Facebook đã phải làm như thế nào để tính năng On This Day không còn gợi lại cho bạn nỗi buồn?
Tính năng này được Facebook quan tâm rất nhiều nhằm tránh gợi cho người dùng những kỷ niệm buồn.
Ngày nào bạn cũng nhìn thấy tính năng "Ngày này năm xưa" của Facebook đẩy những kỷ niệm của bạn lên NewsFeed nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi tính năng này hoạt động như thế nào hay chưa? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Ngày 24/3 vừa qua là ngày kỷ niệm tròn một năm Facebook tung ra tính năng "Ngày này năm xưa". Đây là công cụ nhắc nhở bạn những kỷ niệm bạn đã từng chia sẻ lên mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Tính tới thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 triệu người dùng ghé thăm trang "Ngày này năm xưa" của họ và 155 triệu người đã chọn nhận thông báo riêng từ tính năng này. Nếu bạn nằm trong nhóm thứ hai, bạn sẽ nhận được thông báo về tất cả các ký ức chưa được lọc.
Nếu bạn không phải tuýp người thích "ăn mày dĩ vãng", Facebook vẫn cố gắng chọn ra những ký ức mà bạn muốn nhớ và hiển thị nó trên NewsFeed cho bạn.
Facebook lọc ký ức của bạn bằng cách nào?
Facebook chú ý nghiên cứu, hoàn thiện tính năng "Ngày này năm xưa" nhiều hơn so với tất cả các tính năng khác.
"Đó là một trong những sản phẩm mang tính cá nhân nhiều nhất của chúng tôi", Anna Howell, một giám đốc nghiên cứu trải nghiệm người dùng của Facebook, chia sẻ. Theo Anna, ký ức rất phức tạp nên Facebook phải "cực kỳ chu đáo và nhạy cảm" khi thiết kế tính năng "Ngày này năm xưa".
Theo Arite Konrad, một nhà nghiên cứu trải nghiệm người dùng Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã tiến hành khảo sát trên nhiều người dùng khác nhau nhằm tìm hiểu những ký ức người dùng muốn thấy hoặc muốn bỏ qua.
"Nếu Facebook không nhắc nhở về những khoảnh khắc vui vẻ, thú vị và những cột mốc quan trọng trong cuộc sống, người dùng sẽ chẳng quan tâm", Konrad chia sẻ.
Người dùng Facebook cũng không quan tâm hình ảnh cũ về đồ ăn, những trạng thái có từ "miss" và thường cảm thấy không khoải mái khi nhìn thấy những ký ức có nội dung tình dục hoặc chửi thề.
Facebook đưa tất cả những gì thu thập được vào dữ liệu trí tuệ nhân tạo để có thể hiển thị ký ức phù hợp với từng người dùng.
Tháng 10/2015, sau khi bị chỉ trích vì gợi lại những kỷ niệm buồn, Facebook đã tung ra một bộ lọc cho phép người dùng loại bỏ những ngày mà họ không muốn nhìn lại hoặc những ký ức liên quan tới người mà họ muốn quên đi.
Tùy chọn lọc kỷ niệm của Facebook
Tuy nhiên, các ký ức buồn vẫn bị bỏ sót. Một người dùng đã phản ánh rằng bức ảnh bồ cũ của cô vẫn xuất hiện trong "Ngày này năm xưa" chỉ vì cô đã chặn anh ta nhưng không tag một cách rõ ràng.
Trí thông minh nhân tạo của Facebook sẽ học hỏi, phân tích những loại ký ức mà bạn thường chia sẻ trong quá khứ để sau này hiển thị cho bạn những loại ký ức này nhiều hơn so với các loại ký ức mà bạn thường bỏ qua.
Điều thú vị là Facebook không cho phép bạn tắt hoàn toàn tính năng "Ngày này năm xưa" nhưng nó có thể học hỏi từ thói quen của người dùng. Do vậy, nếu bạn thường xuyên bỏ qua những thông báo "Ngày này năm xưa" thì dần dần Facebook sẽ ít đưa nó vào News Feed của bạn.
Giám đốc sản phẩm của Facebook, ông Tony Liu, chia sẻ rằng số lượng người dùng chia sẻ kỷ niệm đã tăng theo cấp số nhân sau khi hãng đưa nhiều ký ức liên quan tới cá nhân và sở thích. Đây là một minh chứng cho thấy công thức của họ đã thành công.
Howell cho rằng những người nhìn thấy tính năng "Ngày này năm xưa" cảm thấy như Facebook đang nói chuyện trực tiếp với họ và mang tới cho họ những gì họ muốn thưởng thức.
Thậm chí, Facebook còn cố gắng để tăng cường cảm giác đó của người dùng.
Đây là bức ảnh so sánh giao diện của thông báo "Ngày này năm xưa" tại thời điểm ra mắt và hiện tại:
Facebook luôn theo dõi xem người dùng đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của công ty đối với họ và trong hai năm qua CEO Mark Zuckerberg luôn ưu tiên chỉ số này. Tính năng "Ngày này năm xưa" giúp tăng chỉ số này.
Ngoài ra, tính năng này còn mang lại lợi ích cho Facebook. Khi thông báo "Ngày này năm xưa" thu hút người dùng truy cập và chia sẻ ký ức của họ đồng nghĩa với việc họ dành nhiều thời gian hơn cho Facebook. Người dùng càng dành nhiều thời gian cho Facebook thì hãng này càng kiếm được nhiều tiền quảng cáo.
Những lợi ích khác của tính năng "Ngày này năm xưa"
Khi được hỏi về tính năng "Ngày này năm xưa", người dùng chia sẻ một loạt cảm xúc khác nhau.
"Nó có thể rất tiêu cực hoặc rất cảm động", một người dùng chia sẻ. Những người khác cho rằng "Ngày này năm xưa" nhắc họ những kỷ niệm mà họ không thể nhớ cũng như nhắc nhở họ chăm sóc bản thân một cách nghiêm túc.
Một vài người lại cho rằng họ cảm thấy vui khi thấy cách mình dùng Facebook đã thay đổi nhiều trong những năm qua.
Kỷ niệm đáng buồn nhưng giúp Czubek mạnh mẽ hơn
Câu chuyện cảm động nhất có lẽ thuộc về người dùng Kimberly Czubek. Cô cho biết tính năng "Ngày này năm xưa" đã giúp cô vượt qua nỗi đau sau cái chết đột ngột của chồng.
Khi tính năng "Ngày này năm xưa" nhắc cô nhớ về ngày mà chồng cô ra đi, cô đã cảm thấy thanh thản hơn bởi giờ đây khi là một góa phụ, một người mẹ độc thân cô phải mạnh mẽ.
Trong nghiên cứu của mình trước khi gia nhập Facebook, Konrad phát hiện ra rằng sử dụng công nghệ để hồi tưởng về quá khứ sẽ giúp mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nhìn thấy những kỷ niệm kỹ thuật số như những gì trên "Ngày này năm xưa" sẽ giúp gia tăng những cảm xúc mà bạn từng cảm nhận khi kỷ niệm đó diễn ra. "Ngày này năm xưa" không chỉ giúp não của bạn nhớ về những gì đã xảy ra mà còn khiến bạn nhớ lại cảm giác khi ấy.
"Với "Ngày này năm xưa", người dùng không cần in ảnh nữa. Tất cả những kỷ niệm của họ đều được lưu giữ trên Facebook", Howell nói.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"