Phía Facebook cũng đã đưa ra bộ chính sách chuẩn mực, quy định để mọi người hiểu rằng họ được bảo vệ an toàn khi sử dụng cũng như có trách nhiệm với vấn đề này.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (phải) và đại diện cấp cao của Facebook trong buổi làm việc. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Chiều 26/4, đoàn đại biểu cấp cao của mạng xã hội Facebook do bà Monika Bickert, Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu dẫn đầu đã làm việc tại Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Vai trò quan trọng
Phát biểu trước giờ họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay hiện Việt Nam có hơn 92 triệu dân thì có 70% dân số sử dụng Internet, khoảng 45 triệu người sử dụng Facebook.
Đánh giá cao vai trò của Facebook trong đời sống xã hội tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ ông cũng có hai tài khoản Facebook và thường truy cập lúc rảnh rỗi, trao đổi thông tin, kết nối bạn bè.
“Chính phủ Việt Nam không ngăn cản Facebook cũng như các mạng xã hội khác phát triển, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế,” ông Tuấn khẳng định.
Song, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông lấy làm tiếc khi không phải ai cũng sử dụng Facebook vào các mục đích tốt đẹp để tạo ra môi trường thông tin lành mạnh trên Internet. Và, điều này để lại hệ lụy không nhỏ tại Việt Nam khi không ít người dùng mạng xã hội không tuân thủ theo quy định của luật pháp.
Ông nói rằng, ở Việt Nam có một số đối tượng lập tài khoản Facebook không chính danh. Có người vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng như hoạt động kích động chiến tranh; bạo lực; xâm hại trẻ em; xâm phạm đời tư của cá nhân, tổ chức; xúc phạm nhân phẩm người khác, xâm hại quyền phụ nữ...
Đáng chú ý, có nhiều kẻ mạo danh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, đưa những thông tin xấu độc lên những trang này.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mở điện thoại, đưa cho vị lãnh đạo Facebook xem những trang giả mạo nói trên và cho biết cuộc họp sẽ nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh trên mạng xã hội Facebook.
Ông Tuấn nhận định điều này sẽ là khó khăn, nhưng sẽ giải quyết được nếu có sự hợp tác thiện chí, tích cực từ phía Facebook.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho đại diện Facebook xem một số tài khoản giả mạo. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Không có “cửa” cho thông tin xấu độc
Về phía mình, bà Monika Bickert cho biết Facebook chờ cuộc họp với cơ quan quản lý Việt Nam đã lâu.
Bày tỏ vui mừng khi nghe ông Tuấn nói về vai trò quan trọng của Facebook trong đời sống xã hội tại Việt Nam, đại diện Facebook khẳng định Việt Nam cũng là thị trường quan trọng của doanh nghiệp này.
Ngoài người dùng thông thường, bà Monika Bickert cho hay có nhiều doanh nghiệp Việt sử dụng Facebook là kênh hoạt động kinh doanh, học hỏi các tổ chức khác ở trong và ngoài nước để cải thiện hoạt động kinh doanh.
Phía Facebook cũng đã đưa ra bộ chính sách chuẩn mực, quy định để mọi người hiểu rằng họ được bảo vệ an toàn khi sử dụng cũng như có trách nhiệm với vấn đề này.
“Tất cả những nội dung như tài khoản giả mạo, phỉ báng, tấn công thù địch… sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook và chúng tôi cam kết sẽ gỡ bỏ nếu nhận được thông tin như vậy. Chúng tôi cũng đưa ra công cụ để khi người dùng phát hiện thông tin sẽ báo cho Facebook để chúng tôi phối hợp xử lý,” bà Monika Bickert cho biết.
Phái đoàn Facebook cũng cam kết sẽ phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những biện pháp phù hợp nhất để làm lành mạnh môi trường mạng xã hội này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI