Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản

    Băng Băng,  

    Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đang tàn phá nền kinh tế địa phương ra sao?

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 1.

    "Những kênh phân phối nhiều hàng Trung Quốc nhất là Lazada và Shopee. Với 2 nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí chẳng cần phải đăng ký kinh doanh ở Thái Lan mà vẫn bán được hàng", Chủ tịch Chaovalit Pakpianthakolphol của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thái Lan (FTSME) than thở.

    "Số lượng nhập khẩu linh kiện lắp ráp xe hơi nội địa đã giảm 40% từ đầu năm đến nay. Phần lớn các nhà máy sản xuất ô tô địa phương ở Thái Lan đã phải cắt giảm công suất xuống 3 ngày mỗi tuần do nhu cầu đi xuống", Chủ tịch Sompol Tanadumrongsak của Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện ô tô Thái Lan (TAPMA) đồng cảm ngộ trước sự trỗi dậy từ dòng lũ xe điện giá rẻ của BYD.

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 2.

    Thâm hụt thương mại của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc (Chênh lệnh kim ngạc xuất nhập khẩu, tỷ USD)

    Rõ ràng, rất nhiều sản phẩm giá rẻ Trung Quốc, từ thép, xe điện đến thiết bị điện tử hay hàng tiêu dùng trên các nền tảng TMĐT đang tấn công thị trường nhiều nước trên thế giới, nhất là các nền kinh tế láng giềng như Đông Nam Á.

    Hậu quả là nhiều ngành sản xuất trong nước của các thị trường này đang chịu tổn thương.

    Tội đồ Shopee, Lazada, Tiktok Shop

    Tờ Nikkei Asian Review cho hay sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada và TikTok Shop đang tạo một cây cầu nối giữa dòng lũ hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đến thị trường Đông Nam Á, khi người tiêu dùng hào hứng với các sản phẩm có giá thấp hơn nhiều so với thông thường.

    Số liệu của Momentum Works cho thấy tổng GMV của các nền tảng TMĐT năm 2023 đã lên đến 114,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

    Gross Merchandise Value-GMV là một chỉ số đo lường tổng giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ được bán qua một kênh thương mại điện tử trong một khoảng thời gian nhất định. GMV được tính bằng cách nhân số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được bán với giá bán của chúng.

    "Hàng hóa Trung Quốc gia tăng ở cả mảng kinh doanh trực tuyến lẫn truyền thống trên thị trường của chúng tôi", Chủ tịch Ristadi của Công đoàn người lao động Indonesia (NLUC) ngán ngẩm.

    Một chiếc bỏ điện thoại bán tại một cửa hàng Thái Lan có giá 400 Baht thì trên Lazada, người dùng có thể mua với giá 35 Baht nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Hậu quả của sự tràn ngập các sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc trên các sàn TMĐT này là vô số doanh nghiệp địa phương phải đóng cửa.

    Năm ngoái, hơn 1.300 nhà máy tại Thái Lan đã phải đóng cửa, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm nay, thêm 500 nhà máy nữa tại Thái Lan đã phải ngừng hoạt động, qua đó sa thải 15.342 lao động.

    Đứng trước những rào cản thuế quan từ Phương Tây, hàng hóa Trung Quốc đang đổ dồn về các thị trường khác như Đông Nam Á nhằm xuất khẩu sản lượng dư thừa nội địa.

    "Việc Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang các thị trường khác là một bước đi chiến lược tất yếu. Rất nhiều lao động Trung Quốc phụ thuộc vào các ngành sản xuất và nếu không xuất khẩu được sản lượng dư thừa thì sẽ gây thua lỗ lớn và thất nghiệp diện rộng", chuyên gia phân tích Charles Austin Jordan của Rhodium Group nhận định.

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 3.

    Số liệu của Goldman Sachs cho thấy năm 2023, thị trường Đông Nam Á và các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á chiếm đến 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu từ Trung Quốc dù các nước này chỉ đóng góp 1/10 GDP toàn cầu.

    Hiện Trung Quốc đang là nhà xuất khẩu hàng đầu vào Thái Lan, chiếm đến gần ¼ tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế này. Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc đã tăng đều từ 20 tỷ USD năm 2020 lên 36,6 tỷ USD năm 2023.

    Tương tự, thâm hụt thương mại của Malaysia với Trung Quốc cũng đã tăng mạnh từ 3,1 tỷ USD lên 14,2 tỷ USD cùng kỳ.

    "Thâm hụt thương mại của các nước khối ASEAN đã tăng từ 80 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch Covid-19 lên 115 tỷ USD hiện nay", báo cáo của HSBC nêu rõ.

    Tại Indonesia, tình hình khả quan hơn đôi chút do nước này có tài nguyên Nickel xuất khẩu sang Trung Quốc để làm ắc quy xe điện. Thậm chí vào năm 2023, nền kinh tế này còn thặng dư thương mại đến 2 tỷ USD với Trung Quốc.

    Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2024, Indonesia đã thâm hụt thương mại đến 5 tỷ USD cho các mặt hàng phi dầu khí với Trung Quốc.

    Trong khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu thô từ Đông Nam Á thì các doanh nghiệp của xứ sở 1,4 tỷ dân lại đang biến đối tác thương mại láng giềng này thành một thị trường béo bở mới.

    Điều trớ trêu là trong khi trở thành nguồn cung nguyên liệu thô và là thị trường tiêu thụ cho Trung Quốc thì Đông Nam Á lại đang xuất khẩu mạnh sang Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 của Đông Nam Á sang Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD, phá vỡ vị thế là thị trường xuất khẩu số 1 trong khu vực của Trung Quốc suốt nhiều năm qua.

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 4.

    Chính điều này đã khiến Mỹ áp thuế nhập khẩu 250% lên các tấm pin năng lượng mặt trời của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng đặt nhà máy tại Campuchia, Malaysia và Thái Lan.

    Năm 2022, bốn doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc đã bị phát hiện né thuế quan vào Mỹ bằng cách dịch chuyển qua Đông Nam Á. Tuy nhiên hình phạt đã không được áp dụng do chính quyền Washington đang muốn thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời.

    Thế nhưng với tình hình hiện nay, nhiều khả năng Phương Tây sẽ soi xét kỹ hơn chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á khi dính dáng quá nhiều đến doanh nghiệp Trung Quốc.

    Cái bẫy BYD

    Cô Kurniadi Eka Mulyana là một công nhân nhà máy dệt ở Bandung-Indonesia. Người phụ nữ này đã cực kỳ lo sợ khi nhà máy tuyên bố sa thải lao động hàng loạt từ tháng 1/2024.

    Đúng như dự đoán, cô Mulyana bị đuổi việc vào tháng 3/2024 và được người quản lý cho biết rằng doanh số của công ty đang bị giảm sút kể từ khi Tiktok Shop tiếp cận thị trường năm 2021 với dòng lũ hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Từ đầu năm đến nay, khoảng 49.000 công nhân ngành dệt may, da giày ở vùng Banten, miền trung và Tây Java thuộc Indonesia đã bị sa thải.

    Trước tình hình này, Bộ trưởng thương mại Zulkifli Hasan của Indonesia đã kêu gọi áp thuế 200% lên hàng may mặc nhập khẩu, đồng thời áp thuế đặc biệt lên da giày, quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện tử nhập khẩu từ nước ngoài.

    Tại Malaysia, chính phủ đã áp 10% thuế từ tháng 1/2024 lên các mặt hàng nhập khẩu kinh doanh online có giá trị dưới 500 Ringgit, tương đương 108 USD.

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 5.

    Thái Lan cũng đã theo sát với 7% thuế VAT cho các mặt hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 Baht, tương đương 42 USD, qua đó nhắm chủ yếu vào dòng lũ giá rẻ Trung Quốc kinh doanh online.

    Thế nhưng việc chống lại dòng lũ giá rẻ từ Trung Quốc là không hề dễ khi nền kinh tế khu vực phụ thuộc quá nhiều vào xứ sở 1,4 tỷ dân.

    "Hơn 15% GDP của Thái Lan phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng tôi cần du khách Trung Quốc, phụ thuộc vào nước này để nhập khẩu sản phẩm cũng như tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", chuyên gia Aat Pisanwanich của trường đại học UTCC than thở.

    Minh chứng rõ ràng nhất cho sự phụ thuộc này là những khoản đầu tư khổng lồ của các hãng xe Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor vào Thái Lan. Để đổi lấy việc được các hãng này xây nhà máy tại địa phương, nền kinh tế Thái Lan chấp nhận để các hãng xe Trung Quốc nhập khẩu miễn thuế, qua đó gây hậu quả phá giá thị trường nội địa.

    "Chúng tôi chào mừng các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc mở nhà máy ở Thái Lan...Tuy nhiên sẽ tuyệt vời hơn nếu các bạn hỗ trợ ngành sản xuất địa phương bằng cách sử dụng linh kiện sản xuất bởi các công ty Thái Lan", Tổng thư ký Narit Therdsteerasukdi của Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) nói đầy ẩn ý trong lễ khai trương một nhà máy xe điện Trung Quốc vào tháng 7/2024.

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 6.

    Trung Quốc vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ chốt ở Đông Nam Á

    Thậm chí, Thái Lan hiện đang khá lo lắng về việc sẽ trở thành ngòi nổ khiến nền kinh tế này lâm vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Phương Tây như bài học tấm pin năng lượng mặt trời trước đây.

    "Chúng tôi có đến 58 sản phẩm thuộc danh sách rủi ro cao bị áp các hàng rào thuế quan đặc biệt, bao gồm từ thép, đồ gia dụng, tấm pin năng lượng mặt trời cùng nhiều công nghệ khác", Cục trưởng Chanintorn Rimcharone của Cục phòng vệ thương mại Thái Lan (TIR) lo lắng.

    Trước tình hình này, Bộ công thương Thái Lan đã đề xuất mức thuế 30,9% cho thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, chuyên dùng sản xuất xe cộ, máy móc. Hiện 4 nhà sản xuất Thái Lan đã tuyên bố chịu thiệt hại vì sản phẩm của 17 doanh nghiệp Trung Quốc đã trốn thuế và phá giá khi nhập khẩu vào nước này.

    Sản lượng thép của Thái Lan đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 497.000 tấn trước dòng lũ thép giá rẻ Trung Quốc.

    Các tên tuổi lớn như GJ Steel tại Thái Lan đã lỗ đến 52 triệu Baht trong quý I/2024, tức lỗ nhiều hơn 62,5% so với cùng kỳ năm trước. Một doanh nghiệp khác là G Steel cũng có mức lỗ tăng 3 lần trong cùng kỳ lên đến 204 triệu Baht.

    Báo cáo của Siam Commercial Bank cho thấy cứ mỗi sụt giảm sản lượng 100.000 tấn thép thì Thái Lan sẽ mất 0,2% GDP, đó là chưa kể đến ảnh hưởng lan rộng về việc làm, ngành xây dựng, bất động sản, tín dụng ngân hàng...

    Đông Nam Á đang chống lại Shopee, Lazada, TikTok Shop và BYD: Tội đồ khiến hàng nghìn nhà máy đóng cửa, hàng chục nghìn lao động mất việc và vô số cửa hàng phá sản- Ảnh 7.

    Dòng lũ thép giá rẻ Trung Quốc khiến sản lượng thép nội địa Thái Lan sụt giảm (triệu tấn)

    Không riêng gì Đông Nam Á

    Tại Malaysia, hiện các cửa hàng kinh doanh trực tuyến bán hàng giá rẻ có doanh số hơn 500.000 Ringgit mỗi năm đều phải đăng ký với hải quan. Tuy nhiên những biện pháp này được cho là chỉ mang tính tạm thời.

    Nguyên nhân chính là việc Đông Nam Á đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với Trung Quốc như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN. Điều này sẽ thúc đẩy dòng lũ sản phẩm giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Đông Nam Á nhiều hơn nữa.

    Thậm chí không riêng gì Đông Nam Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại lớn nhất 31 năm qua.

    Dù Hàn Quốc vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực tiên tiến như bán dẫn nhưng người tiêu dùng nước này lại ngày càng ưa chuộng sản phẩm Trung Quốc ở các mảng đồ gia dụng, quần áo và phụ kiện. Thế rồi vô số mặt hàng công nghệ như điện thoại, ắc quy cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn.

    Tờ Nikkei cho hay gần 1.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã phá sản trong nửa đầu năm nay, cao hơn nhiều so với 724 công ty phá sản năm ngoái, do có liên quan đến dòng lũ hàng giá rẻ Trung Quốc.

    Rõ ràng, nền kinh tế các nước cần có một chính sách rõ ràng trước sức mạnh sản xuất của Trung Quốc nếu không muốn các doanh nghiệp địa phương phá sản.

    *Nguồn: Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ