Đừng quên rằng trong năm nay Samsung đã tạo ra một tượng đài mới về thiết kế

    Lê Hoàng,  

    Những vụ nổ tai hại đã khiến chúng ta quên đi một sự thật quan trọng về Galaxy Note 7: ấn tượng tốt đẹp mà chiếc phablet này nhận được từ báo giới đã chứng minh rằng thị trường luôn có chỗ cho những trải nghiệm mới mẻ, đặc biệt và thú vị hơn trước.

    Khi đến Singapore vào thời điểm cách đây 3 tháng, tôi chợt nhận ra rằng trên những chiếc tàu điện chật ních của giờ cao điểm, tìm ra được một chiếc Galaxy S6 hay Galaxy S7 là gần như không thể. Lý do không phải là do Samsung đang thua kém Apple hay bất cứ một đối thủ nào khác tại Đảo Quốc Sư Tử mà là hoàn toàn ngược lại: người dân tại đây rất thích dùng các sản phẩm dòng Edge của Samsung như S6 edge hay S7 edge.

    Trở về Việt Nam, tôi dành ra một chút thời gian để chú ý tới những chiếc smartphone đầu bảng mà bạn bè mình hay cầm. Sự thật lại một lần nữa khiến tôi ngạc nhiên: người ta chuộng S6 edge và S7 edge hơn là các phiên bản màn hình phẳng "loại thường".

    Câu hỏi là "Tại sao?"

    Là một người "sống" bằng iPhone nhưng vẫn sử dụng song song điện thoại của nhiều hãng Android, tôi vẫn không thực sự nhận thấy lợi ích của màn hình cong vát trên các sản phẩm dòng Edge của Samsung. Cuối cùng thì xét về mặt tiện lợi trong trải nghiệm sử dụng thực tế, màn hình phẳng vẫn là thừa đủ - nói cách khác, nhiều người vẫn sẽ ưa thích trải nghiệm của S7 "thường" hay Note 5.

    Nhưng xét về giá trị tinh thần trong trải nghiệm sử dụng và sở hữu, màn hình cong vát nhẹ ở hai cạnh thực sự mang đến rất nhiều điều mới mẻ. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng lướt web hay xem phim trên màn cong không thích mắt hơn là xem trên màn phẳng song thực tế là trải nghiệm đó vẫn có một chút gì đó "hay ho" rất khó diễn tả. Cảm giác này cũng giống như một bộ loa có chất âm đặc biệt hay một món ăn sử dụng gia vị lạ lùng: một khi bạn đã quen mắt với màn cong, bạn sẽ không muốn trở lại màn thường.

    Đây không phải là lần đầu tiên Samsung mang đến những trải nghiệm có thể gây tranh cãi về mặt tính năng nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận hết sức tích cực. 5 năm trước, khi ra mắt dòng Note gã khổng lồ Hàn Quốc đã nhanh chóng gặp phải nhiều lời chỉ trích, trong đó phổ biến nhất có lẽ là "cồng kềnh thế kia thì làm sao nhét... túi quần được?". Bên cạnh đó, là người sở hữu Note 3 trong một thời gian dài, tôi đi đến một kết luận rằng chiếc bút stylus S Pen không phải là một yếu tố tiên quyết cho một trải nghiệm dễ dàng, tiện lợi trên mẫu phablet 2013 của Samsung.

    Ấy vậy nhưng chiếc Note 3 vẫn là một trải nghiệm thú vị hơn trải nghiệm phablet không có stylus. Không có bút có lẽ sẽ là "Chẳng sao!" với 90% người dùng, nhưng có thêm một chiếc bút để hý hoáy ghi chú hoặc... vẽ bậy những lúc rảnh rỗi cũng vui lắm chứ.

    Và vào năm 2011 – cũng là khi tablet chưa hết thời, hàng triệu người dùng vẫn đã đi đến quyết định rằng họ có thể chấp nhận mang theo mình một chiếc smartphone cồng kềnh để đổi lấy một trải nghiệm lướt web, xem phim ấn tượng trên tàu xe, trong phòng chờ hoặc tại... văn phòng làm việc. Phablet thực sự trở thành trào lưu, đến mức mà cả một Apple đã từng nói "không bao giờ" với màn hình lớn cuối cùng cũng phải theo chân Samsung ra mắt smartphone 5.5 inch và rồi... bước lên đỉnh cao vốn hóa.

    Nhìn từ Samsung sang Apple hay đồng hương LG, bạn sẽ thấy có rất nhiều trường hợp fan của các hãng này đang chạy theo những trải nghiệm mới, thú vị hơn nhưng cũng không thể nói là hoàn hảo hay đột phá về mặt tính năng. Apple sau khi nhận ra trào lưu tablet đã chấm dứt đã bỗng dưng ra mắt một dòng máy tính bảng có hỗ trợ bút stylus ở mức giá cao chót vót và... bất ngờ thành công: theo số liệu thống kê, trong nửa quý đầu tiên ra mắt iPad Pro đã bán ra được 2 triệu máy. Hiển nhiên, khi nhắc đến iPad Pro chẳng có tín đồ công nghệ nào không liên tưởng ngay đến dòng Note và NotePro của Samsung cả.

    Còn LG sau thất bại thảm hại của G4 đã ra mắt một dòng smartphone có một dải màn hình phụ nhỏ xíu và bộ phận âm thanh cao cấp (cụ thể hơn là chip DAC chất lượng cao). Thực tế thì chẳng có một chiếc smartphone nào thực sự cần màn hình phụ và âm thanh cao cấp cũng là một lĩnh vực cực kỳ... ít người quan tâm. Trong số 500 anh em bạn bè đồng nghiệp của tôi thì giỏi lắm được 10 người thực sự hiểu "DAC" là cái gì, số còn lại cứ bảo tai nghe/thiết bị âm thanh nào "hay" thì họ cũng công nhận là "hay". Ấy vậy mà điểm mạnh của V10 vẫn được ghi nhận, và đến năm nay LG vẫn ra mắt tiếp V20 và nhiều nhà sản xuất khác như Samsung

    Tại sao V20 lại có thể coi là minh chứng của thành công của V10? Nếu bạn nhìn vào những chiếc smartphone cao cấp không đóng vai trò đầu bảng truyền thống, bạn sẽ nhận ra một nguyên tắc đơn giản: nếu chúng không bán chạy thì sẽ không có thế hệ kế tiếp. 3 năm trước LG đã ra mắt Optimus G Pro và G Pro 2 để làm bạn đồng hành với Optimus G và G2, nhưng cho đến nay G Pro 3 vẫn chưa thấy tăm tích đâu cả. Sony không làm mới dòng Z Compact một cách đều đặn và cũng đã khai tử dòng Ultra sau... 1 thế hệ, còn dòng HTC đầu bảng thì đến nay cũng chẳng còn Mini hay Max.

    Chính Samsung là người hiểu rõ điều này hơn ai hết khi một loạt những chiếc Galaxy Note Edge, S4 Zoom hoặc Galaxy Round đều không có hậu duệ. Thực tế, sau trải nghiệm Galaxy Round khá bất tiện, khi S6 edge ra đời tôi đã nghĩ đây cũng sẽ là một sản phẩm mang tính thử nghiệm và không có giá trị khai thác lâu dài.

    Nhưng rõ ràng là tôi đã sai. Dường như những chiếc smartphone màn hình cong vát là tiêu chuẩn mới của các dòng Galaxy cao cấp. Trên những chuyến tàu Singapore và trên mạng xã hội cá nhân, tôi thấy những chiếc S6, S6 edge và S6 edge xuất hiện đông đảo hơn S6 rất nhiều.

    Sự khác biệt căn bản giữa thiết kế Edge và các thiết kế thử nghiệm trước đó của Samsung nằm ở chỗ Samsung đã tìm ra được điểm cân bằng cực kỳ hợp lý giữa sự thú vị mới mẻ và tính thực tiễn. Màn hình cong vẫn có nét "lạ lùng" so với smartphone đầu bảng màn phẳng thông thường nhưng cũng không gây quá nhiều bất tiện như ống kính to đùng gắn trên lưng S4 Zoom, màn hình vát lệch hẳn một bên của Note Edge hoặc thân cong... veo của Galaxy Round và G Flex.

    Lẽ ra, năm nay đã là năm của Samsung khi gã khổng lồ Hàn Quốc ra mắt chiếc Note7 vừa hỗ trợ stylus, vừa có màn hình hơi cong theo chiều hướng của dòng Edge hơn là dòng Note truyền thống (dù chưa cong hẳn như Edge). Đã từ lâu, dòng sản phẩm Note là trải nghiệm cao cấp nhất, thú vị nhất của gia đình Galaxy và đến năm nay thì trải nghiệm đó đã được gia tăng thêm tính năng "hot" nhất: màn hình vát cạnh. Chỉ tiếc rằng Note7 đã không may mắn gặp sự cố cháy nổ buộc Samsung phải thu hồi máy, nhưng quy mô của đợt thu hồi lên tới 2,5 triệu máy có lẽ cũng nói lên phần nào về sức hấp dẫn của phiên bản Note hoàn thiện nhất từ trước đến nay.

    Nhưng có cháy nổ hay không thì từ Galaxy Note, S6 edge cho đến Note7, Samsung cũng đã chứng minh được một nguyên tắc quan trọng về thị trường người tiêu dùng: các tín đồ công nghệ sẽ luôn chạy theo những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn. Điều đó không có nghĩa rằng bất kỳ một trải nghiệm mới nào cũng sẽ thành công và cũng không đảm bảo mang đến mức độ tiện lợi vượt trội hơn những trải nghiệm cũ, song miễn là các nhà sản xuất có thể cân bằng giữa sáng tạo và nhu cầu thực tế của người dùng, họ sẽ tìm được thành công từ những thiết kế tưởng như có thể... thất bại bất cứ lúc nào.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ