Facebook bị tố truy cập tin nhắn người dùng đã xóa, phá vỡ các quy tắc bảo mật thông thường
Facebook vừa bị kiện bởi một cựu nhân viên với cáo buộc truy cập trái phép tin nhắn người dùng đã xóa.
Anh Brennan Lawson, một cựu nhân viên Facebook vừa chia sẻ với tờ Bloomberg rằng anh đã bị sa thải sau khi lên tiếng cảnh báo công ty về việc phục hồi dữ liệu mà người dùng đã xóa. Quá bất bình, anh Lawson đệ đơn kiện Meta.
Trong lá đơn, anh cho biết mình đã được thông báo về giao thức mới của Meta trong một cuộc họp nhân viên hồi cuối năm 2018. Nghi vấn về tính hợp pháp của chúng, Lawson đã bày tỏ quan điểm với lãnh đạo và ngay lập tức bị sa thải. Hiện người đàn ông này đã thất nghiệp trong suốt 18 tháng và đang nỗ lực đệ đơn để được bồi thường 3 triệu USD.
Theo anh Lawson, giao thức mới cho phép một số nhân viên của Meta “phá vỡ các giao thức bảo mật thông thường của Facebook” bằng cách truy xuất dữ liệu từ ứng dụng Messenger mà người dùng đã chọn xóa. Anh cho rằng chúng đã vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư kỹ thuật số của Liên minh châu Âu EU cũng như Ủy ban Thương mại Liên bang, bởi theo yêu cầu, Facebook phải thông báo chính xác các chính sách lưu trữ dữ liệu của mình.
Đến tháng 7/2019, anh Lawson bị sa thải với lý do “cáo buộc sai lệch công cụ quản trị của Facebook’’. Anh cho rằng mình đã bị trả đũa do phản đối giao thức mới của Meta - thứ được tập đoàn này áp dụng để giúp một số cơ quan chức năng điều tra người dùng.
“Cơ quan thực thi pháp luật sẽ đặt câu hỏi về cách người đó sử dụng nền tảng, họ nhắn tin cho ai, thời điểm tin nhắn được gửi và thậm chí nội dung của những tin nhắn đó”, Lawson tuyên bố. “Để giữ hình ảnh tốt trong mắt chính phủ, Facebook sẽ sử dụng giao thức mới đó để cung cấp thông tin cho cơ quan thực thi pháp luật’’.
Đáp lại, đại diện Meta cho biết, “những tuyên bố này là không có giá trị và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ’’.
Trước đó, tập đoàn đi đầu trong xu hướng truyền thông xã hội này cũng bị đâm đơn kiện với cáo buộc âm thầm xây dựng các thuật toán khiến nhiều người dùng trẻ tuổi tự làm hại bản thân, mắc chứng rối loạn ăn uống và mất ngủ nếu tiếp xúc quá lâu với các nền tảng, bao gồm Facebook và Instagram. Tám đơn kiện riêng biệt đã được gửi lên tòa án trên khắp các tiểu bang nước Mỹ, bao gồm Colorado, Delaware, Florida, Georgia, Illinois, Missouri, Tennessee và Texas, vì cho rằng Facebook và Instagram đang cố tình tạo những tính năng gây nghiện và thu lợi bất chính.
“Những ứng dụng này có thể được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, nhưng thay vào đó, một chính sách đã được đưa ra và gián tiếp khiến các thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng về tâm lý”, luật sư Andy Birchfield thuộc công ty luật Beasley Allen nói.
Vụ kiện trên diễn ra ngay sau khi một cựu nhân viên Facebook tuyên bố công ty sẽ không chịu trách nhiệm trước những hành vi người dùng trẻ, qua đó càng tăng thêm sóng gió đối với Meta, tập đoàn công nghệ với CEO là tỷ phú Mark Zuckerberg.
Hồi năm 2021, bà Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook cũng đã đệ đơn kiện công ty cũ với cáo buộc làm rò rỉ hàng loạt tài liệu mật. Khi được hỏi Zuckerberg có nên từ chức hay không, bà đáp: "Có thể đó là cơ hội cho người khác nắm quyền... Facebook sẽ mạnh hơn nếu có ai đó sẵn sàng tập trung vào sự an toàn trên nền tảng. Công ty sẽ khó lòng thay đổi nếu Mark Zuckerberg vẫn là CEO".
Theo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"