Việc bắt buộc các công ty công nghệ trả tiền cho cơ quan báo chí của Australia đang gặp trở ngại do Facebook đe dọa ngừng dịch vụ cung cấp tin tức.
Ông Will Easton, Giám đốc Facebook Australia cho biết, nếu dự luật quy định các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia trở thành luật thì Facebook “sẽ miễn cưỡng ngừng cho phép các nhà xuất bản và người dân Australia chia sẻ tin tức địa phương và quốc tế trên Facebook và Instagram”. Tuy vậy, ông Will Easton cũng khẳng định, “đây không phải là lựa chọn hàng đầu mà là lựa chọn cuối cùng”.
Ông Will Easton cũng cho hay, Facebook đã đầu tư hàng triệu AUD cho các cơ quan báo chí Australia. Trong quá trình đàm phán với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia, cơ quan này cũng đề xuất chi thêm hàng triệu AUD nữa, song các đề xuất này đều bị bỏ qua. Thay vào đó, Facebook chỉ có hai lựa chọn “một là gỡ bỏ toàn bộ nội dung tin tức, hai là chấp nhận việc phải chi trả cho các cơ quan báo chí theo mức các cơ quan này yêu cầu mà không có giới hạn”.
Ông Will Easton khẳng định, “đây không phải là cách mà các doanh nghiệp vận hành”.
Australia đang nỗ lực để buộc Facebook và Google chi trả cho các cơ quan báo chí. Nguồn Reuters.
Facebook cũng đồng thời cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, người sử dụng Facebook đã bấm 2,3 tỷ lần vào các nội dung tin tức của Australia làm cho các cơ quan báo chí thu về khoảng 200 triệu AUD. Vì vậy, ông Will Easton nhấn mạnh, mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và mạng xã hội mang về lợi ích cho cả hai bên, điều mà dự luật dường như đã bỏ qua.
Ngày 31/8 vừa qua là thời hạn cuối cùng để tiếp nhận ý kiến về dự thảo luật yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí sản xuất nội dung mà các công ty công nghệ sử dụng trên các trang mạng xã hội của mình. Trong khuôn khổ dự luật này, các công ty công nghệ như Google và Facebook bị bắt buộc phải tiến hành đàm phán với các cơ quan báo chí về mức chi trả. Nếu không đạt được thỏa thuận, vụ việc sẽ do cơ quan trọng tài giải quyết và quyết định của cơ quan trọng tài là cuối cùng mà tất cả các bên phải tuân thủ.
Dự luật này cũng đồng thời yêu cầu các công ty công nghệ phải thông báo trước với các cơ quan báo chí về sự thay đổi các thuật toán ảnh hưởng đến sự xuất hiện các nội dung tin tức trên các mạng xã hội của các công ty này.
Trước Facebook, Google cũng nhiều lần lên tiếng phản đối dự luật mà Australia đưa ra. Công ty này thậm chí còn kêu gọi cộng đồng người sử dụng cùng liên kết để gia tăng tiếng nói. Trong khi đó, tờ The Sydney Morning Herald cho hay, các cơ quan báo chí của Australia ủng hộ dự luật và chỉ đề xuất thay đổi nhỏ nhằm đảm bảo tất cả các chương trình tin tức đều có thể được nhận các khoản chi trả từ các công ty công nghệ, tránh việc Goolge và Facebook trừng phạt các cơ quan báo chí đã nhận tiền từ các công ty này./.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
CEO Xiaomi Lôi Quân thừa nhận ảnh nằm ngủ trên sàn nhà máy xe điện chỉ là dàn dựng
"Sống ảo" là vậy, nhưng thành tích ấn tượng mà Xiaomi đạt được lại hoàn toàn là thật.
Bkav sử dụng trái phép chứng chỉ quốc tế để quảng cáo cho phần mềm diệt virus