Dùng MONO làm đại sứ thương hiệu, Xiaomi xài đúng chiêu 10 năm trước của OPPO

    Thế Duyệt, Thể Thao & Văn hoá 

    Đại sứ thương hiệu là một phần trong chiến dịch marketing của nhiều nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam, tuy nhiên ở năm 2023, liệu có thật sự cần tới đại sứ thương hiệu để quyết định hành vi mua hàng của người dùng?

    Tại sự kiện ra mắt tổ chức tối ngày 31/3, Xiaomi chính thức giới thiệu bộ đôi sản phẩm Redmi Note 12 series tại thị trường Việt Nam. Dòng sản phẩm mới tập trung vào thiết kế trẻ trung, hiệu năng mạnh mẽ trong phân khúc kèm mức giá hấp dẫn. Đây cũng là cách tiếp cận người dùng của dòng Redmi Note từ trước tới nay.

    Cùng với sự ra mắt của bộ đôi smartphone tầm trung Redmi Note 12, Xiaomi tiếp tục sử dụng chiến lược marketing bằng đại sứ thương hiệu khi chọn ca sĩ MONO, một ca sĩ trẻ mới nổi trong thời gian gần đây để làm đại diện cho dòng sản phẩm Redmi Note mới.

    337847083_3465468847004208_2934741843098745560_n (1).jpg

    Redmi Note 12 series có đại sứ thương hiệu là ca sĩ trẻ tuổi MONO - Ảnh: Xiaomi Việt Nam

    Thực chất đây không phải lần đầu Xiaomi sử dụng chiến lược marketing bằng đại sứ thương hiệu. Gần đây nhất, khi Xiaomi 12T và 12T Pro ra mắt, ca sĩ MIN cũng được Xiaomi mời làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm này, hay như Xiaomi 12 Lite ra mắt vào năm ngoái cũng sử dụng hình ảnh của Hoa hậu Mai Phương để quảng bá sản phẩm.

    Tuy vậy, ở năm 2023, việc sử dụng hình ảnh đại sứ thương hiệu có thực sự cần thiết để khiến sản phẩm bán chạy hơn hay không?

    Dùng lại chiêu marketing của OPPO

    Đối với mục đích quảng cáo thương hiệu, việc sử dụng đại sứ thương hiệu là một lựa chọn hợp lý. Đại sứ thương hiệu là những cá nhân hoặc nhóm người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đến đông đảo người tiêu dùng. Bằng cách kết hợp hình ảnh và giá trị của đại sứ thương hiệu với sản phẩm, nhà sản xuất có thể tạo ra một chiến dịch quảng cáo tối ưu và thu hút được sự chú ý của khách hàng tiềm năng.

    Năm 2013, OPPO lần đầu ra mắt smartphone đầu tiên tại Việt Nam là Find 5. Khi ấy Sơn Tùng M-TP đang là một hiện tượng trong giới trẻ và được OPPO mời về làm đại diện thương hiệu cho dòng điện thoại tầm trung của hãng kể từ năm 2014.

    Dùng MONO làm đại sứ thương hiệu, Xiaomi xài đúng chiêu 10 năm trước của OPPO - Ảnh 2.

    OPPO Neo3 có đại sứ thương hiệu là Sơn Tùng M-TP ở năm 2014 - Ảnh: Internet

    Dùng MONO làm đại sứ thương hiệu, Xiaomi xài đúng chiêu 10 năm trước của OPPO - Ảnh 3.

    Nhắc tới OPPO là không thể không nhắc tới Sơn Tùng M-TP giai đoạn những năm 2015 - 2021. Sơn Tùng M-TP trở thành đại sứ cho dòng điện thoại chuyên selfie của OPPO - Ảnh: Internet

    Sử dụng đúng "idol giới trẻ" bấy giờ, kết hợp với tập người dùng đông đảo và chịu chi là giới trẻ, OPPO đã cực kỳ thành công trong việc phổ biến thương hiệu mình bằng cách sử dụng hình ảnh của Sơn Tùng M-TP, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng của sản phẩm nói chung.

    Thực chất, OPPO không phải là nhà sản xuất tiên phong việc sử dụng đại sứ thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Trước đó vào năm 2013, HKPhone tuyên bố ca sĩ Đan Trường là đại sứ thương hiệu của mình, thời điểm mà OPPO mới chỉ chập chững bước chân vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chiến dịch marketing này của HKPhone không tạo nên được hiệu ứng mạnh giống như khi OPPO hợp tác cùng Sơn Tùng.

    Dùng MONO làm đại sứ thương hiệu, Xiaomi xài đúng chiêu 10 năm trước của OPPO - Ảnh 4.

    Ca sĩ Đan Trường được "chứng nhận" đại sứ thương hiệu của HKPhone năm 2013, tuy nhiên không gây được tiếng vang như OPPO sử dụng hình ảnh của Sơn Tùng M-TP đánh mạnh vào phân khúc giới trẻ - Ảnh: Internet

    Ở những năm gần đây, việc sử dụng hình ảnh của các ca sĩ hay sao hạng A làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm không còn được các nhà sản xuất ưa chuộng nhiều. Bản thân OPPO cũng đã không còn sử dụng hình ảnh của ca sĩ Sơn Tùng M-TP nữa sau scandal của MV "There's No One At All", hay thậm chí là bất cứ hình ảnh của sao hạng A nào.

    Người dùng giờ chỉ tin vào trải nghiệm thật

    Nếu như ở khoảng thời gian 8 - 10 năm về trước, việc sử dụng đại sứ thương hiệu mang lại hiệu quả nhất định thì thời điểm năm 2023, các hãng smartphone khó có thể đạt được hiệu quả tương tự nhờ vào việc sử dụng hình ảnh của các ngôi sao hạng A.

    Nguyên nhân chủ yếu tới từ nhận thức và kiến thức về công nghệ của người dùng ngày một trau dồi nhiều hơn, họ am hiểu hơn về các sản phẩm công nghệ mà họ đang chuẩn bị mua, đặc biệt là phân khúc người dùng trẻ, vốn được Xiaomi và OPPO tập trung mạnh. Do đó thay vì lựa chọn smartphone theo đại sứ thương hiệu, người dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn dựa trên trải nghiệm, có thể là bản thân họ được trải nghiệm trước khi mua, hoặc ít nhiều từ đánh giá của những người dùng khác, thậm chí cả reviewer chân thực.

    Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chiến lược marketing bằng đại sứ thương hiệu không mang lại hiệu quả, thay vào đó chiến lược này mang lại được hiệu quả nhất định ở thời gian đầu giới thiệu sản phẩm. Việc sử dụng hình ảnh của các sao hạng A quảng bá sản phẩm sẽ giúp người dùng chú ý hơn tới sản phẩm mà hãng muốn tập trung, nhưng sẽ khó ảnh hưởng tới hành vi và quyết định mua hàng của người dùng nói chung.

    338896876_711341654103352_1415311122184026824_n.jpg

    Sử dụng đại sứ thương hiệu là cách marketing khiến người dùng chú ý tới sản phẩm một cách hiệu quả nhất - Ảnh: Xiaomi Việt Nam

    "Người thật, trải nghiệm thật" đang là một xu hướng mới trong thời gian qua, khi người tiêu dùng có xu hướng chủ động lựa chọn sản phẩm mình cần dựa trên trải nghiệm thực tế, thay vì "được định hướng" như trước đây. Rõ ràng đây là một xu hướng có lợi cho người tiêu dùng khi nó cho chúng ta biết được đâu là sản phẩm mà chúng ta thật sự cần, và chúng ta cần gì ở một sản phẩm công nghệ. Xu hướng này áp dụng chung cho toàn thị trường chứ không riêng gì ở lĩnh vực smartphone.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ