Facebook gỡ bỏ công cụ dịch Bing và thay thế bằng công cụ dịch AI của chính mình

    Ngocmiz,  

    Công cụ dịch mới này được hứa hẹn sẽ ưu việt, chính xác và giúp Facebook am hiểu người dùng hơn rất nhiều.

    Machine learning đã giúp Facebook đạt được sứ mệnh kết nối thế giới, vượt qua cả những rào cản văn hóa và ngôn ngữ. Facebook hiện nay đang cung cấp 2 tỷ lượt dịch mỗi ngày cho người dùng. Mạng xã hội này có thể dịch tới 40 ngôn ngữ theo 1800 cặp khác nhau, chẳng hạn như từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hay tiếng Anh sang tiếng Việt. Mỗi tháng có tới 800 triệu người dùng Facebook sử dụng công cụ dịch của Bing trên trang.

    Điều này có được là nhờ hệ thống machine learning dịch thuật đứng sau. Facebook bắt đầu hợp tác với Bing của Microsoft để tích hợp tính năng này từ năm 2010, nhưng kể từ đó công ty cũng đã nỗ lực rất nhiều vào việc hoàn thiện hệ thống riêng của mình. Đến tháng 12/2015, Facebook cuối cùng cũng hoàn thành cú chuyển dịch và nay người dùng mạng xã hội này đã có thể sử công cụ dịch của riêng Facebook chứ không phải của Bing nữa.

     Công cụ dịch mới của Facebook nay đã có mặt trên tất cả các ngôn ngữ

    Công cụ dịch mới của Facebook nay đã có mặt trên tất cả các ngôn ngữ

    Alan Packer, giám đốc kỹ thuật mảng công nghệ ngôn ngữ của Facebook gần đây đã tiết lộ bước tiến này trong buổi hội nghị EmTech Digital của MIT tại San Francisco. Hội nghị này chủ yếu tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, machine learning cũng như các công nghệ mới nhất được dùng vào việc phân tích dữ liệu.

    Trước đó, giám đốc sản phẩm của Pinterest, Jack Chou đã chia sẻ về việc Pinterest đã có tới 130 triệu lượt tìm kiếm hình ảnh chỉ 6 tháng sau khi công ty này cho ra mắt tính năng search hình ảnh. Tính năng được xây dựng bởi một nhóm 4 kỹ sư này cho phép mọi người tìm kiếm bằng hình ảnh thay vì chỉ gõ các đoạn text như trước đây.

     Alan Packer

    Alan Packer

    Tính năng dịch mới ứng dụng machine learning của Facebook không chỉ có thể dịch mà còn có thế hiểu nội dung các đoạn văn bản cũng như hình ảnh, giúp hệ thống AI của mạng xã hội này hiểu thêm về mối quan tâm của người dùng và hiển thị những nội dung phù hợp với họ hơn.

    Packer giải thích rằng nếu Facebook có thể hiểu được nội dung một bài post hỏi xin gợi ý về các khách sạn tại Paris thì nó có thể hiển thị bài post này tới những người bạn mới ghé thăm Paris, gợi ý những người bạn có thể tham vấn hay tìm kiếm cho bạn những bài post công khai về các gợi ý khách sạn như vậy.

    Facebook từng đi tiên phong về công nghệ dịch online, xây dựng một công cụ mở cho phép người dùng toàn thế giới dịch những đoạn văn bản trên mạng xã hội này sang ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Vào năm 2011, Facebook bắt đầu sử dụng loạt hệ thống tự động vào dịch các đoạn văn bản và comment của người dùng trên News Feed.

    Năm ngoái, Facebook đã mua lại Wit.ai, một startup sử dụng công nghệ đọc hiểu ngôn ngữ tự nhiên và giọng nói vào phát triển giao diện người dùng kiểu mới. Google và Microsoft/Skype cũng đã và đang nỗ lực theo đuổi các công cụ dịch thuật online để giải quyết các rào cản ngôn ngữ của người dùng.

     Alan Packer tại buổi hội nghị EmTech Digital nơi ông giới thiệu về sản phẩm mới này

    Alan Packer tại buổi hội nghị EmTech Digital nơi ông giới thiệu về sản phẩm mới này

    Ban đầu, Facebook sử dụng Bing bởi “khi đó chúng tôi chưa có công nghệ dịch của riêng mình nhưng đã nhìn thấy giá trị của nó. Chúng tôi đã thực hiện một thương vụ với Bing và rồi nhận thấy đó là một tính năng khá được người dùng ưa chuộng.”, Packer chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ Bing được thiết kế để hiểu những đoạn văn bản đầy đủ trên các website chứ không phải những gì con người thường nói với nhau. Trên thực tế, theo lời Packer thì Bing “không giỏi nhận biết các từ lóng, thành ngữ hay cách nói ẩn dụ. Chúng tôi thật sự cần tạo ra một công nghệ dựa trên dữ liệu của riêng mình.”

    Chính vì vậy mà Facebook đang tập trung phát triển những ngôn ngữ phổ biến nhất cũng như công nghệ dịch tốt hơn của Microsoft.

    Hiện nay, tính năng này đã có mặt trên tất cả 1800 cặp ngôn ngữ của Facebook. Mặc dù Facebook khá tự tin rằng công cụ dịch của mình là hoàn hảo, công ty vẫn tự động đặt nút “See Original” (Xem bản gốc) bên cạnh nút “See Translation” (Xem bản dịch) mặc định.

    Packer cho biết các nhóm chống spam và thiết đặt quy định của Facebook hay các công ty con như Instagram cũng đang xem xét việc tích hợp công nghệ dịch này vào các tính năng của mình.

     Tính năng này của Facebook đã có rất nhiều tiến triển và được rất đông người dùng sử dụng kể từ khi mới được thử nghiệm năm 2011

    Tính năng này của Facebook đã có rất nhiều tiến triển và được rất đông người dùng sử dụng kể từ khi mới được thử nghiệm năm 2011

    Động cơ thúc đẩy họ đã khá rõ ràng: không chỉ giúp các nhóm này kiểm soát tốt hơn người dùng mà còn mang về thêm lợi nhuận nữa. Sứ mệnh trước giờ của Facebook là khiến thế giới trở nên cởi mở và kết nối với nhau sâu rộng hơn. Khi được hỏi tính năng dịch này sẽ đóng vai trò thế nào trong đó, Packer cho biết “Sứ mệnh của nhóm phát triển công nghệ dịch là xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, giúp người dùng kết nối với nhau dễ dàng hơn.”

    Mặc dù chưa có các con số thống kê cụ thể nhưng Packer cho biết công cụ dịch này sẽ giúp người dùng “có nhiều bạn bè hơn và có thể tiếp cận với nhiều khái niệm, văn hóa mới hơn.” Công ty cũng hiểu rằng tính năng này đang ngày càng trở nên quan trọng hơn với người dùng bởi “Ngay khi chúng tôi tắt chức năng này đi, họ đã nổi điên lên rồi!”. Người dùng Facebook càng kết nối được với nhiều người khác trên thế giới hơn thì lại càng sử dụng mạng xã hội này nhiều hơn, cũng đồng nghĩa với việc công ty có thể thu về nhiều tiền quảng cáo hơn.

    Chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên trong đó việc có AI hay không chính là yếu tố chính giúp phân biệt các sản phẩm. Những công ty công nghệ không có khả năng sử dụng AI phân tích kho dữ liệu mình nắm giữ sẽ khó lòng cung cấp một cách hiệu quả các dịch vụ đến tay người dùng. Đây cũng chính là lý do các công ty như Google, Facebook, Microsoft ngày càng hùng mạnh trong khi các công ty khác lại mắc kẹt do thiếu tiền đổ vào các hoạt động nghiên cứu AI.

    Tham khảo Techcrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ