗi năm một lần trong dịp dọn nhà, dính đầy bụi bặm và chẳng bao giờ được dùng tới. Vậy mà bằng cách nào, chúng vẫn cố thủ được trong nhà bạn, năm này qua năm khác?

    Quyết định vứt bỏ hay tiếp tục để chúng ở lại trở thành một cuộc chiến giữa các thành viên trong gia đình, đôi khi cũng diễn ra trong chính bản thân bạn.

    Dọn nhà đón Tết: Hội chứng tích trữ đồ đạc vô dụng trong nhà, tác hại và 5 nguyên tắc dọn sạch chúng - Ảnh 1.

    Tôi có nên vứt đống hộp này đi không?

    Ông nội tôi có một chồng báo cũ, ở dưới đáy của nó tôi tìm thấy một tờ báo từ năm 2016, nghĩa ông đã giữ nó ở đó ít nhất 3 năm nay. Bà nội tôi có một đống vỏ hộp thuốc, mỗi khi bà uống hết một loại thuốc nào đó, bà lại xếp ngay ngắn vỏ hộp rỗng vào trong tủ.

    Chẳng biết có phải di truyền hay không mà tôi cũng có một đống vỏ hộp đồ điện tử, từ ipad, điện thoại, nguồn máy tính, laptop… Tôi mua laptop từ 6 năm trước, mặc dù đã bán lại máy nhưng không hiểu sao vỏ hộp của nó vẫn còn trong góc nhà.

    Mẹ tôi thì có một chiếc máy khâu mà bà không bao giờ dùng tới. Bố tôi có một đống quần áo và giấy tờ cũ trong tủ, hẳn một chiếc balo con cóc mà ông giữ từ thời đi bộ đội.

    Phân biệt giữa sưu tầm lành mạnh và bệnh lý tích trữ đồ đạc

    Tùy theo những đặc điểm và mức độ khác nhau, việc một người tích trữ đồ đạc trong nhà có thể được coi là sưu tầm hoặc rối loạn tâm lý. Năm 2014, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ thậm chí còn phân loại hội chứng tích trữ như một dạng khuyết tật tinh thần, nghĩa là những người tích trữ bệnh lý sẽ được bảo vệ như người khuyết tật, bởi ít nhất một số điều luật liên quan đến nhà ở.

    Có một vài đặc điểm có thể giúp bạn phân biệt hành động sưu tầm và tích trữ. Đầu tiên là mục đích mua sắm hoặc lượm lặt đồ đạc. Trong khi người sưu tầm chỉ tìm mua hoặc săn lùng những món đồ nhất định, được họ đưa vào bộ sưu tập có cùng chủ đề như tem, tiền xu, xe mô hình… những người tích trữ thường lượm lặt đồ đặc một cách vô tội vạ.

    Họ có thể đem về nhà bất cứ thứ gì, thường là đồ tiện mua khi giảm giá hoặc được cho tặng. Một khi đã sở hữu món đồ, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp hoặc vứt bỏ.

    Người tích trữ thường nghĩ trong đầu rằng: "Mình sẽ cần tới thứ này một ngày nào đó trong tương lai", "Tôi sẽ để đống sách cũ này lại, vì một ngày nào đó có thể tôi sẽ muốn đọc lại", "Tôi sẽ giữ chiếc điện thoại hỏng này, có dịp thì sẽ sửa"…

    Trong khi đó, suy nghĩ thực tế của người sưu tầm luôn hướng đến mục đích ở hiện tại: "Tôi đang thiếu một đồng xu này, và tôi cần kiếm cho được nó bằng mọi giá".

    Việc sưu tầm đồ đạc được tổ chức một cách bài bản, bộ sưu tập được bài trí trong một không gian cụ thể, không gây ảnh hưởng lên các không gian sống khác. Ví dụ như những người thích sưu tầm rượu sẽ chỉ để rượu của họ trong tủ rượu mà không vứt mỗi nơi mỗi góc một chai.

    Ngược lại, những người tích trữ thường để đồ đạc tứ tung và lộn xộn. Tôi đến nhà một người bạn và thấy anh ta để vài quả tạ tay chắn lối đi ở bậc nghỉ cầu thang, một đống chai lọ hộp nhựa trên bệ cửa buồng tắm. Những đồ đạc này chỉ chiếm không chỉ chiếm gian một cách vô ích mà còn làm hạn chế công năng sử dụng của ngôi nhà.

    Dọn nhà đón Tết: Hội chứng tích trữ đồ đạc vô dụng trong nhà, tác hại và 5 nguyên tắc dọn sạch chúng - Ảnh 2.

    Một người sưu tập khác với một người tích trữ ở chỗ, họ không làm không gian sưu tập ảnh hưởng đến không gian sống

    Và cuối cùng, bạn có thể thấy người sưu tầm luôn có mối liên hệ thành cộng đồng, họ có xu hướng tự hào và muốn khoe về bộ sưu tập của mình với người khác. Trong khi đó, người tích trữ chỉ đơn giản là giữ đồ vật của họ lại một mình, vì họ cảm thấy không thể vứt bỏ nổi chúng.

    Tích trữ đồ đạc được coi là một rối loạn tâm lý, khi nó hội đủ 3 điều kiện được tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Randy Frost và nhà trị liệu thần kinh Tamara Hartl liệt kê:

    1. Mua hoặc không thể vứt bỏ một lượng lớn đồ đạc vô dụng hoặc có giá trị hạn chế

    2. Khiến không gian sống bừa bộn đến nỗi hạn chế công năng sử dụng so với thiết kế

    3. Gây đau khổ hoặc suy giảm chức năng đáng kể

    Hầu hết mọi người trong số chúng ta ít nhiều đều tích trữ một vài đồ đạc nào đó không sử dụng đến. Bạn cũng có thể để chúng bừa bộn trong nhà. Thế nhưng để tích trữ trở thành rối loạn tâm lý, nó phải đạt đến mức độ khiến bạn đau khổ trong mối liên hệ với đồ đạc ấy.

    Tôi có một người bạn mất sớm khi anh ấy mới 18 tuổi. Mẹ cậu ấy dường như không thể chịu nổi cú sốc mất mát, bà quyết định giữ nguyên góc học tập của cậu con trai với đống sách vở mà cậu ấy dùng để ôn thi đại học. Suốt nhiều năm, góc học tập ấy đã khiến bà đau khổ và khóc cạn dần nước mắt mỗi khi nhìn vào đó.

    Việc tích trữ của người mẹ này chắc chắn là một rối loạn tâm lý thực sự. Thi thoảng, bà vẫn còn mua thêm sách vở để thêm vào góc học tập cho con mình.

    Những tác hại không tưởng của thói quen tích trữ

    Thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 100 người thì có 2-5 người mắc hội chứng tích trữ. Họ có thể là bất cứ ai, đàn ông hay phụ nữ, thậm chí cả trẻ em. Những người tích trữ không phải vì họ lười biếng không dọn dẹp nhà cửa, họ cũng không phải người dơ bẩn hay bướng bỉnh. Nhiều người tích trữ thậm chí còn có chỉ số IQ rất cao.

    Mặc dù vậy, khi tích trữ hội đủ 3 yếu tố để trở thành rối loạn tâm lý, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Nghiên cứu cho thấy 53% những người mắc rối loạn tích trữ rơi vào trạng thái trầm cảm mạn tính, 24% mắc rối loạn lo âu, 24% bị ám ảnh xã hội và 18% mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

    Những vấn đề tâm thần có thể làm suy giảm đáng kể chức năng và chất lượng cuộc sống của người mắc phải nó.

    Dọn nhà đón Tết: Hội chứng tích trữ đồ đạc vô dụng trong nhà, tác hại và 5 nguyên tắc dọn sạch chúng - Ảnh 3.

    Mỗi khi uống hết một hộp thuốc, bà lại cẩn thận xếp cái vỏ hộp rỗng vào tủ

    Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là thói quen tích trữ dưới ngưỡng bệnh lý thì hoàn toàn vô hại. Hóa ra ngay cả việc giữ nhiều đồ vật vô ích trong nhà cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà bạn không ngờ tới.

    Thứ nhất, tích trữ quá nhiều vật dụng có thể khiến việc vệ sinh dọn dẹp trở nên khó khăn, tạo điều kiện cho mầm bệnh như vi khuẩn, nấm mốc phát triển, môi trường sống cho các loài động vật trung gian truyền bệnh như chuột, gián…

    Tích trữ nhiều đồ đạc bắt lửa có thể gây ra nguy cơ hỏa hoạn. Trong khi đó, việc để nhiều đồ đạc lớn chắn lối đi sẽ hạn chế khả năng thoát hiểm hoặc tiếp cận đám cháy của lực lượng cứu hỏa. Những đồ đạc lớn cũng có thể làm hỏng cấu trúc nhà và trần, nứt sàn hoặc dầm mái.

    Việc để đồ đạc bừa bộn có thể làm tăng nguy cơ vấp ngã, đặc biệt là cho trẻ em hoặc người lớn tuổi. Bạn còn nhớ mấy quả tạ tay của anh bạn tôi để ở bậc cầu thang chứ? Một lần, chúng đã khiến anh ấy trượt chân và ngã gãy tay.

    Luôn luôn có một kịch bản nào đó, dù chỉ xảy ra ở nguy cơ nhỏ, những đồ đạc vô dụng bạn tích trữ trong nhà hôm nay có thể gây hậu quả nghiêm trọng vào một ngày nào đó, thậm chí, quyết định đến tính mạng của bạn hoặc gia đình bạn.

    Vậy làm sao để dọn dẹp chúng?

    Sau khi biết được sự nguy hiểm của hội chứng tích trữ, tôi đã thẳng tay dọn sạch toàn bộ đống hộp giày, đồ điện tử và hộp giao hàng Tiki của tôi. Những người tích trữ thường rất khó khăn trong việc ra quyết định nên giữ cái gì ở lại và nên bỏ cái gì đi.

    Trước đây, tôi từng nghĩ mình có thể giữ hộp ipad hoặc điện thoại lại để sau này bán được giá, nhưng không, cuối cùng tôi đã bán chúng mà chẳng cần hộp. Vậy nguyên tắc đầu tiên mà bạn có thể áp dụng ở đây làhãy ra quyết định thật nhanh với những đồ vật lặt vặt: hộp giấy, báo cũ, phong thư, thiệp mời hoặc đồ trang trí cũ…

    Nguyên tắc thứ hai, nếu có một thứ gì đó đủ lớn khiến bạn suy nghĩ, hãy suy nghĩ thật kỹ ngay từ lúc mua. Mẹ tôi đã mua 2 chiếc máy may vì được giá trong đợt thanh lý của một nhà xưởng. Nhưng rốt cục, bà chỉ để chúng ở phòng mà hiếm khi dùng đến.

    Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được bà suy nghĩ thật kỹ và bán chúng. Số tiền đủ để mua lại một chiếc tivi, kê lại đúng vị trí mà chiếc máy từng chiếm chỗ.

    Đối với những người mắc rối loạn tích trữ dạng bệnh lý thì phức tạp hơn. Bởi họ đã giữ thói quen tích trữ trong một thời gian dài, thuyết phục họ từ bỏ những đồ đạc, đôi khi gắn bó với cảm xúc hoặc kỷ niệm đòi hỏi sự kiên nhẫn.

    Thuốc chống trầm cảm đôi khi có thể làm giúp giảm bớt các triệu chứng, nhưng nghiên cứu cho thấy nó không giúp giải quyết tận gốc hội chứng tích trữ. Thông thường, chỉ có phương pháp trị liệu hành vi mới có hiệu quả, trong đó, một nhà trị liệu sẽ đến thăm nhà người tích trữ, quan sát hành vi và khối lượng đồ đạc dư thừa trong nhà họ.

    Nhà trị liệu sẽ nói chuyện và hỗ trợ họ trong việc ra quyết định, tổ chức và sắp xếp lại đồ đạc. Các cuộc nói chuyện có thể mất một thời gian, thậm chí vài năm đến khi các triệu chứng tích trữ được kiểm soát. Nguyên tắc là bạn chỉ nên giúp người tích trữ ra quyết định, chứ đừng đóng vai người dọn dẹp hộ họ.

    Dọn nhà đón Tết: Hội chứng tích trữ đồ đạc vô dụng trong nhà, tác hại và 5 nguyên tắc dọn sạch chúng - Ảnh 4.

    Đống báo cũ của ông tôi, có những tờ đã được giữ lại hơn 2 năm

    Nguyên tắc thứ ba, hãy vứt bỏ những gì mà bạn không sử dụng trong nhiều năm. Chồng báo của ông tôi, đống giấy tờ của bố và những hộp thuốc cũ của bà đều thuộc danh mục này. Bố tôi thậm chí đã đồng ý bỏ chiếc ba lô từ thời bộ đội sau khi suy nghĩ về việc để nó ẩm mốc trong tủ bằng ấy năm.

    Thứ tư, một khi bạn đã ra quyết định, hãy kiên trì với nó. Khi tôi học được rằng việc giữ những chiếc hộp giày và hộp giao hàng Tiki là vô ích, tôi sẽ không bao giờ giữ lại chúng trong lần mua sắm tiếp theo nữa. Khi bố tôi quyết định bỏ chiếc ba lô kỷ niệm, ông cũng không hề hối tiếc ngoài việc chụp lại một vài tấm ảnh của nó.

    Nguyên tắc cuối cùng mà tôi rút ra được sau đợt dọn nhà lần này, đó là hãy dọn dẹp nhà cửa thường xuyên thay vì chỉ đợi đến Tết hoặc vài tháng một lần. Lượng đồ đạc mà bạn và gia đình tích trữ trong cả năm có thể lên đến mức khủng khiếp.

    Mỗi hoạt động hàng ngày đều có thể khiến bạn tích trữ thêm một thứ gì đó. Đầu tháng bạn mua một đôi giày, bỗng nhiên bạn có một chiếc hộp để tích trữ. Đầu tuần trước bố tôi sơn lại phòng, đột nhiên ông có thêm 1 thùng sơn thừa phải cất vào chỗ nào đó. Sau hôm sinh nhật em tôi, cả nhà bỗng nhiên có thêm một đống dĩa nhựa ăn bánh mà mẹ tôi giữ lại…

    Lý tưởng nhất tôi nghĩ, bạn nên dọn dẹp mỗi ngày một lần. Dành 15 phút để đi lại trong nhà xem có đồ vật nào thừa thãi hay không. Nếu bạn không có nhiều thời gian, mỗi khoảng 10 hay 5 phút đôi khi cũng đã có tác dụng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ