Đừng để trượt tuyển dụng vì vô tình mắc phải 8 lỗi sơ đẳng này

    Ngọc Nhým,  

    Nhiều người bước vào một cuộc phỏng vấn với tâm thế hồi hộp và tràn đầy lo lắng do đó đã vô tình gây ra nhiều rắc rối không đáng có. Nếu bạn có đủ bình tĩnh và quyết tâm, bạn vẫn có cơ hội sửa chữa những sai lầm đó.

    Người ta liệt kê ra được 8 lỗi phổ biến mà bạn dễ mắc phải trong khi thực hiện một cuộc phỏng vấn. Giám đốc điều hành của trang web tìm kiếm việc làm Snagajob Peter Harrison đã giúp đỡ bằng cách đưa ra lời khuyên để bạn có thể khắc phục những sai lầm bạn vô tình gây ra.

    1. Hỏi về những con số bạn sẽ được trả quá sớm

    Có vẻ như cuộc phỏng vấn là thời điểm thích hợp để bạn thăm hỏi mức lương mình sẽ được trả cho công việc tương lai nhưng khoan, đó cũng có thể là câu hỏi sai lầm.

    Có thể bạn chẳng có ý gì khác ngoài việc hơi phấn khích một chút khi biết mình có cơ hội được nhận và háo hức muốn biết số tiền mình sẽ kiếm được là bao nhiêu. Nhưng đối với các nhà tuyển dụng, việc bạn đặt câu hỏi về mức lương quá sớm khiến họ nghĩ bạn nông cạn, chỉ nghĩ đến tiền chứ không phải vì yêu thích công việc đó.

    Tuy nhiên nếu bạn đã lỡ lời hỏi về vấn đề đó, vẫn có cách chữa cháy cho bạn đây.

    Cách khắc phục:

    Nếu bạn hỏi về lương bổng khiến cho cuộc phỏng vấn trở nên căng thẳng hơn, Harrison nói bạn vẫn có thể cứu vãn được bằng cách tỏ ra phấn khích một chút, “hình như tôi hơi vội vàng thì phải nhưng tôi thực sự yêu thích công việc này. Tôi trân trọng cơ hội các bạn trao cho tôi và tôi chỉ muốn đảm bảo quyền lợi phù hợp mà thôi.”

    Với câu nói đó bạn đã gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng với sự háo hức cũng như khả năng phản ứng của bạn trong tình huống nguy cấp.

    2. Không chuẩn bị kỹ càng cho cuộc phỏng vấn

    Bạn đã chuẩn bị trước một vài thông tin của nơi bạn đến phỏng vấn nhưng thật không may, nhà tuyển dụng hỏi bạn những câu hết sức đơn giản “bạn có biết giám đốc điều hành tên là gì không?”, “thế mạnh của công ty bạn ứng tuyển là gì?”… bạn lại tắc tịt, không trả lời nổi. Điều này khá nguy hiểm vì nó khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn không nghiêm túc và chẳng thích thú với công việc bạn đang “tranh giành” với hàng trăm người khác để được nhận.

    Dù với bất kỳ lý do gì - bạn có ít thời gian, bạn không tìm hiểu những vấn đề cơ bản của công ty... thì bạn cũng đã gây hoạ lớn rồi. Nhưng hãy yên tâm, “nước xa không cứu được lửa gần” chứ trường hợp này, nước và lửa ngay sát cạnh nhau mà.

    Cách khắc phục:

    Harrison đưa ra lời khuyên, bạn hãy cứ thẳng thắn thừa nhận thiếu sót của mình trong việc không tìm hiểu mọi vấn đề của công ty bạn ứng tuyển. Sau đó bạn hãy đưa ra lời đề nghị nhà tuyển dụng trả lời giúp bạn để bạn có thể bổ sung lượng kiến thức đó vào hiểu biết của mình.

    “Thành thật mà nói thì tôi đã không có đủ thời gian để chuẩn bị tốt các vấn đề cơ bản trong công ty. Đây là thiếu sót rất lớn của tôi. Hy vọng các bạn sẽ giúp tôi gỡ rối để tôi hoàn thiện hiểu biết của mình hơn.”

    Bằng cách này, bạn đã thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự thành thật, trung thực và cầu thị của bản thân – những phẩm chất mà bất kỳ công ty nào cũng muốn nhân viên của mình có được.

    3. Đến buổi phỏng vấn quá sớm hay quá muộn

    Đi muộn là cách dễ dàng nhất để gây ấn tượng xấu với ai đó, đặc biệt nếu bạn đến muộn trong buổi phỏng vấn, bạn đã để lại ấn tượng đầu tiên thật kinh khủng cho nhà tuyển dụng. Nó cho thấy bạn là người vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng đối phương.

    Nhưng nếu bạn đến quá sớm, bạn cũng gây rắc rối cho nhà tuyển dụng. Tất cả các cuộc phỏng vấn hay công việc của họ đều đã được lên lịch từ trước, nếu bạn đến quá sớm chẳng khác gì bạn ném một cú bóng chày vào lịch trình của họ.

    Cách khắc phục:

    Trong trường hợp bạn đi muộn, hãy đảm bảo rằng bạn phải gọi điện đến nhà tuyển dụng, thành thật xin lỗi họ và đưa ra giờ giấc cụ thể cho lần phỏng vấn tiếp theo hoặc ngay sau đó. Phải nhớ, xin lỗi bằng tất cả sự chân thành của bạn và bày tỏ sao cho nhà tuyển dụng thấy bạn đi muộn vì lý do bất khả kháng, không thể nào làm khác được.

    Còn trường hợp bạn đến quá sớm, hãy tránh đừng làm phiền nhà tuyển dụng. Bạn có thể dạo phố, uống một cốc cà phê trước khi đến lượt mình.

    4. Quên tắt chuông điện thoại

    Đây là lỗi chúng ta cố tránh mắc phải trong mọi trường hợp đề cao sự tập trung và tôn trọng người đối diện. Thế nhưng nó cũng là lỗi dễ phạm phải nhất. Bạn cứ đinh ninh rằng mình đã tắt chuông rồi nhưng bất ngờ điện thoại reo ầm ĩ, bạn xấu hổ đến mức chỉ muốn có cái hố nào đó để chui xuống.

    Cách khắc phục:

    Lựa chọn duy nhất của bạn là nhanh chóng tắt chuông và xin lỗi. Đừng im lặng, sai lầm này khó có thể sữa chữa được lần thứ 2.

    Nếu bạn quên tắt chuông vì đang chờ đợi một cuộc gọi quan trọng hoặc trường hợp khẩn cấp thì hãy nhanh chóng giải thích lý do và xin phép được ra ngoài giây lát để nói chuyện.

    5. Nói xấu sếp cũ hay công ty cũ của bạn

    Trong một cuộc phỏng vấn, 99,9% nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn lý do vì sao lại quyết định nhảy việc. Bạn có thể bị cám dỗ và dễ dàng bộc bạch hết “tim gan” ra kể lể sếp khó tính, đồng nghiệp chơi khăm, lương bổng ít ỏi, v..v.

    Stop! Bạn đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng đấy nhé. Kể cả tình hình của bạn ở công ty cũ có tệ như thế nào đi chăng nữa cũng không nên than vãn với nhà tuyển dụng. Họ đang tìm kiếm những người lạc quan, tích cực chứ không phải những người hay phàn nàn và có tật nói xấu.

    Cách khắc phục:

    Harrison nói rằng khi được hỏi câu hỏi đó, bạn hãy mỉm cười nhẹ và trả lời, “tôi nhận thấy giữa chúng tôi có sự khác biệt quá lớn, tôi không phù hợp với công ty cũ. Nhưng dù sao tôi cũng học được rất nhiều kinh nghiệm từ công việc của mình.”

    6. Tỏ ra quá thoải mái

    Bạn muốn thoải mái để nhập cuộc phỏng vấn có hiệu quả, bạn thấy nóng bức nên đã xắn tay áo lên. Đây không phải thời điểm thích hợp để làm việc đó.

    Bạn muốn xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhưng hãy cẩn trọng. Có thể bạn quá thả lỏng nên đã lỡ nói những lời không nên nói, hoặc thao thao bất tuyệt từ đầu chí cuối.

    Cách khắc phục:

    Nếu bạn nhận ra nhà tuyển dụng tỏ vẻ không thoải mái, hãy ngừng lại ngay và để người phỏng vấn bạn lên tiếng.

    7. Trang phục không phù hợp

    Bạn muốn ăn mặc thật đẹp để gây ấn tượng nhưng bạn quên mất rằng mặc đẹp cũng phải phù hợp với hoàn cảnh. Mặc một bộ đồ quá diêm dúa hay có những hạt cườm lấp lánh chỉ phù hợp với các buổi tiệc tùng. Quần jeans và áo thun lại chỉ hợp để dạo phố. Tóm lại bạn nên lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh bạn tham gia.

    Thế nhưng vẫn có những lúc bạn bị lầm lẫn. Bạn đến buổi phỏng vấn rồi mới nhận ra vấn đề và bạn chẳng có thời gian để quay về nhà thay đồ. Vẫn có cách khắc phục cho bạn đây (nhưng lần sau thì nhớ chừa nhé.)

    Cách khắc phục:

    Cách tốt nhất là bạn phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm và để lại một câu chữa ngượng “tôi hy vọng mình không quá phô trương. Tôi rất ấn tượng với công ty của các bạn nơi mà có một nền văn hoá mọi người có thể mặc quần jeans đi làm.”

    8. Nói dài nói dai

    Bạn đã bao giờ nghe câu “nói dài nói dai thành nói dại” chưa? Coi chừng bạn sẽ mắc phải lỗi nói nhiều trong buổi phỏng vấn đó. Nhà tuyển dụng hỏi và bạn chỉ cần trả lời đúng ý, đủ ý là được. Bạn cứ huyên thuyên mãi mà chẳng đi vào vấn đề chính sẽ khiến nhà tuyển dụng chán ngán và có khi lại thẳng tay loại bạn không biết chừng. Việc bạn nói quá nhiều thể hiện bạn là người không biết lắng nghe, vì thế hãy biết tiết chế.

    Cách khắc phục:

    Nếu bạn đang nói và bất chợt nhận ra mình đã đi quá xa vấn đề chính rồi thì hãy khéo léo sử dụng một vài câu hỏi để cân bằng lại cuộc trò chuyện. Sau đó bạn chỉ cần ngồi yên và lắng nghe thôi.

    Theo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ