Facebook trong viễn cảnh Mark Zuckerberg vẽ ra chẳng khác gì Trung Quốc - nơi bạn không thể mua cafe nếu không có WeChat
Mark Zuckerberg từng vẽ ra một viễn cảnh trong đó các dịch vụ của Facebook trở thành xương sống đối với đời sống online của mọi người trên toàn thế giới.
Hãy tưởng tượng chút nhé: bạn đang bước đi trên một con đường ở thành phố và thấy một quán cafe khá đẹp. Trời thì lạnh, nên bạn quyết định ghé vào để uống một cốc sô-cô-la nóng.
Trong lúc đứng chờ, bạn để ý thấy chẳng ai rút ví ra để trả tiền cả. Thay vào đó họ chạm vào màn hình điện thoại, và xong, họ mang món macchiato về bàn. Bạn nhận ra ứng dụng mà mọi người đang dùng để trả tiền chính là Facebook.
Nhưng buồn thay, bạn đã ngừng kích hoạt tài khoản Facebook từ vài tháng trước. Quán này lại không chấp nhận tiền mặt. Bạn lầm lũi đi ra.
Một tuần sau, bạn ăn trưa với một người bạn, và cô ấy kể rằng mọi người bạn của bạn đã có một cuộc ăn chơi hoành tráng ở vũ trường cuối tuần trước. Bạn hỏi tại sao không mời mình, cô ấy đáp rằng quên mất. Bạn không dùng WhatsApp, vốn thuộc sở hữu của Facebook, và đó lại là nơi người ta lên kế hoạch cho cuộc vui hôm đó.
Hoá đơn đến, và cả hai quyết định cưa đôi. Cô ấy trả bằng Facebook trên điện thoại. Đến lượt bạn, bạn bắt đầu lúng túng. Bạn không dùng Facebook nữa nên hiển nhiên không thể sử dụng tính năng "Chia hoá đơn" mới được tích hợp vào đó. Bạn đành muối mặt đến cây ATM gần đó để rút tiền mặt.
Bạn đến ga tàu để bắt chuyến tàu đến nhà bố mẹ. Mọi người đi thẳng lên tàu với vé mua trên Facebook. Bạn phải xếp hàng dài để mua vé tại quầy duy nhất còn hoạt động ở ga, suýt nữa thì lỡ tàu.
Nghe có vẻ thật hoang đường khi một ứng dụng có thể trở nên cực kỳ phổ biến và quan trọng đối với đời sống thường ngày như vậy. Bạn nghĩ lại đi. Ở Trung Quốc có rồi!
WeChat, hay Weixin tại thị trường Trung Quốc, từng được tờ The New York Times miêu tả là một "con dao Thuỵ Sỹ". Và ứng dụng này có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống Trung Quốc hiện đại. Trên thực tế, từng tình huống nêu trên đều thực sự diễn ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Con dao Thuỵ Sỹ" của Trung Quốc có mặt ở khắp nơi
Mua trái cây cũng trả tiền bằng quét mã QR trên WeChat
Tại Trung Quốc, mọi người đều dùng WeChat. Nó còn hơn cả một ứng dụng hay dịch vụ, nó chính là đời sống hiện đại. Hơn 1 tỷ người sử dụng ứng dụng này, và nó là ứng dụng phổ biến bậc nhất Trung Quốc cho đến lúc này.
Dù WeChat là dịch vụ nhắn tin đầu tiên của Tencent, ứng dụng này phục vụ nhiều chức năng khác nhau, từ nhắn tin, mạng xã hội, thương mại điện tử, đến đi nhờ xe, cho thuê xe đạp, và đặt vé du lịch.
Nếu bạn muốn trò chuyện với ai đó ở Trung Quốc, dù là việc công hay việc tư, bạn không dùng email, bạn không gọi họ, bạn gửi tin nhắn cho họ trên WeChat.
Ở Trung Quốc, tìm các địa chỉ email dường như là điều bất khả thi, và ngay cả khi bạn tìm được, chẳng mấy khi bạn nhận được hồi âm. Chỉ khi bạn tải về WeChat, bạn mới được tiếp cận trực tiếp với mọi người, mọi nguồn thông tin mà bạn muốn.
Giống như đột nhiên bạn nhìn thấy ánh sáng sau một tuần dài bị mù vậy.
Điều thú vị là số lượng người dùng các dịch vụ đa dạng của WeChat - không chỉ giới trẻ rành công nghệ đâu.
Nhiều cụ già người Trung Quốc vốn không hề biết cách dùng Internet, nhưng lại có WeChat cài trên điện thoại và sử dụng nó rất sành sõi. Khi bạn gặp ai đó tại một cuộc họp, không ai hỏi số điện thoại hay trao đổi card visit cả; bạn sẽ quét mã QR của nhau để có thể trao đổi ID WeChat.
Khi bạn lượn quanh thành phố, các nghệ sỹ hát rong hay thậm chí là những gã ăn mày chẳng hề xin tiền mặt hay vài đồng xu của bạn; họ để sẵn những tấm bảng in mã QR WeChat Pay. Bạn biết để làm gì rồi chứ?
Nếu chưa hình dung ra, thì đây là một ví dụ: tại một bức tường cổ ở Xi'an, một thành phố với 13 triệu dân ở phía Tây Bắc Trung Quốc, có một nhóm sinh viên bản địa tụ tập để nghe vài nghệ sỹ hát rong vào tối thứ bảy.
Những nghệ sỹ này không hề có thùng đàn guitar để nhận tiền tip. Nhưng cứ hát xong vài bài, một trong số những người bạn của họ lại đưa cao hai tấm bảng in sẵn mã QR - một mã của Alipay, đối thủ của WeChat Pay, và mã kia của WeChat Pay. Hàng tá người nghe liền đưa điện thoại lên, và chỉ trong tích tắc, họ quét mã QR để gửi vài Nhân dân tệ cho các nghệ sỹ yêu thích của mình.
Dân Trung Quốc quyên góp tiền cho một nhóm nhạc đường phố bằng cách quét mã QR
Để thực hiện được giấc mơ, Mark Zuckerberg cần thêm nhiều dữ liệu người dùng
Những điều đang diễn ra tại Trung Quốc chính là viễn cảnh mà Mark Zuckerberg nhắc đến trong bài blog gần đây nhất anh viết về tương lai Facebook. CEO Facebook đang hình dung một tương lai nơi người ta dùng một dịch vụ do Facebook sở hữu cho mọi khía cạnh của đời sống thường nhật, giống như WeChat ở Trung Quốc vậy.
Đừng nhầm, dù cho những hứa hẹn vừa qua mà Zuckerberg đưa ra về việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng, kế hoạch kinh doanh này chắc chắn nhắm đến việc thu thập thêm nhiều dữ liệu người dùng nữa, chứ không phải giảm bớt đi.
Sự đổi mới vĩ đại nhất của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc là ứng dụng đại trà những nền tảng công nghệ dựa trên hệ sinh thái, bao gồm WeChat và Alibaba.
Thường được ví như Amazon của Trung Quốc, Alibaba khởi đầu là một nền tảng thương mại điện tử nhưng sau đó mở rộng sang đặt vé du lịch, bán vé xem phim, mạng xã hội, live-stream, giao thức ăn, và giải trí. Dữ liệu và các dịch vụ của Alipay được tích hợp sâu vào ứng dụng chính của nó, liên kết các tài khoản với một quỹ thị trường tiền tệ, các sản phẩm cho vay, và một loại hình kinh doanh chấm điểm tín dụng.
Dữ liệu người dùng từ các dịch vụ này được sử dụng để dựng nên các hồ sơ chi tiết về từng người dùng, từ đó công ty có thể biến chúng thành những công cụ kiếm tiền phục vụ mục đích marketing trực tiếp bên trong các ứng dụng, theo những cách mà cả Facebook lẫn Google đều "thèm nhỏ dãi".
Một lãnh đạo công nghệ Trung Quốc từng nói về lý do làm thế nào mà dữ liệu người tiêu dùng họ thu thập được lại cụ thể đến mức có thể giúp các nhãn hiệu xác định được nên phát triển và bán sản phẩm nào trong tương lai, và nên nhắm đến những người tiêu dùng nào, chứ không chỉ nên quảng cáo như thế nào ngay lúc này.
Loại dữ liệu đó có vẻ như chính là thứ Facebook đang nghĩ trong đầu.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg, phát biểu tại Hội nghị F8 ở San Jose
Tại Trung Quốc, nhiều người dân chẳng lo ngại các ứng dụng phổ biến như WeChat, bởi đó là sự đánh đổi giữa tiện nghi và quyền riêng tư. Các dịch vụ Internet Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhờ khả năng truy cập rộng rãi được vào dữ liệu người dùng được tạo ra bởi thanh toán di động, giao nhận thức ăn, đi nhờ xe, nhắn tin, và các dịch vụ khác.
Chúng khiến cuộc sống con người dễ dàng hơn. Trung Quốc vốn là xứ mà quyền riêng tư chẳng mấy khi được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử, nên nhiều người Trung Quốc cứ thế nhún vai trước sự lan rộng của WeChat.
Liệu ngành công nghiệp công nghệ của Mỹ có đi theo con đường đó không, tất cả phụ thuộc vào việc liệu người dân Mỹ có đưa ra sự lựa chọn như người Trung Quốc hay không.
Tham khảo: BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cách NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay cách Trái Đất 24,6 tỷ kilomet
Từ Trái Đất, kỹ sư NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay với vận tốc 17 km/s.
Trong lúc chờ Apple Intelligence, đây là tính năng tôi thấy thích thú nhất từ ngày lên iOS 18