Duolingo: Từ một startup thua lỗ, CEO không màng doanh thu đến đế chế thay đổi ‘cuộc chơi’ học ngoại ngữ trực tuyến
Duolingo, ứng dụng được cho là cực 'chăm' nhắc người dùng học bài, nổi tiếng với tôn chỉ 'không quảng cáo, không phí ẩn, không đăng ký, chỉ miễn phí'.
- Ngộ nhận của Mark Zuckerberg: Nhầm tưởng công nghệ ngôn ngữ sẽ thay đổi thế giới, trợ lý ảo ‘chết yểu’ sau 3 ngày vì ‘nói không thành có’
- Cộng đồng CNTT tranh luận về sự thất thế của Java trước các ngôn ngữ lập trình hiện đại
- Thí nghiệm của Pharaoh Ai Cập cổ đại: Không dạy trẻ sơ sinh nói chuyện, liệu chúng có thể tạo ra ngôn ngữ mới không?
- Tương tự với ngôn ngữ của con người, nấm có thể phát tín hiệu với nhiều từ vựng để 'nói chuyện' với nhau
- Ngôn ngữ của những bộ xương và những điều thú vị chưa biết
Sau bữa tối ngày 23/8, Tobi Fondse mở điện thoại truy cập vào ứng dụng Duolingo. Ông nói mình đang học tiếng Pháp, với mong muốn có thể đến thủ đô Paris và phát âm chuẩn chỉ như người bản địa từ “bánh sừng bò” thay vì chỉ chỏ và mô tả chúng bằng ngôn ngữ cơ thể với người bán hàng.
Ông đã dùng thử Babbel, Busuu và một số ứng dụng ngôn ngữ khác nhưng thích Duolingo hơn cả vì tính thú vị của các bài học. Ông và vợ, bà Marisa, đã học trong hơn 400 ngày liên tục, qua đó trở thành hai trong số những người dùng trả phí tận tâm nhất của Duolingo.
“Tôi cực kỳ nghiêm túc với việc học tiếng Pháp,” ông tâm sự.
Tuy nhiên, mở ứng dụng vào buổi tối hôm đó, Tobi Fondse phát hiện ra định dạng các bài giảng đã bị thay đổi. Trên màn hình, biểu tượng của Duolingo, một con cú hoạt hình màu xanh lá cây vui vẻ có tên “Duo”, hiện lên kèm thông báo mới: Thay vì tự chọn các bài học, chẳng hạn như ghép từ vựng, nghe truyện ngắn…, người dùng sẽ được yêu cầu đi theo một lộ trình định sẵn, từ bài này sang bài khác. Duolingo theo đó không giống như một trò chơi nữa. Nó giống bài tập về nhà hơn.
Ông Fondse không thích điều này. Ông nhận ra từ bây giờ, mình sẽ luôn phải làm theo những gì Duolingo nói. Quá buồn bực, người đàn ông 50 tuổi quyết định tạo một tài khoản Twitter có tên @Duo_is_sad kèm theo một bản kiến nghị yêu cầu công ty cân nhắc lại về chính sách mới.
Thế nhưng, không có bất kỳ thứ gì thay đổi cả, bất chấp làn sóng phản ứng dữ dội và ồn ào lan rộng khắp Twitter và Instagram. Công ty sau đó cho đóng cửa các diễn đàn người dùng trên trang web sau nhiều năm hoạt động. Mọi thứ thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn khi Luis von Ahn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Duolingo, công khai khẳng định trên sóng truyền hình “tôi không thích thay đổi”.
Sự tức giận cuối cùng đã lan sang cả tài khoản TikTok của Duolingo - nơi 5 triệu người theo dõi đổ xô đến chế nhạo các Giám đốc điều hành. Đại diện quản lý phương tiện truyền thông xã hội sau đó đã đăng tải dòng trạng thái kèm bức ảnh chú Duo hét lên “GIÚP TÔI!!!”.
Trước khi Duolingo cập nhật thay đổi, rất khó để tìm ra bất kỳ ai nói xấu ứng dụng này, ngoại trừ một số giáo sư ngôn ngữ học khó tính. Nó đã được vinh danh là Ứng dụng iPhone của năm vào năm 2013 chỉ sau vỏn vẹn 12 tháng phát hành và kể từ đó, chứng kiến hơn 600 triệu lượt tải xuống. Nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu giết thời gian nhàn rỗi càng khiến ứng dụng học ngôn ngữ này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Nếu đã dùng Duolingo, bạn sẽ nhận ra ứng dụng này rất chăm nhắc người dùng học bài. Chỉ cần bỏ lỡ bài học một thời gian, chim cú Duo sẽ xuất hiện và hỏi han bạn. Do không phải ai cũng thoải mái với tính năng này, một số người bắt đầu chế meme và đẩy sự “hỏi han” lên một “tầm cao” mới.
Vào năm 2017, một tài khoản có tên knightcore đã đăng tải bức ảnh chế phiên bản đáng sợ của Duo lên Tumblr. Trong ảnh, cú Duo đang nhắm súng vào những người phớt lờ thông báo của Duolingo. Bài đăng đã nhận được sự chú ý với hơn 150 nghìn lượt tương tác.
Theo Bloomberg, khách hàng của Duolingo không chỉ là những khách du lịch đi hưởng tuần trăng mật tại Puerto Vallarta, mà còn là dân nhập cư và người tị nạn. Hơn một nửa người dùng sống bên ngoài nước Mỹ và cho đến nay, ngôn ngữ phổ biến nhất trên ứng dụng là tiếng Anh. Người tị nạn Syria học tiếng Thụy Điển ở Stockholm, rồi ngay cả những ngôn ngữ sắp “chết” cũng đang được học trở lại trên ứng dụng.
Nếu đã dùng Duolingo, bạn sẽ nhận ra ứng dụng này rất chăm nhắc người dùng học bài.
Khi gặp cú Duo, bạn sẽ được cung cấp một số bài tập ngắn gọn, tương đối dễ dàng như ghép từ vựng, dịch các cụm từ đơn giản, nghe và lặp lại các câu sử dụng công nghệ nhận dạng và tạo giọng nói bắt chước người bản địa. Người học sau khi hoàn thành bài giảng sẽ được đập tay với cú Duo và với càng nhiều điểm kiếm được mỗi tuần, vị trí trên bảng xếp hạng của họ cũng được cải thiện. Khi đó, người học sẽ kiếm được “đá quý” - một dạng tiền tệ dùng để mua những bài học khó hơn. Toàn bộ công việc chỉ mất khoảng 4 phút, vừa đủ cho một người đợi xe buýt giết thời gian.
Nhờ hệ thống biên dịch và phân tích dữ liệu từ một tỷ tương tác người dùng mỗi ngày, Duolingo tự do tùy chỉnh từng khoá học sao cho phù hợp với từng cá nhân. Nó biết những lỗi sai từng người hay mắc phải. Nó cũng biết thúc giục ai đó hoàn thành bài học lúc 6 giờ chiều thay vì 6 giờ sáng một cách ngẫu nhiên.
“Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý và thời gian của bạn trên điện thoại, như Instagram và TikTok,” Sam Dalsimer, trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Duolingo, nói. “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục gia đình bạn chọn chúng tôi để học, chứ không phải để chơi một trò chơi điện tử”.
Luis von Ahn là “cha đẻ” của Duolingo. Công ty niêm yết vào tháng 7/2021 với giá 102 USD/cổ phiếu, sau đó tăng gấp đôi chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, cổ phiếu Duolingo đã giảm hơn 60% từ đỉnh. Công ty cũng đang xoay sở để từ một ứng dụng freemium được yêu thích chuyển sang hoạt động kinh doanh có lãi.
Theo dữ liệu mới thu thập, Duolingo có gần 15 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, tăng 51% so với một năm trước đó. Hầu hết người dùng đều không phải trả bất kỳ chi phí gì và có thể lựa chọn phiên bản miễn phí thay vì trả 12,99 USD cho Duolingo Plus. Bằng cách tập trung vào tăng trưởng hơn là doanh thu, Duolingo thống trị danh mục ứng dụng ngôn ngữ, chiếm gần 2/3 tổng số lượt tải xuống và sử dụng, theo công ty Sensor Tower Inc.
“Hóa ra là sản phẩm miễn phí của chúng tôi tốt hơn hầu hết các sản phẩm khác”, von Ahn nói, đồng thời cho biết mục tiêu sau cùng là giúp Duolingo lớn mạnh đến mức chỉ cần chuyển đổi một phần nhỏ số người dùng miễn phí thành trả phí. Sứ mệnh của cú Duo, ông khẳng định, là “phát triển nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và phổ cập chúng rộng rãi”.
“Không phải tôi phản đối việc kiếm tiền, nhưng nó chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn làm một việc có ý nghĩa, tiền sẽ theo sau”, von Ahn nói.
Theo dữ liệu mới thu thập, Duolingo có gần 15 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, tăng 51% so với một năm trước đó.
Theo Bloomberg, số người đăng ký trả phí của công ty 10 năm tuổi này đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi đại dịch bắt đầu lên 3,7 triệu. Doanh thu dự kiến sẽ vượt 365 triệu USD trong năm nay, tăng 45% so với năm ngoái.
Đến tháng 11, bản cập nhật ứng dụng được tung ra cho gần như tất cả người dùng, song nhận về một số ý kiến tiêu cực do thiết kế mới cung cấp ít sự lựa chọn hơn. Mọi người theo đó buộc phải chi thêm tiền nếu muốn phong phú hoá các bài học.
von Ahn giải thích mặc định mới giúp ứng dụng hiệu quả hơn, song trong một cuộc phỏng vấn mới nhất, Giám đốc tài chính Matthew Skaruppa khẳng định vẫn còn một động cơ khác. “Doanh thu mua hàng trong ứng dụng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng nó không làm ảnh hưởng đến việc học tập của bạn”.
von Ahn là sinh viên Đại học Duke và sau đó là Đại học Carnegie Mellon; đã nhận bằng tiến sĩ nhờ phát minh ra Captcha - công cụ xác thực được sử dụng bởi hàng triệu trang web. Công nghệ này sau đó được anh cải tiến và bán cho Google với giá “hàng chục triệu USD” vào năm 2009.
Thay vì “nghỉ hưu” với tư cách là một triệu phú 30 tuổi, von Ahn bắt đầu nghĩ về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, với tham vọng có thể “bán” các bài học ngôn ngữ miễn phí cho bất kỳ ai có điện thoại di động. Cùng với một nhóm nghiên cứu sinh tại Carnegie Mellon, nơi von Ahn hiện là giáo sư khoa học máy tính, họ đã phát triển ra Duolingo.
Sau một thập kỷ thua lỗ liên tục, Duolingo nổi lên như một ứng dụng với “không quảng cáo, không phí ẩn, không đăng ký, chỉ miễn phí”. Startup này khi đó sở hữu hàng triệu người dùng nhưng không hề có doanh thu.
“Duolingo có một CEO thực sự, nhưng anh ấy không hiểu về kinh doanh và cũng không có bất kỳ sự quan tâm nào với nó”, một chuyên gia nhận xét về von Ahn như vậy.
Duolingo: Từ một startup thua lỗ, CEO không màng doanh thu đến đế chế thay đổi ‘cuộc chơi’ học ngoại ngữ trực tuyến.
Mãi đến năm 2017, khi Duolingo ra mắt phiên bản đăng ký gần giống với bản miễn phí, doanh thu mới bắt đầu tăng lên và đạt 70 triệu USD vào năm 2019. Đến năm 2020, con số này tăng gấp đôi khi hàng triệu người dùng bất ngờ phát hiện ra một cách hiệu quả để giết thời gian trong thời kỳ phong tỏa. Thay vì giữ kín, von Ahn thông báo mình đã sẵn sàng cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2021.
Theo Arieh Smith, một người sáng tạo nội dung trên YouTube và TikTok, bí mật thực sự của Duolingo là nó khiến việc học ngôn ngữ trông có vẻ dễ dàng hơn thực tế. Người đàn ông này đã dành hàng tuần trời học ngôn ngữ mới cùng gia sư, sau đó kết luận “quá trình học tập rất mệt mỏi”. Tuy nhiên, nếu bạn là fan hâm mộ của “Trò chơi con mực” và chỉ đơn giản muốn học một chút tiếng Hàn, Duolingo sẽ có thể giúp bạn.
“Bạn sẽ không thể nói trôi chảy được ngay, nhưng nó cũng giúp ích đấy”.
Theo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4