Chi phí linh kiện đắt đỏ và những hạn chế do Apple tạo ra trong quá trình sửa chữa là lý do khiến cho việc thay thế màn hình iPhone 11 là một điều cực kỳ tối kỵ.
Một trong những hỏng hóc phần cứng thường gặp nhất ở smartphone ngày nay chính là màn hình. Là một miếng kính mỏng manh, người dùng có thể dễ dàng làm vỡ màn hình smartphone chỉ bằng một lần làm rơi, hay một cú va đập. Hiển nhiên khi màn hình bị vỡ, người dùng chỉ có một cách duy nhất là thay thế màn hình mới.
Đây là một việc tương đối dễ dàng về mặt quy trình, bởi lẽ cửa hàng sửa chữa điện thoại nhan nhản ở Việt Nam, và một người thợ lành nghề chỉ cần mất khoảng 10-15 phút là có thể thay thế xong màn hình của một chiếc iPhone. Thế nhưng, cái khó là về mặt chi phí: thay màn hình iPhone, đặc biệt là các dòng đời cao (X/Xs/11 Pro) với màn hình OLED là cực kỳ cao. Ví dụ, để thay màn hình cho một chiếc iPhone Xs Max, người dùng sẽ phải mất khoảng 6 triệu đồng - một khoản tiền rõ ràng là không nhỏ.
Một chiếc iPhone Xs Max bị vỡ màn hình (Ảnh: TechSmart)
Chỉ riêng lý do trên đã khiến cho người dùng muốn bảo vệ kỹ càng hơn cho chiếc iPhone của mình để tránh tình trạng rơi vỡ xảy ra. Thế nhưng trên iPhone 11, iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max, người dùng sẽ có thêm một lý do cực kỳ quan trọng nữa để làm vậy, và nó là hệ quả của "cuộc chiến" không hồi kết giữa Apple và các bên sửa chữa thứ ba.
2017: Năm Apple bắt đầu gây khó dễ trong việc thay thế màn hình iPhone
Vào năm 2017 khi iPhone 8 và iPhone X ra mắt cũng đánh dấu việc Apple tạo ra những hạn chế đầu tiên cho các bên sửa chữa thứ ba trong việc thay thế màn hình iPhone.
Cụ thể, khi một chiếc iPhone 8/8 Plus/X bị thay thế màn hình bởi bên thứ ba, tính năng True Tone sẽ ngưng hoạt động. True Tone là tính năng tự động điều chỉnh tông màu màn hình dựa trên môi trường bên ngoài, không quá quan trọng khi thiếu vắng nhưng vẫn tạo cho người dùng cảm giác khó chịu. Điều đáng nói là tình trạng này xảy ra ngay cả với màn hình do Apple sản xuất, được bóc tách từ một chiếc iPhone khác.
Apple bắt đầu tạo ra trở ngại cho bên sửa chữa thứ ba trong việc thay thế màn hình iPhone từ năm 2017 (Ảnh: iFixit)
Trong quá trình đi tìm giải pháp khắc phục, các kỹ thuật viên tại Trung Quốc đã phát hiện ra "chiêu trò" mới của Apple. Apple đã gán cho mỗi một màn hình một mã (serial number) độc nhất, và nếu hệ thống phát hiện một màn hình với mã serial number khác được gắn vào, tính năng True Tone sẽ lập tức bị vô hiệu.
Không lâu sau khi tìm được cốt lõi vấn đề, người Trung Quốc đã phát minh ra một chiếc máy copy mã màn hình dành cho iPhone. Nó có khả năng đọc mã serial của màn hình cũ và sau đó ghi mã serial đó vào màn hình mới. Bằng cách này, màn hình mới sẽ có serial trùng khớp với màn hình cũ, và tính năng True Tone sẽ được kích hoạt.
Để tính năng True Tone hoạt động trở lại sau khi thay màn hình iPhone, một chiếc máy hỗ trợ copy mã màn hình là bắt buộc.
Hiện tại, chiếc máy sao chép mã màn hình này đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, và được coi là công cụ "cứu cánh" của các kỹ thuật viên trong quá trình sửa chữa iPhone của khách hàng.
iPhone 11 khiến giới sửa chữa điêu đứng
Trên iPhone 11 series, bên cạnh những nâng cấp phần cứng mà người dùng dễ dàng nhận ra, thì nó còn mang đến những thay đổi nhỏ mà không phải ai cũng biết. Một trong số đó chính là những hạn chế trong việc thay thế màn hình mà Apple tiếp tục tạo ra cho bên sửa chữa thứ ba.
Bên cạnh vấn đề về True Tone ở trên, khi một chiếc iPhone 11 bị thay màn hình, một cảnh báo về việc sử dụng màn hình không chính hãng sẽ xuất hiện ở trên màn hình khoá và trong ứng dụng Cài đặt. Cảnh báo này viết: "Thông báo quan trọng về màn hình: Không thể xác minh rằng iPhone này có màn hình Apple chính hãng."
Thông báo về việc iPhone sử dụng màn hình không chính hãng sẽ xuất hiện kể cả khi chiếc máy đó được thay thế màn hình do Apple sản xuất, được bóc tách từ một chiếc máy khác.
Như đã nói ở trên, kể từ iPhone 8/X, việc sao chép mã serial từ màn hình cũ sang màn hình mới là bắt buộc để tính năng True Tone hoạt động, và iPhone 11 cũng như vậy. Điều đáng nói ở đây là kể cả khi màn hình mới có mã giống hệt màn hình cũ, thông báo về màn hình không chính hãng sẽ vẫn xuất hiện. Và cũng cần nhắc lại rằng: tình trạng này xảy ra ngay cả khi chiếc màn hình được thay thế là màn hình do Apple sản xuất, được bóc tách từ một chiếc máy khác, hay còn có cách gọi dân dã trong giới kỹ thuật là màn hình "zin".
Một chiếc iPhone 11 Pro hiện thông báo về màn hình không chính hãng sau khi thay thế màn hình.
"Hiện tại chưa có giải pháp khả dĩ để thông báo này không hiện ra. Thật ra có cách là chuyển một con IC từ màn hình cũ sang màn hình mới, tuy nhiên cách này rất nguy hiểm và có thể làm hỏng màn hình. Giá màn hình iPhone 11 hiện rất cao nên không ai muốn rủi ro như vậy cả. Kể cả sau này có rẻ hơn, nếu thay màn hình mà phải thêm công đoạn đấy thì cũng không đáng", anh Trường, một kỹ thuật viên sửa chữa cho chúng tôi biết.
Thế nhưng, điều mà anh này và nhiều kỹ thuật viên khác lo ngại hơn cả là phản ứng của khách hàng. "Họ sẽ nghĩ sao nếu như sau khi thay màn hình và thông báo trên hiện lên? Nếu chúng tôi thay màn hình lô (không chính hãng) đã đành, nhưng đằng này thay màn hình bóc từ máy khác sang cũng vẫn dính. Khách hàng sẽ cho rằng chúng tôi đang lừa dối họ, thay cho họ màn hình kém chất lượng với giá cao. Rồi sau đó sẽ lại có tranh cãi, kiện cáo, gây ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của cửa hàng".
"Một thông báo nhỏ như vậy thôi nhưng hoàn toàn có thể khiến cho uy tín của chúng tôi đi tong."
Ở thời điểm hiện tại, do iPhone 11 vẫn còn mới và tỷ lệ máy phải thay màn hình là rất thấp, vậy nên vấn đề trên vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên trong khoảng 1-2 năm tới, khi mà nhu cầu thay màn hình tăng cao, chắc chắn đây sẽ là vấn đề mà cả giới sửa chữa điện thoại lẫn người dùng đều cần lưu tâm.
Đương nhiên, để tránh những phiền phức trên, người dùng có thể mang máy vào những trung tâm sửa chữa chính hãng của Apple. Tuy nhiên, đây không phải phương án được nhiều người lựa chọn bởi (1) giá sửa chữa chính hãng quá cao, (2) thời gian sửa chữa lâu hơn đáng kể và (3) các trung tâm sửa chữa chính hãng của Apple tại VN có quy mô lẻ tẻ, không dày đặc như các cửa hàng sửa chữa bên thứ ba.
Đừng làm vỡ màn hình iPhone 11
Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người làm vỡ màn hình iPhone 11. Bạn sẽ tốn một khoản tiền kha khá để thay màn hình, nhưng rồi những gì bạn nhận lại là một chiếc iPhone liên tục hiển thị thông báo "màn hình không chính hãng". Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị bán lại của chiếc iPhone đó, nhưng quan trọng hơn là nó tạo cho bạn cảm giác khó chịu khi biết mình đang sử dụng một chiếc máy "chắp vá".
Trong lúc giới kỹ thuật vẫn còn đang loay hoay tìm giải pháp, thì lời khuyên duy nhất mà chúng tôi có thể gửi gắm đến người dùng là: hãy giữ gìn chiếc iPhone 11 của bạn thật cẩn thận và đừng để nó rơi vỡ. Dùng ốp lưng và dán màn hình là hai bước cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả.
Nếu bạn không muốn phải trải qua những rắc rối của việc thay màn hình, thì cách tốt nhất là bạn hãy biết bảo vệ chiếc điện thoại của mình
Rõ ràng, việc tránh làm rơi vỡ màn hình là điều mà mọi người dùng điện thoại nên làm chứ không riêng gì iPhone 11. Thế nhưng, với những hạn chế ngặt nghèo mà Apple đang tạo ra trong việc sửa chữa dòng máy này, người dùng càng có thêm lý do để bảo vệ khoản đầu tư của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI