Đừng khoe cấu hình nữa, đây mới thực sự là mảng Apple, Samsung, LG dốc toàn lực vào năm nay
Khi cuộc đua cấu hình đã khiến cho những chiếc smartphone đầu bảng trở nên giống nhau và nhàm chán hơn bao giờ hết, các tên tuổi lớn cần một lĩnh vực mới để xây dựng hình ảnh cho mình trong năm nay.
Chạy đua cấu hình đã giết chết sự khác biệt
Ngay từ những ngày đầu, gần như toàn bộ chiến trường Android đầu bảng đều gói gọn vào một cuộc đua duy nhất: chạy đua cấu hình. Từ năm này sang năm khác, các nhà sản xuất đều phải bắt buộc trang bị cho sản phẩm chủ lực của mình vi xử lý mới nhất của Qualcomm, dung lượng RAM cao nhất có thể cũng như đẩy cao độ phân giải của màn hình.
Nhưng, thật trớ trêu là cuộc đua cấu hình, vốn được các nhà sản xuất theo đuổi để tạo ra thế mạnh riêng cho sản phẩm của mình, giờ đây lại trở nên phản tác dụng khi khiến cho tất cả các mẫu đầu bảng trở nên… nhàm chán. Ví dụ, ngay trong năm nay, ai cũng biết rằng smartphone của Sony, HTC, LG, Samsung và Xiaomi đều có chip Snapdragon 820. Sẽ thật là nực cười nếu như các nhà sản xuất vẫn còn nghĩ rằng những khẩu hiệu marketing như "smartphone của chúng tôi có vi xử lý 4 nhân cực kỳ mạnh mẽ với đồ họa Adreno đỉnh cao" sẽ giúp cho sản phẩm của họ vượt lên các đối thủ cạnh tranh.
Đó là còn chưa kể cuộc đua cấu hình sẽ làm nảy sinh ra các hệ quả hết sức… lố bịch, mà minh chứng điển hình nhất là cuộc đua lên màn hình 2K và 4K. Từ 2 năm về trước các nhà sản xuất đã rục rịch đưa độ phân giải 2K lên màn hình smartphone, và đến năm ngoái thì Sony thậm chí còn đưa màn hình 4K lên Z5 Premium. Nói điều này là lố bịch là bởi các phép tính phút-góc đơn giản đều chỉ ra rằng màn hình 1080p đã là đủ sắc nét trong toàn bộ các điều kiện sử dụng hợp lý nhất. Để cảm nhận được "thành tựu" 2K trên Galaxy S6 hay Lumia 950, bạn sẽ phải dí sát mắt vào màn hình, còn để nhận thấy sự ưu việt của Xperia Z5 Premium bạn chắc chắn sẽ phải sử dụng… kính lúp. Không chỉ có vậy, màn hình độ phân giải cao cũng sẽ tiêu tốn pin hơn, khiến bạn đánh mất thời lượng sử dụng trong khi chẳng đem lại một ích lợi nào cho đôi mắt cả.
Thật may mắn, toàn bộ những vấn đề này sẽ bị bỏ lại phía sau khi các nhà sản xuất chuyển sang một cuộc đua mới: chạy đua camera.
Camera: Muôn vàn hướng phát triển
Trong khi chạy đua chip, RAM và màn hình thường có kết quả được báo trước thì chạy đua camera lại không bị bó hẹp như vậy. Bạn không thể đoán biết được rằng mỗi thế hệ smartphone sẽ có những cải tiến nào so với những thế hệ trước đó.
Lý do dẫn đến điều này là bởi camera không bị bó hẹp bởi một vài thông số cố định như các link kiện khác. Ví dụ, khi so sánh SoC di động bạn sẽ nhắc tới xung nhịp và số nhân, khi so sánh RAM bạn sẽ nhắc tới dung lượng (yếu tố xung nhịp hay công nghệ RAM gần như không bao giờ được quan tâm).
Camera thì ngược lại. Trước đây, khi hiểu biết nói chung về công nghệ vẫn còn thấp, các nhà sản xuất vẫn thường chạy đua số "chấm" (megapixel) trên cả cảm biến máy ảnh dung lượng lẫn smartphone. Thế nhưng, ngày nay, ngày càng nhiều người dùng hiểu được rằng độ phân giải không phải là yếu tố duy nhất quyết định cho chất lượng ảnh chụp. Kích cỡ cảm biến, kích cỡ pixel, tiêu cực, công nghệ flash cùng rất, rất nhiều yếu tố khác sẽ quyết định khả năng chụp thiếu sáng, độ chính xác của màu sắc, góc chụp, cho phép "chất lượng ảnh chụp" phát triển theo nhiều hướng.
Vậy nên, khác với các link kiện smartphone khác, chẳng có giới hạn nào để các nhà sản xuất ngừng sáng tạo trên smartphone cả. Nokia sẵn sàng hi sinh ngoại hình để tạo ra khối "gù" PureView được trang bị trên nhiều mẫu Lumia đầu bảng, trong đó đáng chú ý nhất là Lumia 1020 với cảm biến có kích cỡ lên tới 2/3 inch, độ phân giải 41MP cũng như khả năng chống rung quang học mà các nhà sản xuất Android phải mất tới 2 năm sau mới có thể phổ cập. HTC thì lại đi theo hướng khá trái khoáy: giữ nguyên kích cỡ cảm biến so với các đối thủ nhưng lại tăng gấp đôi kích cỡ pixel (cũng là kích cỡ photosite) để tăng khả năng chụp ảnh thiếu sáng với Ultrapixel.
Đến năm nay, Samsung vẫn theo đuổi cuộc chiến chụp ảnh thiếu sáng xưa cũ với một ý tưởng rất mới mẻ: tách mỗi pixel trở thành 2 diode ảnh để lấy nét theo pha. Kết quả là Galaxy S7 không chỉ chụp thiếu sáng tốt hơn mà còn ít bị mờ hình hơn và thậm chí là lấy nét ở tốc độ áp đảo so với các đối thủ cạnh tranh. Dual Pixel của Galaxy S7 tiến hơn hẳn một bậc so với công nghệ Focus Pixel được Apple ra mắt trên iPhone 6, nhưng cuộc đấu chụp ảnh thiếu sáng vẫn sẽ chưa ngã ngũ khi HTC đưa UltraPixel trở lại làm camera chính của One M10. Camera UltraPixel của năm nay được dự kiến sẽ có độ phân giải lên tới 12MP, giúp giải quyết những lời chỉ trích trước đây trên One M7 và One M8 nhưng vẫn đảm bảo mang lại những bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt nhất.
Tuy vậy, có lẽ cả UltraPixel lẫn Dual Pixel đều không gây bất ngờ bằng ý tưởng "camera kép" thú vị, đem đến cho người dùng cả khả năng chụp ảnh thường lẫn chụp góc rộng. Đây là một hướng phát triển hoàn toàn mới lạ, bởi cảm biến camera thì luôn bị giới hạn bởi khẩu độ (cũng như các yếu tố phần cứng khác) đã được đặt "cứng" ngay từ khâu sản xuất. Chỉ riêng LG là thẳng tay loại bỏ hẳn giới hạn đó bằng cách trang bị tới 2 cảm biến để người dùng có thể sử dụng trong gần như toàn bộ các trường hợp sử dụng có thể nghĩ tới.
Bên cạnh thiết kế module, camera kép cũng là một lý do giúp cho LG G5 trở thành chiếc smartphone thu hút nhiều sự chú ý nhất tại MWC năm nay.
Cũng theo hướng camera kép nhưng không phải là 2 camera riêng là iPhone 7. Theo các tin rò rỉ, iPhone 7 sẽ sử dụng công nghệ camera "ghép" của Linx, một startup được Apple mua lại vào năm ngoái. Bằng cách kết hợp 2 camera 4MP, Linx có thể tạo ra một bức ảnh 8MP có chất lượng vượt trội hơn hẳn thông thường. Bên cạnh chất lượng ảnh chụp, công nghệ này còn giúp cho smartphone giảm đáng kể độ dày – một tiêu chí chắc chắn là quan trọng với Apple.
Bạn sẽ không thể dự đoán được các nhà sản xuất sẽ tiếp tục ra mắt những công nghệ camera sáng tạo độc đáo nào nữa, nhưng đáng mừng là cuộc đua camera cũng đã mang lại một số tiêu chuẩn chung cho làng smartphone đầu bảng, ví dụ như HDR, camera trước góc rộng 5MP, khả năng lấy nét theo pha và đáng chú ý nhất là chống rung quang học. Công nghệ vốn được Nokia tiên phong này giờ đây đã trở nên phổ biến trên cả smartphone cao cấp từ các hãng lớn như Sony và Samsung lẫn các thương hiệu vốn gắn liền với phân khúc cấp thấp đến từ Trung Quốc như OPPO và Xiaomi. Với công nghệ này, các điểm yếu cố hữu của nhiếp ảnh di động như chụp chuyển động và chụp thiếu sáng đều sẽ được khắc phục đáng kể, cho phép mở rộng tối đa khả năng sử dụng của camera trên smartphone.
Mở đường tới tương lai
Một điểm quan trọng khác của cuộc đua camera là tiềm năng dành cho tương lai, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là chiếc LG G5. Chiếc smartphone này hiện mới chỉ có thể mở rộng qua DAC và tay cầm hỗ trợ chụp ảnh, nhưng nếu như LG tìm được cách để G5 (hoặc G6, G7 v…v…) có thể kết hợp với các module camera độc lập, có zoom quang học hoặc có hỗ trợ 3D thì tương lai sẽ là không giới hạn.
Ngay cả khi không có tính module thì camera trên smartphone vẫn là cánh cửa dẫn tới tương lai của thế giới công nghệ. Trong khi các linh kiện khác như CPU và màn hình được sử dụng chủ yếu để tiêu thụ nội dung thì camera lại là thiết bị được sử dụng để sản xuất nội dung, và rõ ràng là chất lượng ảnh/video hiện tại vẫn cần phải được cải thiện đáng kể để bắt kịp các trào lưu như 4K, thực tại ảo (VR) hay smarthome. Hiện nay, các tính năng này, mà đặc biệt là VR đều đang phụ thuộc vào phụ kiện, nhưng chắc chắn chúng sẽ trở nên phổ cập hơn rất nhiều nếu như được tích hợp thẳng vào smartphone. Tất cả các hãng phần mềm, dịch vụ dữ liệu lớn như Microsoft, Google và Facebook đều muốn VR trở thành loại hình nội dung số phổ biến nhất của tương lai, và điều này chỉ có thể xảy ra khi, ví dụ Xperia X Performance 3 và LG G7 đã có sẵn Xperia Eye hay LG 360 Cam bên trong thân máy.
Bên cạnh đó, các công nghệ bảo mật sinh trắc học, trí thông minh nhân tạo và Big Data cũng đang tiếp tục bùng nổ. Chìa khóa chinh phục các công nghệ này vẫn là dữ liệu mà đặc biệt là dữ liệu hình ảnh: đến một ngày nào đó, Microsoft sẽ phân tích chính xác bạn bao nhiêu tuổi và… giống loài chó nào nhất, miễn là bạn cung cấp cho gã khổng lồ phần mềm những bức ảnh dung lượng lớn, rõ từng đường nét trên khuôn mặt bạn. Smartphone là loại máy ảnh phổ biến nhất thế giới, và bởi vậy bộ phận camera trên chiếc điện thoại của bạn cũng sẽ là nguồn sống để trả lời những câu hỏi này, cùng lúc giúp cho Internet of Things trở nên thông minh hơn.
Nhưng bất kể tương lai sẽ như thế nào thì sự thật vẫn là: người tiêu dùng chắc chắn sẽ cần tới bộ phận camera trên smartphone. Phần đông trong số họ thích sử dụng camera. Cuộc cách mạng di động đã diễn ra đủ lâu để smartphone trở thành một vật dụng bình thường, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng cũng hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của họ. Chắc chắn, nhiều người đã nhận ra rằng họ có thể sống sót với vi xử lý "hạng hai" hay màn hình 1080p, nhưng không thể sống thiếu Facebook, Instagram hay Flickr – nơi họ khoe khoang những khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật. Điều này đảm bảo cho camera nắm vững vị trí quan trọng nhất trên chiếc smartphone của tương lai.
Cũng bởi vậy mà trong năm nay, các tên tuổi smartphone lớn nhất đều đã và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào camera trên smartphone. LG có camera kép, Xiaomi vượt mặt công nghệ chống rung 3 trục của OPPO bằng công nghệ chống rung 4 trục còn Samsung có Dual Pixel để lấy nét siêu tốc. 9 tháng còn lại của năm 2016 cũng hứa hẹn nhiều thú vị khi Apple có thể sẽ ra mắt camera Linx và HTC ấp ủ camera UltraPixel tới 12MP, tức là vừa đảm bảo độ sắc nét vừa đảm bảo khả năng chụp thiếu sáng tuyệt vời.
Nói tóm lại, vi xử lý hay bộ nhớ "khủng" đã nhường đường cho camera. Theo đuổi cuộc đua camera là theo đuổi một cuộc đua giàu tính sáng tạo, giàu khả năng tách biệt với số đông và quan trọng nhất là đánh trúng vào một nhu cầu rất thực tế và phổ biến của người tiêu dùng. Khi Apple ra mắt iPhone 7 vào tháng 9 sắp tới, bạn có thể thoải mái bỏ qua những gì Tim Cook và Phil Schiller nói về chip A10 hay màn hình Retina. Thay vào đó, hãy chờ đợi những bất ngờ thú vị trên iSight thế hệ mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming