Đồng loạt 4 thành phố tại Mỹ đánh thuế nước ngọt, Pepsi và Coca-Cola phải khiếp sợ

    zknight,  

    Người dân Mỹ đang ngày càng ác cảm với đồ uống có đường.

    Tuần vừa rồi, đồng loạt 4 thành phố lớn tại Mỹ đã thông qua những biện pháp đánh thuế trên các loại nước ngọt có gas. Đây hẳn là một cú sốc lớn cho các công ty nước giải khát như Coca-Cola và Pepsi. Ngược lại, đó là một thắng lợi lớn cho phong trào của những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng, chống lại tác hại của đồ uống có đường.

    Theo tờ Business Insider, cư dân tại thành phố Boulder, bang Colorado và 3 thành phố vùng vịnh là San Fransisco, Oakland và Albany, bang California đã đồng loạt bỏ phiếu để thực thi các loại thuế mới đánh vào nước ngọt có gas. Tại California, mức thuế được áp dụng sẽ là 1 cent trên mỗi ounce đồ uống (tương đương 766 VND trên 100 ml). Mức thuế ở thành phố Boulder là gấp đôi.

     Đồng loạt 4 thành phố lớn tại Mỹ đã đồng ý đánh thuế nước ngọt có gas

    Đồng loạt 4 thành phố lớn tại Mỹ đã đồng ý đánh thuế nước ngọt có gas

    Dự kiến, các mức thuế đánh trên nước ngọt có gas sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng hai năm tới. Đó có thể là một bước ngoặt của phòng trào đánh thuế mọi đồ uống có đường, trong nỗ lực ngăn chặn bệnh béo phì và tiểu đường trên toàn nước Mỹ.

    Các nhà hoạt động vì sức khỏe nói rằng, việc các mức thuế trên nước ngọt có gas được thông qua có thể cải thiện đáng kể sức khỏe người dân Hoa Kỳ.

    Một nghiên cứu gần đây của trường Y tế cộng đồng T.H. Chan School, Harvard cho thấy: Nếu thuế này được áp dụng ở khu vực Vùng Vịnh, nó có thể dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ nước ngọt có gas tới 20%. Kéo théo đó là giảm 4% tỷ lệ mắc tiểu đường trong khu vực vào năm 2018.

    Mặc dù vậy, rất khó để có thể biết được độ chính xác của những ước tính trên. Hiện tại chỉ có một số ít các thành phố ở Mỹ ban hành thuế để giảm tiêu thụ các loại nước ngọt có gas. Năm 2014, thuế trên nước ngọt có gas đã từng được thông qua tại Berkeley và chính thức có hiệu lực vào tháng 5 năm 2015. Nó thực sự đã dẫn đến sự sụt giảm 22% lượng nước ngọt trong khu vực dân cư có thu nhập thấp.

    Tháng 7 vừa rồi, Philadelphia cũng thông qua một mức thuế 1.5 cent trên mỗi once nước giải khát có đường phụ gia và chất làm ngọt nhân tạo (tương đương 1.150 VND mỗi 100ml). Tuy nhiên, với cả hai ví dụ này, vẫn còn quá sớm để chúng ta xem xét những tác động của thuế lên sức khỏe cộng đồng.

     Nước ngọt có đường được coi là một nguyên nhân cho tình trạng béo phì ở Mỹ

    Nước ngọt có đường được coi là một nguyên nhân cho tình trạng béo phì ở Mỹ

    Các nhà sản xuất nước ngọt như Coca-Cola và Pepsi thì một mực cho rằng những lợi ích sức khỏe có thể thu được từ việc đánh thuế đồ uống của họ là không đáng kể. Trong chiến dịch chống lại phong trào đòi đánh thuế đồ uống, hơn 40 triệu USD đã được chi ra. Riêng Hiệp hội nước giải khát Hoa Kỳ đã đóng góp vào đó 20 triệu USD.

    Mặc dù vậy, khi kết quả ngã ngũ, Hiệp hội nước giải khát Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của cử tri các thành phố. Chúng tôi vẫn tập trung chủ yếu vào việc giảm lượng đường tiêu thụ từ các loại nước giải khát, tham gia với các tổ chức y tế cộng đồng để thay đổi thói quen của mọi người”.

    Tuy nhiên, giám đốc điều hành của hai công ty lớn là Coca-Cola và Pepsi vẫn kiên quyết phản đối các loại thuế trên nước ngọt có gas. “Thuế có thể cân đối lại ngân sách. Nhưng chúng không gây ra tác động gì với sức khỏe người dân”, Indra Nooyi, giám đốc điều hành Pepsi nói trong một cuộc đối thoại tuần trước.

    Trong khi đó, Sandy Douglas, chủ tịch Coca-Cola khu vực Bắc Mỹ cũng tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng có những phương án thay thế tốt hơn để khuyến khích việc tiêu thụ đường điều độ, so với việc tăng cường đánh thuế”.

     Bà Indra Nooyi, CEO PepsiCo nói rằng đánh thuế sẽ chẳng có tác dụng với sức khỏe người dân

    Bà Indra Nooyi, CEO PepsiCo nói rằng đánh thuế sẽ chẳng có tác dụng với sức khỏe người dân

    Cũng phải nói rằng, đánh thuế trên nước ngọt có thể làm giảm số lượng sản phẩm được tiêu thụ ở cấp độ địa phương. Tuy nhiên, vấn đề chính mà các công ty lớn như Coca-Cola hay Pepsi phải đối mặt lại không phải một chút suy giảm doanh số.

    Qua lần thông qua này, nhận thức của công chúng mới chính là điều đe dọa hoạt động của các công ty nước giải khát. “Sự thông qua về thuế của cả 4 thành phố nhấn mạnh rằng người dân ngày càng có ác cảm với đường”, một nghiên cứu của công ty Cowen and Company nhấn mạnh.

    Trong năm 2015, tổng lượng tiêu thụ nước ngọt có gas ở Mỹ đã giảm 1.2%, nhiều hơn cả mức sụt giảm 0.9% năm 2014. Riêng lượng Coca-Cola tiêu thụ tại thị trường Mỹ giảm 1%. Trong khi đó, sản phẩm đồ uống Cola của Pepsi cũng giảm tới 3.2%.

    Một lý do giải thích cho sự sụt giảm thê thảm này là những chứng cứ khoa học nói rằng đường ảnh hưởng xấu tới sức khỏe ngày càng nhiều. Ngày nay, người Mỹ đang ăn nhiều đường hơn 30% so với hơn 3 thập kỷ trước. Có một xu hướng dinh dưỡng bắt đầu nhắm vào việc bài trừ đường, bởi nó là một mối hiểm họa thực sự với sức khỏe.

     Nước lọc đóng chai Dasani bên cạnh nước ngọt truyền thống của Coca-Cola

    Nước lọc đóng chai Dasani bên cạnh nước ngọt truyền thống của Coca-Cola

    Các công ty nước giải khát không phải không nhận ra điều đó. Thực sự, họ đang phải chuyển hướng khỏi mặt hàng truyền thống của mình. Ví dụ như Coca-cola và Pepsi đều mở rộng sang các mặt hàng như trà, cà phê và nước khoáng đóng chai.

    Tuần trước, CEO của PepsiCo, Nooyi cho biết doanh số toàn cầu của công ty chỉ có dưới 25% đến từ mặt hàng nước ngọt có gas. Trong khi đó, nước uống đóng chai và nước giải khát không đường đã tăng lên là mặt hàng sánh ngang, đóng góp một doanh số tương đương.

    PepsiCo đang phải cố gắng trụ vững với xu hướng thay đổi trong nhận thức của công chúng. Họ có kế hoạch phát triển một danh mục đầu tư với các sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng có hiểu biết về sức khỏe và dinh dưỡng.

    Coca-cola cũng phải thực hiện những nỗ lực tương tự.

    Từ năm 2000, chúng tôi đã tăng doanh số các mặt hàng nước giải khát không có gas từ 10% lên tới 30% như hiện nay”, James Quincey, giám đốc tài chính của Coca-Cola cho biết trong tháng 7. Công ty đang đầu tư nhiều vào các đồ uống không có gas như nước trái cây, trà, cà phê và nước lọc đóng chai.

    Trong mặt hàng nước ngọt có gas, cả Coca-Cola và Pepsi đều muốn cắt giảm lượng đường trong các sản phẩm hiện có.

     Những người đấu tranh cho quyết định đánh thuế nước ngọt có gas tại San Francisco

    Những người đấu tranh cho quyết định đánh thuế nước ngọt có gas tại San Francisco

    Trong tình hình này, Hiệp hội nước giải khát Hoa Kì đưa ra sáng kiến sẽ cắt giảm 20% lượng calo trên đầu người, tiêu thụ từ đồ uống vào năm 2025. Tháng 10 vừa rồi, PepsiCo cũng công bố cùng mốc thời gian đó, hai phần ba số đồ uống của họ sẽ có ít hơn 100 Calo trong mỗi lon phổ thông.

    Có một cách khác mà các công ty nước ngọt đang sử dụng để chống lại làn sóng kiêng đường của người tiêu dùng là giảm kích thước lon và chai. Điều này phần nào cũng có tác dụng, khi người tiêu dùng sẽ bớt ác cảm hơn khi lượng đường được giảm đi. Thậm chí, chiến lược lon bé còn mang lại nhiều doanh thu hơn cho công ty.

    Việc giảm nhỏ kích thước lon đã nhận được sự ủng hộ của những người chống béo phì. Nhưng trên thực tế, nó chỉ là một thủ thuật tâm lý. Lượng đường giảm đi trong mỗi lon vì nó giảm kích thước, chứ không phải lượng đường trong mỗi đơn vị nước giải khát được hạ xuống.

    Trở lại với làn sóng lớn nhất từ 4 thành phố mà các công ty nước giải khát phải đối mặt trong tuần này, thuế về đường sẽ được đánh trên từng đơn vị nước giải khát của họ. Tuy rằng không thể giết chết các doanh nghiệp như Coca-cola và PepsiCo ngay lập tức, họ phải nhận ra là không chỉ 4 thành phố, mà cả nước Mỹ đang ngày càng có ác cảm với đồ uống có đường.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ