Dù chẳng phải hit lớn nhưng sao nhiều người cứ tua đi tua lại chỉ để nghe mãi 1 bản nhạc mà không chán
Thậm chí, khoa học còn khuyến khích thói quen này khi nó thực sự có lợi cho tinh thần.
Âm nhạc có lẽ là một phần tất yếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Mỗi năm, có đến hàng trăm nghìn bản nhạc, cũng như album được phát hành để đáp ứng thị hiếu khác nhau của người yêu nhạc.
Dù kho tàng âm nhạc có "khủng" là thế, thế nhưng lại có lúc chúng ta chỉ trót mê độc nhất một bản nhạc, và nhấn nút replay mãi không thôi.
Vì sao lại có thói quen này thế nhỉ? Câu trả lời sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Bí mật thứ 1: Kỹ thuật sản xuất bài hát nhằm thu hút người nghe
Laura Taylor - người phối khí và soạn nhạc cho các kênh radio tại Anh tiết lộ cách mà cô cũng như các nhà sản xuất "nhào nặn" ra những bản nhạc thật bắt tai. "Từ góc độ kinh nghiệm trong nghề, một bài hát bắt tai sẽ được chúng tôi xây dựng phần verses (phần lời chính) với phần phối khí được tối giản hóa, nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu người nghe đài".
"Tới đoạn chorus (điệp khúc), phần phối khí sẽ được tập trung hơn, thường là sự phối hợp của guitar và bộ gõ điện tử, giúp giai điệu của bài hát thu hút hơn bao giờ hết."
Laura cho biết thêm, khi cấu trúc của bài hát càng được đơn giản hóa, cùng với sự chăm chút về phối khí, tỷ lệ người nghe lại ca khúc ấy sẽ nhiều hơn đáng kể.
Hơn thế nữa, theo một nghiên cứu trực tuyến trên 3000 tình nguyện viên của Đại học Durham, Liên Hiệp Anh cho thấy, những bài hát bắt tai, khiến chúng ta cứ nghe và hát theo mãi sẽ thường thuộc các thể loại như: pop, rock, rap hay R&B.
Bí mật thứ 2: Thói quen nghe nhạc của chúng bị ảnh hưởng bởi... thời tiết
Giữa bốn mùa trong năm, một số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng mùa hè có tác động đến thói quen nghe nhạc của chúng ta nhiều nhất.
"Mùa hè có ảnh hưởng kì diệu đến tâm lý con người, khi thúc đẩy ta giao tiếp với xã hội nhiều hơn thay vì ngồi lì trong nhà" - Isaura Gonzalez, nhà lâm sàng tâm lý học và người sáng lập hiệp hội Latina Mastermind chia sẻ.
"Những giai điệu lập đi lập lại trong bài hát sẽ khiến mọi người cùng nhau hát theo, tạo nên một hiệu ứng cộng đồng giữa người với người. Điều này rõ nét hơn cả khi mọi người thường giao tiếp với nhau vào mùa hè sôi động."
Gonzalez còn nhấn mạnh về khả năng kết nối văn hóa của các bản nhạc với cộng đồng, chẳng hạn như Despacito, một hit cực lớn ở cả cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và thế giới. Tuy sẽ có những rào cản về ngôn ngữ trong ca từ, nhưng những bài hát như thế này vẫn tạo nên những sức hút rất lạ kỳ đến mọi người.
Bí mật thứ 3: Khi đó là bài hát có gắn kết với kỷ niệm của chúng ta
Theo một nghiên cứu từ năm 2013 tại Úc trên một loạt sinh viên ở nước này, trung bình một sinh viên có thể ghi nhớ từ 17 - 30 bài hát, và khoảng 13 bài có liên kết mạnh mẽ đến cảm xúc của họ.
Cũng từ nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy âm nhạc mang đến những hồi ức mạnh mẽ nhất, tạo nên những phản ứng và xúc cảm sinh động nhất cho con người.
Kenneth Aigen - đạo diễn âm thanh tại đại học New York nói thêm rằng: "Âm nhạc được xem là chìa khóa để xây dựng nên tính cách và đặc điểm của mỗi người.
Đây là một phần trong quá trình hình thành nhân cách chúng ta. Mỗi khi được nghe lại bản nhạc mình ưa thích, tất cả những cảm giác, giá trị, cũng như nơi mà ta thuộc về sẽ được củng cố đáng kể".
Còn theo Paolo Ortiz, giáo sư âm nhạc của Đại học California nhấn mạnh rằng, các bài hát được chúng ta nghe đi nghe lại nhiều lần ít nhiều mang đến xúc cảm cho người nghe. "Bất cứ lúc nào bạn nghe lại một bài hát yêu thích, chẳng hạn từ thuở còn niên thiếu, chúng sẽ khơi gợi lại kí ức từ người nghe".
Theo HuffingtonPost, MedicalDaily, PsychologicalToday
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"