Ít ai biết rằng CEO Evan Spiegel của Snapchat cũng rất thần tượng gã khổng lồ internet Tencent của Trung Quốc.
Ứng dụng Snapchat đang ngày càng gặp khó khăn, khi bị người sử dụng quay lưng và đối thủ Facebook cạnh tranh gay gắt. Điều đáng nói là Facebook liên tiếp sao chép những tính năng của Snapchat, để đánh bại chính Snapchat.
Thế nhưng ít ai biết rằng Snapchat cũng rất hay sao chép những tính năng mới từ các công ty internet khác. Và kẻ mà Snapchat thường xuyên “tham khảo” ý tưởng chính là nhà đầu tư lớn nhất vào ứng dụng này, gã khổng lồ Tencent của Trung Quốc.
Tencent đã từng là nhà đầu tư vào Snapchat kể từ năm 2013. Cho đến nay, Tencent liên tục rót vốn vào ứng dụng nhắn tin này và đã chiếm khoảng 12% cổ phần của Snap. Giám đốc điều hành Evan Spiegel từ lâu cũng coi Tencent là một công ty internet đáng để học hỏi.
“Ngay từ ban đầu, Tencent đã hiểu rõ sức mạnh của truyền thông. Và nếu bạn có một dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trên smartphone của ai đó, bạn có thể phát triển rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác xung quanh dịch vụ đó”, tỷ phú Evan Spiegel chia sẻ.
WeChat từ một ứng dụng nhắn tin, trở thành mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc và bắt đầu tích hợp rất nhiều những dịch vụ khác. Bạn có thể thanh toán trực tuyến, đặt bàn ăn, gọi taxi ngay trong WeChat. Sự phổ biến của ứng dụng này cũng giúp Tencent dễ dàng phát triển các mảng kinh doanh khác của mình như game, video trực tuyến và dịch vụ nghe nhạc.
Ứng dụng được sử dụng nhiều nhất
Snapchat và WeChat đều là những ứng dụng có thời gian sử dụng rất cao. Người Trung Quốc dành khoảng 60 phút mỗi ngày cho WeChat và trung bình họ mở ứng dụng này 10 lần mỗi ngày. Trong khi đó, người dùng Snapchat dành khoảng 34 phút mỗi ngày.
CEO Evan Spiegel cho biết những người trẻ tuổi dành nhiều thời gian hơn với khoảng 40 phút mỗi ngày, họ cũng sử dụng thường xuyên hơn với 20 lần mở ứng dụng. Đó là một tần suất ấn tượng khi so sánh với Facebook, thời gian sử dụng trung bình 40 phút và tần suất 5 - 6 lần mỗi ngày.
Snap nối gót Tencent
Snapchat đang cố gắng đi theo con đường của WeChat để tạo lợi nhuận từ truyền thông và các doanh nghiệp phụ trợ xung quanh.
WeChat Pay là dịch vụ thanh toán chính được rất nhiều người sử dụng tại Trung Quốc. Vào năm 2014, Snapchat cũng thử nghiệm một cách gửi tiền cho bạn bé có tên là Snapcash. Ý tưởng này đã không thành công, nhưng trên thực tế ngay cả Facebook hay bất kỳ ứng dụng nhắn tin nào khác cũng chưa thể làm được như WeChat của Tencent.
Năm 2011, Tecent cũng tung ra một dịch vụ video trực tuyến như một kênh quảng cáo. Năm 2015, Snapchat ra mắt Discover như một nền tảng cho các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp tiếp cận khán giả của mình.
Quảng cáo video trong Discover đã giúp Snapchat có được một nguồn thu lớn. Năm ngoái, mảng kinh doanh này đem về cho Snapchat 100 triệu USD.
Năm 2013, WeChat ra mắt Moments, một dạng newsfeed mới. Mặc dù lấy cảm hứng từ Facebook, nhưng WeChat đã cho thấy newsfeed không nhất thiết phải xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội, mà còn có thể xuất hiện trong ứng dụng nhắn tin.
Snapchat cũng lấy ý tưởng từ đó để thiết kế lại ứng dụng nhắn tin của mình. Snapchat có một dạng newsfeed mới, nơi các tin nhắn trực tiếp được sắp xếp cùng với các câu chuyện Story.
Snapchat gặp nhiều thách thức để có thể trở thành WeChat thứ hai
Snapchat vẫn còn là một nền tảng tương đối nhỏ, với khoảng 187 triệu người dùng hàng ngày. Trong khi đó, WeChat có tới 902 triệu người dùng mỗi ngày và là nền tảng lớn nhất tại Trung Quốc.
WeChat cũng không phải lo ngại việc Facebook cạnh tranh, do mạng xã hội này chưa được phép hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, Snapchat luôn phải lo ngại khi bị Facebook sao chép các tính năng mới của mình.
Tuy nhiên theo như lời của CEO Evan Spiegel, người sử dụng Snapchat rất trung thành và dành rất nhiều thời gian cho ứng dụng này. Đó là một nền tảng tốt để Snapchat có thể tiếp tục phát triển và tạo ra doanh thu.
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming