Xin chia buồn với những tín đồ của dòng thực phẩm tự nhiên nhưng quả thực, cái mác đó không hề nói lên điều gì cả.
Khi đã quá chán ngán những loại thực phẩm chứa đầy chất hóa học độc hại được báo đài ra rả khuyến cáo, hẳn bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng tìm được một sản phẩm gần gũi với thiên nhiên nhờ dòng chữ "Đến từ thiên nhiên" hoặc "Hoàn toàn tự nhiên" trên bao bì. Nhưng đợi đã! Liệu những cái mác đó có đáng tin đến vậy?
Ngập tràn trước mắt chúng ta là những gói mỳ Ý phô mai chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên, gói kẹo chocolate chế biến từ các thành phần trong thiên nhiên, cho tới chai nước hoa quả thơm lừng mùi trái cây tự nhiên… Thử hỏi ai không lấy làm an tâm trước những lời đảm bảo đầy sức nặng đến từ 2 chữ “Tự nhiên” bé nhỏ ấy?
Thế nhưng, hãy bình tâm chấp nhận sự thật cay đắng sau đây. Sự hiện diện của từ “tự nhiên” trên các loại thực phẩm bạn mua thực chất chỉ có hàm ý duy nhất rằng: Các nhà sản xuất muốn món đồ này trở nên "ăn khách" nhất có thể, không cần biết nó có thật sự tự nhiên hay không. Bất chấp hàng ngàn đoạn quảng cáo rầm rộ nảy nở từ cụm từ hái ra tiền này, đây vẫn là một khái niệm... vô nghĩa khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới đây vừa từ chối việc định nghĩa chính xác cụm từ "tự nhiên" trên các mặt hàng thực phẩm.
Tháng 11/2015, tổ chức này đã có một động thái khá kỳ lạ khi đưa một đoạn thông báo ngắn lên trang web. Theo đó, họ đề nghị người tiêu dùng gửi những định nghĩa của chính họ về khái niệm “thực phẩm tự nhiên”. FDA còn chưa hết gây ngạc nhiên khi thông báo gia hạn thời gian gửi câu trả lời đến tháng 5/2016 thay vì vào cuối năm 2015 như đã nói từ trước. FDA giải thích, họ muốn tiếp tục lắng nghe và thu nhận những định nghĩa hợp tình hợp lý nhất về khái niệm gây nhiều tranh cãi này nhằm đưa ra một kết luận xác đáng nhất có thể.
Về lý do vẫn bỏ lửng khái niệm “tự nhiên” trong phân loại thực phẩm, một đại diện từ FDA giải thích: “Tất cả những loại thực phẩm đóng gói đều phải trải qua nhiều quá trình sơ chế và vì vậy, không còn là sản phẩm nguyên chất đến từ tự nhiên”. Phải nói rằng, phát ngôn này đã là quá đủ để đánh thức những người tiêu dùng đang ngày một “lậm” cái mác tự-nhiên-một-cách-nhân-tạo hiện đang nhan nhản trên thị trường.
Trên thực tế, chính cái bẫy “tự nhiên” này sẽ khiến không ít người sa lưới khi có khả năng đính kèm vớimọi loại thực phẩm có trên thị trường, nhằm chiếm trọn cảm tình của những người tiêu dùng cả tin. Đó chính là lý do những công ty sản xuất bánh kẹo luôn rất tự tin quảng cáo về thành phần trái cây "tự nhiên" bên trong chiếc bánh chứa 99% đường hóa học. Hoặc cũng có thể lý giải tại sao các hãng nước ngọt như 7-Up lại tự tin tuyên bố những sản phẩm nước ngọt của họ đều được tạo ra từ những thành phần hoàn toàn tự nhiên, cho dù bên trong thứ nước đó chẳng có gì ngoài nước, hương liệu và đường hóa học. Cộng thêm đoạn phim quảng cáo đầy thuyết phục mô tả cảnh thu hoạch “cây 7-Up” để chế ra thứ nước giải khát ngon lành, 7-Up đã hoàn toàn khiến người tiêu dùng tin “sái cổ” mặc dù vẫn biết đây toàn là... chuyện hoang đường.
Rõ ràng không hề có một định nghĩa chính xác về cụm từ “tự nhiên” trên bao bì thực phẩm. Tuy nhiên, chính niềm tin mơ hồ trong mỗi người tiêu dùng đã khiến họ tự dựng nên một khái niệm “thực phẩm tự nhiên” đầy tốt đẹp và đáng tin. Xét về lâu dài, đây chính là tiền đề mở ra một cánh cửa mới cho nghệ thuật đặt tên bao bì thực phẩm nhằm chiều lòng mọi khách hàng khó tính nhất. Và tỉnh táo mà nói, cái mác “tự nhiên” này đơn giản chỉ là lời nhắn: “Thực phẩm tự nhiên sẽ trở thành mọi thứ bạn muốn”.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyến cáo, từ này chỉ nên được dùng cho các sản phẩm trứng hoặc thịt tươi. Điều đó có nghĩa, bên trong miếng thịt đó không có bất cứ một thành phần tẩm ướp nào khác ngoài thịt. Nhưng hãy thử nghĩ xem, 100% thịt liệu đã đủ an tâm? Liệu miếng thịt đó đến từ đàn bò được nuôi thả khỏe mạnh trong trang trại hay từ những con bò được nuôi bằng… kháng sinh?
Thực chất, từ này là nhằm thông báo sản phẩm này chưa từng trải qua bất kỳ quá trình kiểm nghiệm bằng hóa học nào. Ngoài ra, những sản phẩm “tự nhiên” thường có tuổi thọ ngắn bởi không có sự can thiệp của các hóa chất bảo quản, nhờ vậy dễ có nguy cơ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Hay một ví dụ khác, nhiều sản phẩm snack hay đồ ăn nhanh thường được người dùng mặc định là hoàn toàn tự nhiên khi nhà sản xuất khéo léo lách luật với những cụm từ “không chất bảo quản” hay “không chất tạo mùi, tạo màu”. Dẫu vậy, ai cũng biết rằng những miếng gà rán đó hoàn toàn chẳng tốt lành gì với vô số chất béo chuyển hóa (Trans fat) cực kỳ có hại cho sức khỏe.
Có lẽ FDA cuối cùng đã hiểu người tiêu dùng nghĩ gì khi đứng trước một mặt hàng thực phẩm dán mác “tự nhiên”. Cho dù tổ chức này chưa xác nhận mục đích của thông tin họ mới công bố, nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng, chính họ mới là những người đủ sức kết thúc triều đại của dòng chữ “tự nhiên” đầy quyền lực đã và đang làm mê muội người tiêu dùng bao lâu nay.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming