Bộ TT&TT cho biết, cơ quan quản lý đang tiến hành nghiên cứu xây dựng các quy định để đảm bảo các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Niantic (đơn vị sở hữu tựa game Pokemon Go).. phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và sẽ có chế tài phù hợp nếu không tuân thủ.
Sự khác biệt về phương thức quản lý giữa các doanh nghiệp nội và ngoại đã được các đơn vị Internet Việt Nam than phiền rất nhiều. Bởi vì trong khi các doanh nghiệp nội phải xin rất nhiều giấy phép và phải tuần thủ pháp luật của Việt Nam thì các doanh nghiệp ngoại dường như không chịu bất cứ quy định nào.
Đối với vấn đề này, tại Hội thảo quốc tế 4G LTE vừa được tổ chức ngày 18/8, bà Nguyễn Thanh Huyền, trưởng phòng thông tin điện tử, Cục PTTH (Bộ TT&TT) cho biết, trong quá trình quản lý Bộ TT&TT thấy rằng hiện đang có những sự khác biệt về phương thức quản lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý phù hợp, đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google…Do đó, Bộ sẽ có quy định đồng bộ để bảo đảm quản lý tốt các dịch vụ nội dung cung cấp xuyên biên giới phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với đặc điểm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam đồng thời bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ Việt Nam nói chung, trong đó chú trọng các biện pháp bảo vệ cho trẻ em. “Khi có các nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam thì Bộ sẽ có động thái yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài điểu chỉnh”, bà Huyền nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo bà Huyền, trong quy định mà Bộ TT&TT đang nghiên cứu xây dựng cũng sẽ có chế tài phù hợp với cam kết quốc tế nếu các nội dung cung cấp của doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng có những quy định khi các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại”, bà Huyền nhấn mạnh.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH &TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, bên cạnh một số điểm tích cực, tựa game Pokemon Go cũng bắt đầu bộc lộ nhiều điểm gây nguy cơ với xã hội. Cụ thể là các nguy cơ mất an toàn về lợi ích và an toàn trên thực địa của người chơi. Theo ông Lê Quang Tự Do, một game online được cấp phép, thẩm định về nội dung, đồng nghĩa được nhà nước bảo hộ. Khi đó, chúng tôi có yêu cầu, bắt buộc nhà phát hành có biện pháp bảo vệ quyền lợi người chơi. Ví dụ mất tài khoản, doanh nghiệp đó phải cấp lại tài khoản, mất tiền, mất vật phảm ảo, doanh nghiệp phải có trách nhiệm. “Tuy nhiên, game này lại không được cấp phép hiện nay. Họ đặt máy chủ, trụ sở ở nước ngoài, nên khi người chơi gặp vấn đề về quyền lợi của mình thì không được giải quyết”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Về việc quản lý game Pokemon tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự do cho biết, cơ quan quản lý sẽ sớm có văn bản yêu cầu nhà sản xuất và phát hành game Pokemon tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và bảo đảm trò chơi này không gây tác hại với xã hội. Cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu không thả Pokemon ở khu vực nhạy cảm và yêu cầu các doanh nghiệp này bảo đảm quyền lợi của người chơi, nhất là an toàn thông tin. “Trong trường hợp nhà sản xuất Pokemon Go không hợp tác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu nhà phát hành gỡ bỏ game hoặc đưa ra các giải pháp khác để bảo vệ người chơi", ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"