Đột nhiên tìm thấy mỏ lithium khổng lồ, Ấn Độ nghiễm nhiên trở thành ‘ông lớn’ trong lĩnh vực pin và xe điện
(Tổ Quốc) - Phát hiện này ngay lập tức đưa Ấn Độ vào top 5 quốc gia dự trữ lithium hàng đầu thế giới.
Món quà trời cho
Hôm thứ Năm, ngày 10/2 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã công bố rằng 5,9 triệu tấn lithium, một khoáng chất quan trọng để sản xuất xe điện và các tấm pin mặt trời, đã được phát hiện ở các khu vực Jammu và Kashmir của nước này.
Đây là phát hiện lớn đầu tiên về lithium ở Ấn Độ. Trước đó, trữ lượng duy nhất về kim loại này là một mỏ nhỏ chỉ 1.600 tấn được phát hiện ở bang Karnataka hai năm trước. Cho đến thời điểm trước công bố, quốc gia này đã phụ thuộc vào Úc, Chile và Argentina trong việc nhập khẩu lithium cần thiết cho các lĩnh vực sản xuất của mình.
Thư ký mỏ Vivek Bharadwaj đã nói rằng mỏ lithium mới sẽ giúp Ấn Độ trở nên “aatmanirbhar”, một khẩu hiệu thường được thủ tướng Narendra Modi quảng bá có nghĩa là “tự lực”. Và phát hiện này chắc chắn là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực trên con đường trở thành nhà lãnh đạo sản xuất toàn cầu của Ấn Độ. Sự kiện công bố cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ công bố kế hoạch hợp tác chiến lược giữa hai nước để tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.
Nói một cách dễ hiểu, chỉ riêng lượng lithium từ phát hiện trên cũng có nghĩa là Ấn Độ hiện có trữ lượng lithium lớn thứ 5 trên thế giới, vượt trên cả Mỹ. Tuy nhiên, tinh chế quặng lithium thành khoáng chất có thể sử dụng để sản xuất pin là một quá trình phức tạp. Nó có nghĩa là Ấn Độ sẽ phải phụ thuộc vào nhập khẩu trong ít nhất vài năm nữa.
Ấn Độ có mơ về xe điện?
Lithium thường được gọi là “vàng trắng” do giá trị ngày càng tăng của pin lithium trong việc sản xuất các mặt hàng như điện thoại, máy tính xách tay và xe điện. Trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện dự kiến sẽ đạt quy mô thị trường hàng năm hơn 800 tỷ USD vào năm 2030, nguồn dự trữ quặng mới tìm thấy có thể mang lại một khoản thu lớn cho các công ty sản xuất ở Ấn Độ.
Phát hiện này cũng có thể sẽ giúp chính phủ Ấn Độ thực hiện lời hứa gần đây là sẽ tăng 30% số lượng ô tô điện tư nhân trước năm 2030. Ngân hàng Thế giới cho biết việc khai thác các khoáng sản quan trọng như coban, than chì và lithium sẽ cần phải tăng 500% mới có thể đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu vào năm 2050.
Tuy nhiên, quá trình khai thác và tinh chế lithium từ lâu đã bị chỉ trích vì các tác động đáng kể đến môi trường. Nguyên tố này thường được tìm thấy nhiều nhất trong các hồ chứa ngầm, có nghĩa là việc khai thác nó thường gây ô nhiễm và cắt đứt nguồn nước khan hiếm ở các cộng đồng vùng nông thôn. Ngoài ra, quy trình sản xuất cũng liên quan đến việc nung nóng quặng ở nhiệt độ cao, và quy trình này chỉ có thể đạt được hiệu quả về mặt chi phí khi đốt nhiên liệu hóa thạch. Nghĩa là để có 1 tấn lithium, 15 tấn carbon dioxide sẽ được thải vào không khí.
Nước nào đang có lượng dự trữ lithium lớn nhất thế giới?
Phần lớn trữ lượng lithium của thế giới được tìm thấy trong các bãi muối rộng lớn ở Bolivia, Chile và Argentina. Cho đến nay, Bolivia vẫn là quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới. Nhưng phần lớn chúng vẫn nằm trong lòng đất do quốc gia này không có cơ sở hạ tầng đủ phát triển để khai thác. Do đó, Bolivia không được xếp hạng cao trong danh sách về sản lượng lithium thực tế.
Tham khảo Qz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập