Dùng internet đã lâu năm, thế hệ 8X, 9X đời đầu có biết nguồn gốc của tiếng "tít tít tè tè" khi vào mạng dial-up không?

    Nguyễn Hải,  

    Dù ồn ào và khiến không ít người khó chịu, nhưng những tiếng tít tít rè rè này đã trở thành một trong những biểu tượng của lịch sử internet, khi nó là dấu hiệu cho việc bạn sắp bước vào một thế giới mới.

    Nếu bạn từng có may mắn được kết nối internet vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000 tại Việt Nam, hẳn bạn có thể nhận ra những âm thanh này. Đây chính là âm thanh đặc trưng cho việc kết nối internet dựa trên công nghệ quay số Dial-Up. Dù những tiếng tít tít rè rè ồn ào này có thể làm không ít người phải khó chịu, nhưng nó chính là âm thanh báo hiệu cho việc, bạn sắp trở thành một phần của internet.

    Âm thanh kết nối internet dial up

    Dù những âm thanh kỳ quặc đó đã trở thành một phần của lịch sử internet và trở nên quen thuộc với nhiều người, ý nghĩa của nó vẫn là một bí ẩn đối với phần lớn chúng ta. Vậy những âm thanh này có nghĩa là gì?

    Về cơ bản, những âm thanh mà chúng ta nghe thấy này là quá trình bắt tay (handshake), hay còn gọi là quá trình đối thoại qua điện thoại giữa hai modem. Do sử dụng đường dây điện thoại bàn để kết nối nên các modem cần có một ngôn ngữ riêng biệt để xác nhận đầu dây bên kia cũng là máy tính, chứ không phải con người.

    Xin chào, có phải modem đó không?

    Cũng giống như tên gọi của mình, để kết nối internet thông qua modem dial-up, modem của bạn sẽ thực sự phải "quay số" (dial-up) tới một số điện thoại và ở đầu dây bên kia, modem của nhà cung cấp dịch vụ ISP sẽ "nhấc máy". Đó là lý do cho tiếng tít tít tương tự như tiếng quay số trên điện thoại bàn trong phần đầu của chuỗi âm thanh này.

    Dùng internet đã lâu năm, thế hệ 8X, 9X đời đầu có biết nguồn gốc của tiếng tít tít tè tè khi vào mạng dial-up không? - Ảnh 2.

    Sau khi hai modem ở hai bên đầu dây nhận ra nhau, chúng sẽ bắt đầu trao đổi những đoạn dữ liệu nhị phân ngắn để đánh giá xem loại giao thức nào phù hợp với việc liên lạc. Giai đoạn này được gọi là giao dịch V.8 bis.

    Triệt tiêu tiếng vang

    Tiếp sau đó, các modem sẽ phải giải quyết vấn đề triệt tiêu tiếng vang. Khi con người nói chuyện qua điện thoại, thường chỉ có một trong hai bên sẽ nói và bên còn lại sẽ lắng nghe. Mạng điện thoại khai thác yếu tố này và tạm thời làm im lặng kênh tiếp nhận để triệt tiêu bất kỳ tiếng vang nào có thể gây nhiễu đến giọng của người nói.

    Nhưng các modem lại có thể "nói chuyện" cùng lúc với nhau (nó được gọi là full duplex). Do vậy, modem trả lời sẽ được đặt vào một âm điệu đặc biệt để vô hiệu hóa bất kỳ mạch triệt tiêu tiếng vang nào trên đường dây gọi điện. Âm điệu này cũng được chuyển pha 180 độ định kỳ để vô hiệu hóa một mạch điện khác, có tên gọi mạch khử tiếng vang.

    Dùng internet đã lâu năm, thế hệ 8X, 9X đời đầu có biết nguồn gốc của tiếng tít tít tè tè khi vào mạng dial-up không? - Ảnh 3.

    Tìm chế độ điều biến phù hợp

    Giờ đây các modem sẽ liệt kê ra các chế độ điều biến (chuyển đổi tín hiệu) được hỗ trợ và tìm xem có chế độ nào cả hai cùng có hay không. Chúng cũng sẽ thăm dò đường dây bằng cách phát ra các âm điệu kiểm tra để xem nó phản hồi thế nào với âm điệu của các tần số khác nhau, và đường dây làm suy giảm tín hiệu như thế nào. Các modem sẽ trao đổi kết quả nhận được và quyết định tốc độ phù hợp với đường dây.

    Kết thúc việc tâm sự

    Sau màn "tâm sự" này, các modem sẽ chuyển sang trộn dữ liệu. Chúng cho dữ liệu của mình chạy qua một công thức trộn đặc biệt trước khi truyền để việc phân phối năng lượng được đồng đều hơn và đảm bảo không có mô hình nào dưới mức tối ưu khi truyền đi. Chúng lắng nghe nhau bằng cách gửi một loạt mẫu nhị phân dài 1 giây và điều chỉnh bộ cân bằng của mình để tối ưu cho tín hiệu gửi đến.

    Đến đây, khi đường truyền dữ liệu đã được thiết lập, loa ngoài trên modem của bạn sẽ ngừng phát ra các âm thanh để tránh gây phiền nhiễu cũng như lộ dữ liệu, nhưng trên thực tế, các âm điệu trao đổi giữa hai modem vẫn liên tục được phát ra và thu nhận.

    Dùng internet đã lâu năm, thế hệ 8X, 9X đời đầu có biết nguồn gốc của tiếng tít tít tè tè khi vào mạng dial-up không? - Ảnh 4.

    Cách báo hiệu cho bạn biết, mọi chuyện vẫn ổn

    Bạn nghe thấy những âm thanh phát ra từ quá trình trao đổi này là vì các nhà sản xuất modem đã bật mặc định loa ngoài lên khi kết nối để bạn có thể nghe thấy và nhận ra nếu có lỗi nào đó phát sinh trong quá trình kết nối (tín hiệu bận, nhầm số, một người nào đó nhấc máy thay vì modem trả lời, …). Nếu bạn thành thạo một chút về kỹ thuật, bạn hoàn toàn có thể tắt được các âm thanh này bằng cách gửi đi dòng lệnh AT M0 trước khi quay số.

    Về mặt kỹ thuật, ngay cả kết nối DSL Băng thông rộng cũng phát ra các tiếng tít tít, rè rè này trong quá trình kết nối, tuy nhiên, với tốc độ dữ liệu lớn hàng nghìn lần so với kết nối dial-up, các âm thanh này phát ra quá nhanh với tần số tai người không thể nghe được, do vậy các router băng thông rộng không được trang bị loa ngoài để phát ra những âm thanh đó.

    Dùng internet đã lâu năm, thế hệ 8X, 9X đời đầu có biết nguồn gốc của tiếng tít tít tè tè khi vào mạng dial-up không? - Ảnh 5.

    Những hình ảnh chỉ còn mang ý nghĩa hoài niệm về một thời xưa cũ.

    Còn tại Việt Nam, 15 năm sau khi ra mắt, đến năm 2012, khi tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT thông báo ngừng cung cấp dịch vụ kết nối internet Dial-Up, những tiếng "tít tít rè rè" đặc trưng của nó cũng chính thức biến mất trên thị trường Việt Nam.

    Tốc độ chậm chạp, kết nối thiếu ổn định cũng như rất đắt đỏ của công nghệ Dial-Up so với thu nhập người dùng Việt Nam khi đó, khó có thể tìm được ai đó nuối tiếc về sự ra đi của công nghệ này. Nhưng chính vì các nhược điểm này, có lẽ chỉ có kết nối dial-up mới mang lại cho người dùng cảm giác hồi hộp và mừng rơn trong người khi truy cập thành công vào internet.

    Tham khảo Blog Windytan


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ