Dự án thành phố Đường Thẳng của Ả-rập Xê-út: chỉ rộng 200 mét, nhưng dài tới 170 km

    Kim, Thể thao & Văn hóa 

    Thành phố trong mơ sẽ có sức chứa 9 triệu dân. Tuy chưa khởi công, Ả-rập Xê-út mong muốn Đường Thẳng sẽ thành sự thực vào năm 2025.

    Tình hình biến đổi khí hậu không khả quan hơn trong những năm qua, khiến nhiều vương quốc Trung Đông tìm kiếm giải pháp thay thế cho mô hình kinh tế phụ thuộc vào khí thải carbon - họ mong muốn thu hút nhà đầu tư cũng như dân cư toàn cầu tới du lịch, làm ăn hay chỉ đơn giản là sinh sống tại miền đất giàu nắng và cát.

    Một trong những thành tố chủ chốt trong kế hoạch dài hạn này mang tên The Line (tạm dịch là Đường Thẳng), là thành phố trị giá hơn 450 tỷ USD và được thiết kế cho 9 triệu cư dân. Những con số khổng lồ vừa nêu vẫn không phải điểm đặc biệt của Đường Thẳng, khi thành phố kỳ lạ này có bề ngang chỉ 200 mét và chiều dài tới 170 kilomet, hai mặt thành phố sẽ là một cấu trúc giống gương phản chiếu cao tới 500 mét. Đường Thẳng sẽ nằm về phía miền Tây Bắc tỉnh Tabuk và khởi đầu từ bờ vịnh Aqaba. Dường như, chính quyển đất nước Trung Đông muốn xây dựng một thành phố vắt ngang đất nước.

    Dự án thành phố Đường Thẳng của Ả-rập Xê-út: chỉ rộng 200 mét, nhưng dài tới 170 km - Ảnh 1.

    Hình minh họa thành phố Đường Thẳng của tương lai - Ảnh: NEOM.

    Theo lời các kỹ sư, Đường Thẳng sẽ đặt ra chuẩn mực mới cho những thành phố xanh. Tổng diện tích Đường Thẳng dự kiến sẽ chỉ chiếm 34 km2, tương đương với việc mỗi người chỉ sở hữu 4m2 diện tích sống. Đường Thẳng sẽ chiếm một phần nhỏ của siêu thành phố NEOM dự kiến rộng tới 26.500 km2; NEOM sẽ bao gồm cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu nghiên cứu, các trung tâm thể thao và giải trí, bên cạnh những điểm thu hút khách du lịch.

    Chi tiết Đường Thẳng

    Thoạt nhìn, dự án thành phố Đường Thẳng thân thiện với môi trường. Khoảng cách từ trung tâm tới rìa thành phố rất gần, bên cạnh đó hệ thống hệ thống phương tiện công cộng vận hành bằng điện, chạy ở tốc độ cao sẽ đảm bảo việc di chuyển hết quãng đường 170 km sẽ chỉ tiêu tốn trên dưới 20 phút.

    Không gian chật hẹp sẽ có thể khiến nhiều người cảm thấy tù túng nhưng thực tế, mỗi người sở hữu tới 1.000 m3 không gian sống. Vậy là đã rộng rãi hơn phần lớn các đô thị đông dân cư hiện nay. Tuy nhiên, độ cao của Đường Thẳng sẽ tương đương với một tòa nhà chọc trời cao 125 tầng, cơ sở hạ tầng sẽ phải bao gồm một hệ thống thang máy linh hoạt giúp cư dân dễ dàng lên xuống.

    Ước tính chi phí sống tại Đường Thẳng sẽ rơi vào khoảng 55.000 USD/người dân. Con số không khiêm tốn, chưa kể những bài toán kinh tế khác liên quan tới dịch vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng bên trong Đường Thẳng.

    Dự án thành phố Đường Thẳng của Ả-rập Xê-út: chỉ rộng 200 mét, nhưng dài tới 170 km - Ảnh 2.

    Dự kiến, điểm khởi đầu của Đường Thẳng sẽ nằm tại vịnh Aqaba - Ảnh: Internet.

    Dẫu khác biệt, thiết kế “thẳng tưng” này không hoàn toàn mới. Năm 1882, chuyên gia quy hoạch đô thị người Tây Ban Nha Arturo Soria y Mata đã lần đầu công bố dự định về một thành phố thẳng, đưa toàn bộ đường ống dẫn nước, dẫn khí đốt, đường điện và đường di chuyển vào mép thành phố. Thiết kế xoay quanh hai tôn chỉ, “thôn quê hóa” thành phố và “đô thị hóa” vùng quê.

    Thành phố Đường Thẳng hưởng ứng những khái niệm trên, tuy nhiên khía cạnh “đô thị hóa vùng quê” vẫn làm dấy lên nhiều thắc mắc. Liệu một bức tường phản chiếu cao tới 500 mét và dài 170 km, dội lại nhiệt lượng của vùng hoang mạc và ánh nắng Mặt Trời sẽ ảnh hưởng thế nào tới môi trường sống?

    Bởi lẽ Đường Thẳng sẽ kéo dài từ Đông tới Tây, thiết kế này sẽ giúp tối ưu khả năng điều hòa nhiệt lượng trong những tháng nóng bức, tuy nhiên thành phố sẽ đổ bóng lớn khi mùa đông tới.

    Những ảnh hưởng về mặt môi trường

    Các kỹ sư xây dựng Đường Thẳng nhắm tới mục tiêu không phát thải. Năng lượng sẽ đều tới từ những nguồn tái tạo, hydro sạch sẽ trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu trọng yếu, nước thải sẽ được xử lý sạch sẽ trước khi trở lại môi trường; song hành với các yếu tố trên là một hệ thống nhà thông minh ứng dụng những công nghệ tiên tiến bậc nhất. Cư dân Đường Thẳng sẽ không sở hữu ô tô, mà di chuyển trong thành phố bằng đôi chân, bằng xe đạp hay thông qua các hệ thống phương tiện công cộng.

    Dự án thành phố Đường Thẳng của Ả-rập Xê-út: chỉ rộng 200 mét, nhưng dài tới 170 km - Ảnh 3.

    Thành phố dài 170 km, nhưng bề rộng chỉ 200 mét - Ảnh: Internet.

    Thiết kế cho thấy người dân thành phố sẽ chỉ mất chưa tới hai phút để có thể ra không gian tự nhiên bên ngoài thành phố, nhưng có lẽ ước lượng này chưa tính tới việc những người sống trên tầng cao phải “bắt thang máy” đi xuống. Nếu không sở hữu một hệ thống di chuyển hữu hiệu, người dân Đường Thẳng sẽ không thể có được cuộc sống trong mơ.

    Những hạn chế trên sẽ có thể làm chùn bước những người tới sinh sống tại Đường Thẳng.

    Tương lai của thành phố phi thường

    Dự kiến, Đường Thẳng sẽ được hoàn thiện vào năm 2025 và đồng thời cách mạng hóa cách con người sống trong thành thị. Dù vậy quá trình xây dựng còn chưa bắt đầu, có lẽ chúng ta sẽ không thể sớm thấy giấc mơ của các kỹ sư Ả-rập Xê-út thành hiện thực.

    Bên cạnh đó, dự án không nhắc gì tới những yếu tố quan trọng trong xây dựng thành phố, ví dụ như:

    - Các cộng đồng dân cư.

    - Những loại công trình bên trong thành phố.

    - Các yếu tố nhân khẩu học.

    - Chính quyền cai quản thành phố.

    - Quyền lợi của dân cư.

    Dự án thành phố Đường Thẳng của Ả-rập Xê-út: chỉ rộng 200 mét, nhưng dài tới 170 km - Ảnh 4.

    Thành phố sẽ khởi đầu bên bờ biển, vào ăn sâu vào đất liền - Ảnh: NEOM.

    Dù mục đích của Đường Thẳng là “đặt trải nghiệm con người” làm trọng tâm, và những “luật lệ tiến bộ” nâng tầm giá trị cá nhân sẽ được coi trọng, nhưng thật khó để làm chiều lòng 9 triệu dân tới từ nhiều nền văn hóa và mang những tín ngưỡng khác nhau tới từ khắp nơi trên thế giới.

    Các kế hoạch marketing cho Đường Thẳng xoay quanh năng lượng xanh, công nghệ hiện đại, lối sống xa hoa và địa điểm đặt thành phố mang tính chiến lược. Các chuyên gia đều mong muốn xây dựng Đường Thẳng, siêu thành phố NEOM và một Ả-rập Xê-út không còn khí thải trong tương lai, tuy nhiên việc xây dựng sẽ cần một nguồn kinh phí và quyết tâm cực kỳ lớn.

    Bên cạnh đó, khả năng thu hút người tới ở vẫn là thắc mắc chưa lời giải đáp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ