Dù được tài trợ hơn 1.7 tỷ USD trong năm 2017, những startup này vẫn "chết tức tưởi"
Nơi nào có sự sống, nơi đó có cái chết, và ở Thung lũng Silicon tất nhiên cũng không có ngoại lệ. Năm 2017 đã sắp khép lại, hãy cùng nhìn lại một số startup tên tuổi đã ngậm ngùi chia tay thị trường công nghệ đầy sóng gió.
Theo Business Insider, dù tổng số tiền tài trợ được đổ vào những công ty startup này lên đến 1.695 tỷ USD, nhưng cho đến lúc này, hầu như mọi thứ đã chìm vào dĩ vãng, và các nhà đầu tư cũng không còn hi vọng nào để gỡ gạc thông qua ICO hoặc ai đó tốt bụng mua lại các startup này nữa.
Dưới đây là 10 startup nổi tiếng được đầu tư nhiều nhất nhưng đã không thể sống sót qua năm 2017:
Beepi: 2013 - tháng 2/2017
Hai nhà sáng lập Beepi: Ale Resnik và Owen Savir
Vốn kêu gọi được: 150 triệu USD
Giá trị cao điểm: 560 triệu USD
Beepi là chợ xe hơi đã qua sử dụng, thu hút được rất nhiều người mua xe và các chủ xe, đóng cửa vào tháng 2. Ban đầu, Fair.com và công ty chuyên bán xe đã qua sử dụng DGDG đều có ý định sẽ mua lại startup này, nhưng cuối cùng họ đều không làm điều đó. Beepi rốt cuộc không còn tiền để hoạt động nữa.
Quixey: 2009 - tháng 2/2017
Quixey cung cấp một bộ máy tìm kiếm cho các ứng dụng di động
Vốn kêu gọi được: 133 triệu USD
Giá trị cao điểm: 600 triệu USD
Quixey sở hữu một bộ máy tìm kiếm di động có khả năng thu thập dữ liệu từ các ứng dụng di động khác, đã phải để gần như toàn bộ nhân viên của mình ra đi vào cuối tháng 2. Có vẻ như Quixey không bao giờ tìm được nền tảng cho chính mình, hoặc ít nhất cũng là một nguồn doanh thu ổn định, dù vào tháng 3/2016 nó đã từng thay đổi vị CEO sáng lập ra công ty - Tomer Kagan.
Yik Yak: 2013 - tháng 4/2017
Yik Yak mang đến một ứng dụng mạng xã hội ẩn danh
Vốn kêu gọi được: 73 triệu USD
Giá trị cao điểm: 400 triệu USD
Yik Yak là startup sở hữu ứng dụng mạng xã hội ẩn danh nổi tiếng...bởi dính vào nhiều vụ scandal quấy rối tại trường học, và đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 28/4 sau một thời gian tìm cách níu chân người dùng. Vài ngày trước khi Yik Yak đóng cửa, công ty thanh toán điện tử Square đã thâu tóm toàn bộ nhóm kỹ sư của họ với giá cực kỳ "ngon ăn": 3 triệu USD.
Maple: 2014 - tháng 5/2017
Maple ship thức ăn tới tận cửa nhà người dùng
Vốn kêu gọi được: 29 triệu USD
Giá trị cao điểm: 115 triệu USD
Maple là một dịch vụ giao nhận thức ăn đóng tại thành phố New York, đóng cửa vào ngày 8/5. Maple được "chống lưng" bởi đầu bếp David Chang - sáng lập công ty nhà hàng cao cấp Momofuku, và trở thành một "địa chỉ thân quen" đối với nhiều người sành ăn. Dịch vụ của Maple độc đáo ở chỗ giá mỗi món ăn đều đã bao gồm phí vận chuyển và tiền tip, đồng thời họ còn tặng khách hàng một chiếc bánh cookie miễn phí kèm theo mỗi đơn hàng.
Đến một ngày, Maple thay chiếc bánh thật bằng...tấm ảnh chụp chiếc bánh, khách hàng đã bắt đầu thấy "có gì đó sai sai". Quả đúng vậy, một phần nhân sự của họ đã bị Deliveroo - một dịch vụ giao nhận thức ăn lớn hơn đóng tại Anh - mua lại.
Sprig: 2013 - tháng 5/2017
Sprig là một startup khác trên lĩnh vực giao nhận thức ăn
Vốn kêu gọi được: 57 triệu USD
Giá trị cao điểm: 110 triệu USD
Sprig, một dịch vụ cung cấp các bữa ăn chất lượng cao tại San Francisco, đã giao bữa ăn cuối cùng vào ngày 26/5. Sprig tuyên bố sẽ giao bữa ăn đến người dùng trong vòng 15 phút và sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương. Thế nhưng mô hình kinh doanh của họ lại không được bền vững cho lắm khi so sánh với các đối thủ khác như Seamless.
Theo một thông báo trên website của Sprig, nhà sáng lập và CEO Gagan Biyani đã viết rằng "sự phức tạp trong việc vận hành một dây chuyền sản xuất thức ăn thông qua một dịch vụ giao nhận trên quy mô như vậy thực sự là một thử thách".
Hello: 2012 - tháng 6/2017
Thiết bị Sense của Hello giúp theo dõi giấc ngủ của người dùng
Vốn kêu gọi được: 40 triệu USD
Giá trị cao điểm: 300 triệu USD
Hello là công ty sản xuất ra cảm biến theo dõi giấc ngủ mang tên Sense - một thiết bị nhỏ đặt trong phòng ngủ thay vì đeo trên cổ tay. Hello đóng cửa vào tháng 6, sau khi không tìm được ai mua lại công ty.
Hello bắt đầu thông qua trang web Kickstarter và đã đưa được Sense lên các kệ hàng tại Target và Best Buy. Tuy nhiên thành công nhỏ nhoi này không đủ để duy trì công ty lâu dài.
Jawbone: 1997 - tháng 7/2017
Hosain Rahman, CEO và đồng sáng lập Jawbone
Vốn kêu gọi được: 1 tỷ USD
Giá trị cao điểm: 3 tỷ USD
Jawbone là công ty tiên phong trên thị trường thiết bị đeo tay, tập trung chủ yếu vào vòng đeo theo dõi sức khoẻ và loa di động. Thế nhưng sau một thời gian dài vất vả trong việc trả tiền cho các bên bán hàng, Jawbone đã phải đóng cửa và thanh lý toàn bộ tài sản. CEO và đồng sáng lập Hosain Rahman sáng lập ra một công ty mới thế chỗ Jawbone là Jawbone Health Hub hoạt động trên lĩnh vực phần cứng và phần mềm chăm sóc sức khoẻ.
Juicero: 2013 - tháng 9/2017
Với mức giá ngất ngưỡng 400 USD, máy ép hoa quả của Juicero chẳng làm được gì hay ho
Vốn kêu gọi được: 118.5 triệu USD
Giá trị cao điểm: 270 triệu USD
Juicero, công ty sản xuất máy ép hoa quả, bắt đầu kêu gọi vốn từ năm 2013 nhưng phải chờ đến năm 2016 mới ra sản phẩm đầu tiên. Chỉ một năm sau, các nhà đầu tư đã phát hiện ra bí mật khủng khiếp của công ty trị giá 270 triệu USD này: chiếc máy ép hoa quả giá 400 USD của họ chẳng làm được gì ngoài việc...ép nước hoa quả từ trong một cái túi do hãng làm ra, mà rõ ràng ai cũng có thể dễ dàng làm việc này bằng tay.
Do đó, trong đợt kêu gọi vốn mới trị giá lên đến hàng triệu USD vốn còn nợ từ các nhà đầu tư, công ty này đã thua lỗ và không thể hồi phục được nữa.
Raptr: 2008 - tháng 9/2017
Một thống kê game năm 2013 cho thấy thời gian một người dùng Raptr sử dụng vào việc chơi các game cụ thể
Vốn kêu gọi được: 44 triệu USD
Giá trị cao điểm: 170 triệu USD
Raptr đóng cửa vào tháng 9 vừa qua, sau gần một thập kỷ là một mạng xã hội dành cho game thủ. Dịch vụ của họ cho phép người dùng theo dõi bạn bè họ đang chơi game gì và cho phép họ chơi các game nhiều người chơi từ xa dễ dàng hơn.
Dù sau đó, Raptr còn cung cấp thêm dịch vụ tối ưu hoá game, nhưng họ đã không còn có thể cạnh tranh với dịch vụ tương tự đến từ các công ty game khác. Đến năm 2016, Raptr bị AMD ngừng hợp tác và không còn tích hợp ứng dụng của Raptr trong gói driver của họ nữa.
Doppler Labs: 2013 - tháng 11/2017
Tai nghe nhét tai không dây Here One của Doppler Lab là một trong những đối thủ sớm của Apple AirPods
Vốn kêu gọi được: 51 triệu USD
Giá trị cao điểm: 235 triệu USD
Khi Doppler Labs ra mắt năm 2013, các nhà đầu tư đã hi vọng về những chiếc tai nghe nhét tai siêu thông minh sẽ cho phép họ tuỳ biến trải nghiệm của họ đối với thế giới xung quanh. Tai nghe nhét tai không dây Here One của hãng với khả năng chặn tiếng ồn thành phố trong khi vẫn cho phép những âm thanh từ các cuộc hội thoại thông thường lọt qua, được cho là đối thủ của Apple AirPods và Google Pixel Buds. Nhưng không may là tốc độ bán ra của Here One quá chậm, và công ty cũng không thể tìm được nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động nữa.
Luxe: hồi sinh từ cõi chết
Ứng dụng Luxe cung cấp dịch vụ đỗ xe hộ theo yêu cầu
Vốn kêu gọi được: 75 triệu USD
Giá trị cao điểm: hơn 110 triệu USD
2017 không phải là một năm may mắn với Luxe, một startup cung cấp dịch vụ đỗ xe hộ theo yêu cầu. Công ty đóng cửa ứng dụng vào tháng 4 sau khi đã bỏ tiền ra mua khá nhiều gara đỗ xe - vô tình biến họ thành một dịch vụ đỗ xe hộ truyền thống.
Với hứa hẹn sẽ thay đổi phương hướng kinh doanh, cùng nhiều tin đồn liên quan việc sáp nhập với Uber, Luxe đã thu hút được các đối tác trước khi được nhà sản xuất xe hơi Thuỵ Điển Volvo mua lại vào tháng 9.
Dù Volvo và Luxe không tiết lộ các điều khoản thoả thuận, nhưng vụ sáp nhập này đã làm hài lòng các đối tác - những người đã đặt 75 triệu USD vào Luxe.
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín