Đây chính là lãnh địa nơi chiếc smartphone hot nhất thế giới được sản xuất, một phần trong chuỗi cung ứng chặt chẽ Apple thiết lập và quản lý.
9h sáng, tại nhà máy khổng lồ của Pegatron Corp phía ngoại ô Thượng Hải, hàng ngàn công nhân khoác đồng phục màu hồng đã sẵn sàng bắt tay vào lắp ráp những chiếc iPhone.
Các công nhân xếp hàng chuẩn bị vào làm việc
Các công nhân lần lượt nhìn vào máy scan khuôn mặt và lướt qua cửa xoay an ninh để đi vào trong. Các cửa kiểm tra nhận dạng công nhân ở đây được lắp đặt để đảm bảo họ không làm quá giờ quy định. Quy trình kiểm tra chỉ mất chừng 2 giây.
Đây chính là lãnh địa nơi chiếc smartphone hot nhất thế giới được sản xuất, một phần trong chuỗi cung ứng chặt chẽ Apple thiết lập và quản lý. Sau nhiều năm liên tục bị phê phán là bắt công nhân làm quá giờ hay ăn uống đạm bạc thì Apple và Pegatron đã đưa vào các quy trình mới quản lý chặt chẽ thời gian làm việc của công nhân. Và 2 công ty rất nóng lòng muốn cho thế giới biết quy trình này đang được vận hành thế nào nên lần đâu tiên đã cho phép ký giả vào ghi hình.
John Sheu, thường được gọi John lớn, đã dẫn phóng viên của Bloomberg vào tham quan nhà máy. Ông là giám đốc mảng thiết bị của Pegatron, nơi khoảng 50.000 công nhân lắp ráp iPhone hàng ngày. Công việc của John là đảm bảo sao cho công việc luôn hiệu quả, không bị phân tán bởi các yếu tố nhỏ bên ngoài.
Tôn chỉ của ông là “Mỗi giây mỗi phút đều đáng giá ngàn vàng”.
Sau khi đi qua máy dò kim loại giúp ngăn chặn người vào mang theo các thiết bị chụp hình có thể làm rò rỉ hình ảnh sản phẩm mới, các công nhân xếp hàng trên hành lang dán đầy những poster cổ vũ tinh thần. Tiếp đến họ đi lên một cầu thang với những tấm lưới an toàn giăng bên dưới để đề phòng có người tự tử. Trước tủ đựng đồ, họ trùm lên đầu chiếc mũ vải xanh và thay đôi giày đang đi bằng một một đôi dép lê nhựa. Khoảng 9h20, một tổ công nhân 320 người xếp thành 4 hàng đều tăm tắp chờ được gọi vào.
Kiểm tra nhận dạng ở cửa vào xưởng làm việc
“Xin chào ông!” – họ đồng thanh hô lên dưới ánh nhìn của John lớn, đang cầm trên tay những chiếc iPad dán băng đen. Họ scan các công nhân. 6 phút sau, tất cả đã tới phòng sản xuất, lắp ráp những chiếc iPhone được đặt chạy nhanh trên các băng chuyền. Hôm đó, một công nhân bị ốm, và người quản đốc đã nhanh chóng bố trí lại hàng người để đảm bảo công việc không bị gián đoạn.
Nhà máy được đặt ở góc đường Xiu Yan và Shen Jiang và là một trong những công xưởng iPhone bí mật nhất, có diện tích rộng bằng khoảng 90 sân bóng đá. Tại trung tâm công xưởng là một quảng trường lớn có cả trạm chữa cháy, đồn cảnh sát và bưu điện. Trong nhà máy còn có xe bus lưu động, các quán café và cả những sân cỏ, hồ cá lớn. Các tòa nhà bê tông sơn màu nâu xám theo đúng kiểu nhà truyền thống của Trung Quốc và chỉ cách Disneyland Thượng Hải chừng 20 phút lái xe.
Theo giáo sư Jenny Chan của trường kinh doanh Kellogg Oxford, “Việc Apple và Pegatron cho phép phóng viên vào ghi hình cũng thể hiện họ đang đứng trước sức ép dư luận và cần phải tỏ ra minh bạch hơn trong cách quản lý công nhân – ít nhất là phải thể hiện họ đang sửa chữa những sai lầm trước đây. Tuy nhiên họ vẫn không cho chúng ta biết cụ thể về cách thức quản lý hệ thống lao động ở đây.”
Theo tổ chức Giám sát Lao động Trung Quốc (CLW), Nhà máy này dường như vẫn đang nắm giữ một bí mật gì đó. Mức lương cơ bản vẫn quá thấp đến mức nếu không làm thêm giờ công nhân sẽ không thể kiếm đủ sống. Được biết 1.261 cuống phiếu lương từ nhà máy Pegatron Thượng Hải đã cho thấy dấu hiệu của làm việc quá giờ. Theo một nguồn tin của Bloomberg, Pegatron, một mảng kinh doanh của Asustek là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn thứ hai thế giới chỉ sau Foxconn.
Pegatron bác lại nhận định về lương bổng và cho rằng lương công nhân ở đây đã bị các báo tính sai bởi thời điểm đó có đợt nghỉ lễ dài. Theo đó, hãng cho biết mức lương thực tế của công nhân ở đây cao gấp 3 lần mức trung bình. Apple và Pegatron cho biết họ chưa bao giờ được CLW gọi đến và bác bỏ lời cáo buộc không phản hồi gì khi tổ chức này liên hệ. Từ tháng 3, tổ chức này báo rằng họ đã thu thập được 441 cuống phiếu lương khác có dấu hiệu làm việc quá giờ.
Theo lời Li Qiang, giám đốc CLW thì mấu chốt chính là “hệ thống cửa xoay, hay chính xác hơn là ở việc lập trình cho hệ thống này.” Anh gợi ý rằng hệ thống kiểm tra nhận dạng công nhân ở đây chỉ để trưng ra mà thôi và hiện vẫn có rất nhiều trường hợp công nhân bị bắt làm việc quá giờ.
Pegatron cho biết hãng luôn tuân thủ các điều khoản của Liên minh các nhà sản xuất sản phẩm điện tử, đã chỉ rõ rằng là việc quá 80 giờ mỗi tháng được coi là quá giờ quy định. Phía Apple nói Pegatron đã thực hiện đúng như quy định chung, trong khi đó Pegatron cũng cho biết công ty và một số nhà sản xuất khác được miễn quy định chỉ được cho công nhân làm thêm giờ nhiều nhất 36 tiếng/tháng của chính phủ Trung Quốc.
Khuôn viên nhà máy Pegatron
CEO Apple Tim Cook thì cho rằng việc kiểm tra thái quá sẽ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ông xây dựng sau thời Steve Jobs. Hãng cho biết đã thực hiện 640 lượt kiểm toán chi trả cho hơn 1,6 triệu công nhân năm 2015. Trong năm 2013, Apple đưa ra thông báo về điều tra của các chuyên viên về cái chết của một số công nhân tại Pegatron. Trong số đó có một công nhân 15 tuổi đã chết vì viêm phổi còn nguyên nhân cái chết của những người khác thì không được tiết lộ. Apple cho biết những cái chết này không có liên quan gì tới điều kiện làm việc.
Denese Yao, quản lý đối ngoại của Pegatron với các khách hàng tại Mỹ cho biết “Việc sản xuất chẳng có tội tình gì hết. Mọi người cứ nghĩ chúng tôi đang vắt kiệt công nhân nên chúng tôi cần cho họ biết thế nào là một môi trường làm việc hiệu quả và có trách nhiệm.”
Để thực hiện hóa điều này, Pegatron lắp đặt hệ thống kiểm tra nhận dạng công nhân với các đặc điểm được lưu vào cơ sở dữ liệu theo dõi thời gian làm việc, tính lương và thậm chí là cả chi phí phòng ở hay ăn trưa. Sự sắp xếp này đã giúp công nhân tuân thủ đúng các điều khoản về làm thêm giờ 100%, theo lời của Pegatron, và chỉ còn vài trường hợp quá giờ của các kỹ sư làm việc tại bộ phận xử lý các trường hợp khẩn cấp. Trong lần kiểm toán gần đây nhất, Apple cho biết nhà cung ứng Pegatron đã tuân thủ điều luật tuần làm việc 60 giờ tới 97% năm 2015, tăng 5% so với năm trước đó.
Theo lời một công nhân tên Ma ở đây thì nhiều người thực ra lại muốn có cơ hội làm thêm giờ để tăng thu nhập, nhưng hệ thống kiểm tra mới này đã ngăn chặn điều đó. “Thời gian làm việc tối đa là 60 giờ/tuần, nhưng các công nhân lại muốn làm hơn thế bởi lương quá thấp. Chúng tôi có thể và luôn muốn làm thêm giờ”, anh cho biết.
Từ trái sang, theo chiều kim đồng hồ: Công nhân nghỉ ngơi ăn trưa; Các công nhân xem bảng lương tại màn hình cảm ứng; Một công nhân thay đồng phục tại khu để đồ; Một công nhận trong căng tin
Khi Ma mới vào làm tại Pegatron 3 năm trước, các công nhân thường xuyên làm quá số giờ quy định để kiếm thêm tiền. Nhưng nay chuyện này không còn nữa bởi hệ thống kiểm soát mà John Sheu góp phần thiết kế. Hệ thống này kết nối cửa xoay với các iPad scan nhận dạng và phù hiệu của từng công nhân, gửi tới các quản lý và báo cho họ biết công nhân nào đã làm việc quá 60 giờ cho phép. Nếu làm qua mức này, công nhân đó sẽ tự động bị chặn cửa không vào được nhà máy nữa.
Nói về các công nhân tình nguyện làm việc thêm giờ, Guo Wanli, 25 tuổi, từng là một công nhân xây dựng ở Hồ Nam cho biết “Đôi khi bạn sẽ thấy nhiều người không thể vào nhà máy vào thứ bảy, chủ nhật”.
Ngoài ra, Pegatron còn nỗ lực nâng cao sự minh bạch nơi đây bằng việc cho phép công nhân kiểm tra thời gian làm việc, sao kê lương bổng, tiền thuê nhà và ăn uống hàng tháng tại các trạm gắn màn hình cảm ứng trong khuôn viên nhà máy. Nếu tính cả làm thêm giờ, các công nhân có thể gửi về cho gia đình khoảng 4.200 đến 5500 NDT (tương đương 650 – 850 USD) một tháng. Một công nhân đang đứng giúp những người xem thông tin tại đây cho phóng viên xem lương cơ bản của cô – khoảng 2.020 NDT, bằng một nửa giá chiếc iPhone 6 tại Trung Quốc (4,488 NDT).
Sheu chia sẻ “Công nhân quan tâm đến điều gì nhất? Đương nhiên là khoản tiền họ kiếm được mỗi tháng”. Quyết định công khai lương bổng là rất khó khăn nhưng John cho biết việc này sẽ giúp công nhân yên tâm và làm việc có trách nhiệm hơn.
Ảnh lưu niệm của các công nhân dán tại trung tâm hỗ trợ nhân viên của Pegatron.
Pegatron cũng trải qua những khó khăn của các biến động trên thị trường lao động Trung Quốc nhiều năm qua với giá lao động ngày càng tăng. Với giá lao động đang tăng lên qua từng năm và già hóa dân số đang diễn ra, ưu tiên chủ chốt hiện nay của các nhà sản xuất chuyển sang năng suất cao và giữ chân người giỏi. Các công xưởng kiểu cũ đang dần nhường chỗ cho các nhà máy hiện đại với các trang bị như Wifi, TV, các dịch vụ lau dọn phòng và thậm chí là cả nâng cấp phòng ký túc.
Theo giáo sư Jiang Ying của Học viện Công nghiệp Trung Quốc, “Các doanh nghiệp hiện đang thay đổi mức lương, lợi nhuận cũng như giá nhà ở cho thuê. Các công nhân nay đã ý thức được về luật lao động và đòi hỏi các nhà máy phải cải thiện môi trường sống và làm việc.”
Cùng lúc đó, các nhà máy Trung Quốc cũng bắt đầu gặp khó trong việc giữ chân người tài trước việc lực lượng lao động suy giảm và nhảy việc trở nên phổ biến. Tuy thế, tỷ lệ giữ chân ở Pegatron vẫn ở mức 20%/năm qua trong suốt 3 năm qua. Năm ngoái, tỷ lệ nghỉ việc trung bình chỉ khoảng 16%.
Theo lời Xu Na, một công nhân 30 tuổi ở đây thì “môi trường ở đây vẫn còn khá thoải mái so với nhiều nhà máy khác. Chúng tôi không bao giờ làm quá 60 giờ/tuần cả.”
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"