Động tác thần thánh của môn trượt băng nghệ thuật: phải nhìn bằng khoa học mới thấy hết được sự phi thường

    Đạt Lê, Theo Helino 

    Động tác này sẽ giải thích cho bạn biết vì sao trượt băng nghệ thuật nhìn tuyệt đẹp nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm.

    Dù ở miền nhiệt đới nhưng fan Việt vẫn không thể ngó lơ trước bộ môn trượt băng nghệ thuật vốn chỉ dành cho xứ lạnh. Nào là trang phục đẹp mắt, động tác điêu luyện hay cả những khoảnh khắc sảy chân đáng tiếc. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể khiến bạn hình dung được môn này khó đến mức nào đâu!

    Hãy cùng khám phá về động tác được cho là khó nhất trong trượt băng mà hầu như chỉ nam vận động viên mới thực hiện được. Đó chính là quadruple jump - “nhảy xoay 4 vòng”.

    Động tác thần thánh của môn trượt băng nghệ thuật: phải nhìn bằng khoa học mới thấy hết được sự phi thường - Ảnh 1.

    Phải, bạn không nghe lầm đâu: đích thị là xoay người tận 4 vòng giữa lưng chừng không trung, tương đương với góc quay 1.440 độ. Các nhà khoa học cho rằng điều này thật “vi diệu” xét trên khả năng tự nhiên của con người.

    Nhảy xoay 4 vòng: cực kỳ khó nhưng làm hỏng thì đừng mơ HCV

    Năm 2010, vận động viên trượt băng Evan Lysacek người Mỹ gây tranh cãi với chiếc HCV Olympic dù anh không thực hiện một động tác xoay 4 vòng nào. Trong khi đó, người về nhì - Evegeni Plushenko đến từ Nga đã thành công với kỹ thuật đỉnh cao này.

    Ngay lập tức, Liên đoàn trượt băng quốc tế quyết định nâng điểm số cho động tác nhảy 4 vòng tại các đợt tranh giải về sau. Hành động này như ngầm nói rằng từ giờ hãy làm cho bằng được cái động tác này, nếu không HCV sẽ về tay kẻ khác.

    Thế nhưng theo khoa học, nhảy 4 vòng là phản lại quán tính tự nhiên của con người - khi bạn phải xoay như một cái bánh xe ở tốc độ gần 50km/giờ mà vẫn kiểm soát tốt cơ thể.

    Cụ thể, quá trình này như sau: ban đầu thì a-lê-hấp nhảy lên, nhưng phải nhớ phối hợp giữa nâng người với xoay vòng một cách hoàn hảo.

    Sau khi đã “lên”, ta cần điều hướng chính xác cơ thể giữa không trung. Và rồi, việc còn lại là đáp xuống thật duyên dáng với một lực… gấp 7 lần sức nặng cơ thể.

    Giáo sư Jim Richards tại ĐH Delaware - chuyên nghiên cứu về cơ học, hé lộ một bí quyết để hoàn thiện động tác trên: thu gọn cơ thể khi nhảy lấy đà, vì chiều rộng vật thể càng hẹp thì tốc độ quay càng nhanh.

    Động tác thần thánh của môn trượt băng nghệ thuật: phải nhìn bằng khoa học mới thấy hết được sự phi thường - Ảnh 2.

    Động tác thần thánh của môn trượt băng nghệ thuật: phải nhìn bằng khoa học mới thấy hết được sự phi thường - Ảnh 3.

    Yuzuru Hanyu - với vóc dáng nhỏ nhắn đã có những bước nhảy tuyệt vời.

    Có lẽ vì vậy mà vận động viên nổi tiếng người Nhật - Yuzuru Hanyu - với vóc dáng nhỏ nhắn đã có những bước nhảy thật tuyệt vời. Trong tổng số 280 điểm mà anh ghi được trong hai phần thi ở Olympic 2014, điểm kỹ thuật đã chiếm đến 145. Số điểm này giúp anh giành HCV năm đó.

    Động tác nguy hiểm và đầy sức “cám dỗ” đối với cả nam lẫn nữ

    Hiếm khi động tác nhảy 4 vòng đem tới cú hạ cánh chuẩn xác và an toàn, kể cả với những vận động viên ưu tú nhất. Nhà vô địch Nhật Bản - Hanyu cũng đã phải tạm nghỉ nhiều tháng trời sau thất bại với cú nhảy 4 vòng vào tháng 11 năm ngoái. Đáng mừng là anh đã hồi phục và bảo vệ thành công chức vô địch tại Olympic 2018 mới đây.

    Động tác thần thánh của môn trượt băng nghệ thuật: phải nhìn bằng khoa học mới thấy hết được sự phi thường - Ảnh 4.

    Chỉ cần sơ suất 1 chút thôi là bạn có thể gặp chấn thương nặng khi làm động tác xoay vòng này

    Đáng tiếc, không phải ai cũng có đủ tố chất (và có lẽ may mắn) như Hanyu. Trên thực tế, khoảng ⅔ phần trình diễn nhảy 4 vòng phạm phải sai lầm và bị trừ điểm. Đó là chưa kể một hậu quả khác còn nghiêm trọng hơn: chấn thương.

    Các thương tổn thường gặp là trật mắt cá, gãy xương chân, vỡ đầu gối và trật khớp bả vai. Ngoài ra, việc luyện tập cũng gian khổ không kém. Tập dượt nhảy xoay vòng quá nhiều sẽ khiến cơ thể chịu áp lực rất lớn.

    Một mối lo khác là về giày trượt băng. Theo giáo sư Richards, nếu vận động viên có thể hơi cong mắt cá chân lúc đáp xuống thì sẽ giảm được sức nặng đáng kể.

    Tuy vậy, những đôi giày hiện tại quá cứng để làm điều đó. Mà nhà sản xuất thì lại không có thêm chút lợi nhuận nào khiến họ muốn cải tiến sản phẩm (vốn đã khá đắt đỏ).

    Bất chấp mọi nguy hiểm, ai vào sân cũng cố gắng thực hiện bằng được cú xoay 4 vòng.

    Tại sao ư? Vì nó được quy ước điểm số rất rõ ràng, giúp vận động viên hiểu chính xác mình cần làm gì để chiến thắng. Chứ còn những con điểm khác về độ mướt, đẹp, biên đạo, phong cách… thường được chấm dựa theo quan điểm khá chủ quan.

    Và không chỉ vận động viên nam mà nữ giới cũng bị “cám dỗ” bởi kỹ thuật nhảy xoay vòng.

    Nhưng họ gặp nhiều khó khăn hơn là do có phần hông nhỏ, dẫn tới không thể thu gọn cơ thể một cách chặt chẽ để đạt được tốc độ xoay cần thiết. Dù vậy, chuyện nữ giới thực hiện thuần thục cú nhảy 4 vòng chỉ là vấn đề thời gian.

    Nguồn: Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ