Đột phá: Con người đang biến "cải lão hoàn đồng" thành sự thật

    PV,  

    Từ xa xưa, con người đã phải lao tâm khổ tứ đi tìm phương thuốc cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ. Và dường như ngày ấy đã đến.

    Tìm ra phương án giúp kéo dài tuổi thọ, trường sinh bất lão đã luôn là tham vọng của loài người từ khi những nền văn minh đầu tiên xuất hiện. Trải qua thời gian, tham vọng ấy chưa khi nào nguôi ngoai, và nay có vẻ như chúng ta đã tìm thấy câu trả lời.

    Cụ thể hơn thì mới đây, các chuyên gia thuộc viện Salk (Mỹ) đã thành công trong việc tăng tuổi thọ của chuột bằng phương pháp "lập trình" lại các tế bào trong cơ thể. Đây có thể xem là một bước đột phát, cho thấy khả năng quá trình lão hóa có thể "đảo ngược" theo nghĩa đen.

    Quá trình lão hóa có thể đảo ngược?
    Quá trình lão hóa có thể đảo ngược?

    Trong các nghiên cứu trước kia, phương pháp này đúng là có thể giúp tế bào chuột trẻ ra, nhưng con chuột sau đó nhanh chóng bị ung thư và chết rất sớm.

    Tuy nhiên, nghiên cứu lần này với sự tham gia của giáo sư Juan Carlos Izpisua Belmonte, chú chuột thí nghiệm có thể kéo dài tuổi thọ tới 30% so với bình thường, và không hề có biến chứng nguy hiểm nào.

    Đáng mừng hơn, các thử nghiệm trên tế bào người dường như cũng cho kết quả tích cực. Giáo sư Belmonte cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lão hóa không phải tiến trình chỉ đi theo một hướng. Trái lại, nó linh hoạt, và chỉ cần điều chỉnh cẩn thận một chút, quá trình hoàn toàn có thể bị đảo ngược".

    Thí nghiệm trên chuột đã cho kết quả tốt
    Thí nghiệm trên chuột đã cho kết quả tốt

    Phương pháp bao gồm việc chuyển hóa tế bào thành tế bào gốc - hình thái có tiềm năng phát triển thành bất kể dạng tế bào nào. Theo Alejandro Ocampo - một thành viên tham gia nghiên cứu: "Chúng tôi quan sát thấy rằng khi ta tái lập trình một tế bào, tế bào đó trở nên "trẻ" hơn. Câu hỏi tiếp theo sẽ là phương pháp này có tác động thế nào trên động vật sống".

    Trong các nghiên cứu trước, phương pháp này có một số vấn đề. Đầu tiên, tế bào gốc phân chia rất nhanh, khiến cho khả năng mắc ung thư ở người trưởng thành cao hơn hẳn. Thứ hai, các tế bào đang có đóng vai trò quan trọng để vận hành cơ thể. Vì thế nếu chuyển quá nhiều thành tế bào gốc, cơ thể sẽ chết.

    Vì thế, Salk đã chỉ thay đổi 4 gene trong một giai đoạn rất ngắn. "Các nghiên cứu trước đã chuyển tế bào thành tế bào gốc hoàn chỉnh. Nhưng trong nghiên cứu lần này, bằng cách chuyển đổi trong thời gian ngắn, chúng ta có thể giúp tế bào giữ nguyên chức năng vốn có, nhưng đồng thời đảo ngược dấu hiệu của thời gian." - Pradeep Reddy - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

    Các thử nghiệm trên tế bào da trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả khả quan. Làn da trẻ hơn, và tế bào vẫn nguyên vẹn là tế bào da. Ngoài ra, các chuyên gia cũng thử phương pháp này trên chuột mắc phải hội chứng "già trước tuổi". Kết quả sau khi được lập trình, chúng sống lâu hơn tới 30%.

    Nhưng chuột không phải là người. Quá trình này ở người sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên theo giáo sư Izpisua Belmonte, đây vẫn là một bước ngoặt lớn trên hành trình "cải lão hoàn đồng" của con người.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày