Đừng bỏ học vì nghĩ mình có thể trở thành Bill Gates

    PV,  

    Những người bỏ học lập nghiệp sau đó thành tài chỉ chiếm con số rất nhỏ, thêm vào đó họ có nhiều điều kiện vượt trội khác người để thành công trên con đường đã chọn.

    Trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp bị xoay chuyển bởi một thế lực mới, thế lực này có những luận điểm của riêng mình, có những bí quyết thành công riêng và đồng thời là những phát ngôn có phần hơi ngông cuồng, chúng ta đang nhắc tới những người bỏ học để lập nghiệp.

    Khi nói chuyện với một ai đó quyết định bỏ học để lập nghiệp thì nào là Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Michael Dell lần lượt được xướng tên. Đây đều là những tượng đài "thất học" và trở thành niềm tin cho những người bỏ học lập nghiệp để họ có cơ sở mong một tương lai khởi sắc hơn.

    Khi bắt đầu bỏ học, bạn sẽ tưởng tượng ra mình trở thành người như thế này...
    Khi bắt đầu bỏ học, bạn sẽ tưởng tượng ra mình trở thành người như thế này...
    ... nhưng trong thực tế khả năng lớn bạn sẽ như trên.
    ... nhưng trong thực tế khả năng lớn bạn sẽ như trên.

    Mặc dù vậy, những người bỏ học ngoài nêu được điểm chung của các vĩ nhân trên, thứ mà họ không để tâm tới quá trình mà những cá nhân trên đạt được thành công. Thứ mà họ không nhìn thấy là khoảng thời gian tự rèn luyện khổ cực, những ngày làm việc không ngừng nghỉ và quan trọng nhất chính là một kế hoạch hoàn hảo, trí thông minh hơn người cũng như những quan hệ không phải ai cũng có. Tất cả những yếu tố nhỏ trên giúp họ đạt được thành công như ngày hôm nay chứ không phải là tự tin bỏ học để lập nghiệp.

    Theo thống kê của Forbes, trong số 400 người tự lập nghiệp giàu nhất thì chỉ có 63 cá nhân từ bỏ đại học hoặc những trường học cao hơn. Mặc dù vậy, 337 người còn lại có ít nhất 1 bằng đại học và trong số 63 người bỏ học nêu trên, đa phần họ đều tham gia học những trường có tiếng sau đó từ bỏ. Bill Gates cùng Mark Zuckerberg bỏ học, nhưng trước khi bỏ học họ đã theo học tại Havard, học đủ số môn mình cần, họ chỉ không có bằng mà thôi nên đừng nghĩ rằng bỏ học tại một trường bình thường với kiến thức ít ỏi có thể giúp bạn thành công trên thương trường.

    Mark Zuckerberg là một gã thất học, không ai phủ nhận. Nhưng trước khi thất học, anh ta đã từng mòn quần trên giảng đường của Harvard.

    Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng việc dừng học giữa chừng giúp họ thăng tiến và phát triển tốt hơn trong quá trình kinh doanh. Vậy, hãy cùng điểm qua một số lý do mà những người bỏ học thường nêu ra để bào chữa cho hành động của mình.

    Bỏ học là gì?

    Khái niệm này khá đơn giản, những người bỏ học là những người chọn lối đi riêng cho cuộc sống của mình, họ quyết định không tới trường, không học tập tới cùng để lấy bằng cấp mà bắt đầu quá trình làm việc hay khởi nghiệp mà họ mong muốn.

    Những người bỏ học được chia làm 2 loại chính, loại đầu tiên là những người bỏ vì không thấy lợi ích trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Thường thì loại này có gia đình khá giả, điều kiện kinh tế ổn nên họ chấp nhận đánh đổi bằng cấp trong trường để chạy theo một tương lai không rõ ràng. Ví dụ điển hình nhất của loại đầu tiên là Bill Gates cùng Mark Zuckerberg khi mà họ bắt đầu các sản phẩm khởi nghiệp của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

    Thần tượng của giới bỏ học Bill Gates cùng Mark Zuckerberg đều có gia đình khá giả và nếu giả sử Microsoft cùng Facebook thất bại, họ vẫn có được sự hỗ trợ từ gia đình để tiếp tục khởi nghiệp.

    Điểm khác của 2 nhân vật này là họ không bị vướng bận về tài chính đồng thời họ có gia đình hỗ trợ nếu như thất bại, chính vì thế việc học tập lại ở trường không giúp họ tiến xa hơn trong tương lai. Mặc dù vậy, các kiến thức tại Harvard đều giúp hai tỷ phú trên có được nền tảng cơ bản cho các phát triển sau này của bản thân.

    Loại tiếp theo là những người buộc phải rời ghế nhà trường do điều kiện không cho phép, họ không có đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục học hay phát triển theo hướng ổn định mà buộc phải nghỉ học để duy trì cuộc sống. Điển hình nhất của loại này chính là Steve Jobs khi trong quá trình học, ông gặp phải nhiều vấn đề về tài chính cũng như muốn giúp đỡ gia đình, ông có thể tiếp tục học nhưng gia đình gặp khó khăn hơn hoặc bỏ học với hi vọng sẽ thay đổi tương lai. Và ai cũng biết ông đã chọn con đường đầy khó khăn nhưng mang lại vinh quang cho bản thân.

    Steve Jobs xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, để ông học đại học, cha mẹ ông đã chi toàn bộ số tiền họ tiết kiệm trong thời gian dài. Chính vì thế thay vì học đủ các môn, Steve Jobs chọn những môn mà ông cho là cần thiết sau đó bỏ sau 2 năm theo học.

    Tại sao có quá nhiều người bỏ học lập nghiệp?

    Những người bỏ học đều cho rằng trường học không cung cấp được những gì họ cần, kiến thức trong trường lớp hạn chế khả năng phát triển của mỗi cá nhân và họ cho rằng thực tế quan trọng hơn bất kì lý thuyết nào trên đời.

    Điều này đúng một phần khi mà không phải bất kì kiến thức nào trên trường lớp cũng có thể áp dụng vào cuộc sống cũng như công việc hàng ngày. Mặc dù vậy, rất nhiều kiến thức cơ bản khác được đào tạo trong trường đại học sẽ giúp xây dựng nền móng vững vàng ở bất kì công việc hay ngành nghề nào.

    Đây là Anne Beiler và bà bỏ học từ cấp 3 để thành lập chuỗi cửa hàng Auntie Anne's sau đó trở thành triệu phú, thế nhưng chẳng mấy ai biết tới nữ doanh nhân thành công này.

    Cần lưu ý thêm, những người bỏ học lập nghiệp không đồng nghĩa với việc họ dừng tích luỹ thêm kiến thức. Điểm khác là họ tích luỹ có chọn lọc và tin rằng những thứ họ tiếp thu sẽ giúp họ trong tương lai, bỏ học không có nghĩa với ngừng học.

    Nếu bạn thần tượng Bill Gates hay Mark Zuckerberg, cần biết rằng họ chỉ bỏ học khi mà sản phẩm khởi nghiệp đã phát triển đến mốc họ mong muốn, họ biết rằng mình sẽ thành công với sản phẩm nên quyết định bỏ, nếu như bạn có ý tưởng tốt nhưng sản phẩm hoạt động không đúng hướng, tốt nhất đừng bỏ học vì nó có thể sẽ là cơ hội cuối cùng của bạn trong cuộc sống.

    Đừng nghĩ bỏ học sẽ thành tài

    Đa phần những người bỏ học đều có các ý tưởng vượt trội có thể mang lại khối tài sản khổng lồ cho bản thân. Thế nhưng, hãy ngưng ảo tưởng vì khả năng thành công của ý tưởng này còn chưa rõ ràng, chẳng ai chắc chắn sản phẩm ngày nào sẽ thành công và mang lại số tiền lớn nhưng họ có thể chắc chắn rằng không có bằng đại học đồng nghĩa với những sức ép lớn trong tương lai.

    Để kể về những người bỏ học mà vẫn thành tài thì rất khó nhưng những người có bằng cấp và thành đạt lại chẳng khó khăn gì, thêm vào đó họ chiếm số lớn trong danh sách những người tự lập nghiệp giàu nhất thế giới, ví dụ như Warren Buffett chẳng hạn.

    Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, bỏ học đôi khi cũng mang tới một số lợi thế so với những người chấp nhận hoàn thành quá trình học tập tại trường. Những người bỏ học sẽ có kinh nghiệm thực tế sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, có khả năng chọn lọc kiến thức để tích luỹ sâu hơn. Trong khi bạn bè còn đang cắp sách tới trường, những người bỏ học đã phải đối mặt với áp lực "cơm áo gạo tiền" và điều này buộc họ phá cách, làm những việc không tưởng.

    Tại sao những người thành công lớn đều bỏ học?

    Nếu nghĩ rằng đại đa số những người thành công đều bỏ học lập nghiệp, bạn nhầm rồi. Những người bỏ học lập nghiệp chỉ là số rất ít so với những người đã tốt nghiệp và có kiến thức chuyên sâu. Nhìn lại trong danh sách của Forbes phía trên, có tới 337 người trong top 400 tốt nghiệp đại học , đừng nghĩ chỉ vì họ đi theo con đường truyền thống là họ không thành công.

    Những người bỏ học luôn thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng vì nó đi ngược với những gì chúng ta nghĩ. Những người bỏ học lập nghiệp cũng vậy, nếu họ thành công, họ sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho rất, rất nhiều người. Thế nhưng đằng sau những thành công đó lại là hàng triệu người thất bại, u uất với cuộc sống chỉ vì bỏ học.

    Những người bỏ học thành tài đều có trí thông minh hơn người, khả năng lãnh đạo theo bản năng và những tố chất cơ bản của họ đều vượt trội hơn so với người bình thường.

    Học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công, thế nhưng nó là con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất và an toàn nhất để đạt được những gì con người mong muốn, đừng bỏ học vì nghĩ mình có thể trở thành Bill Gates!

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ