FaceID nghe rất thú vị nhưng có những tình huống chỉ hình dung đã thấy bất tiện, nhất là khi bạn dùng nó tới 80 lần/ngày

    Nguyễn Hải,  

    Thử một, hai lần có vẻ không phải vấn đề. Nhưng khi bạn dùng máy liên tục cả ngày, tần suất dùng FaceID tới 80 lần thì có nhiều tình huống khó chịu hơn nhiều.

    Chiếc iPhone X hoàn toàn mới đã lộ diện, và nó được mang theo đầy đủ công nghệ. Nhưng có một thứ mà nó không có, đó là cảm biến vân tay. Giống như nhiều điện thoại ra mắt trong năm 2017, iPhone X xuất hiện với màn hình phủ kín gần như toàn bộ mặt trước, điều này có nghĩa là không còn chỗ cho một cảm biến Touch ID ở phía trước nữa.

    Thay vì đặt cảm biến vân tay ở phía sau, như nhiều chiếc điện thoại khác đang làm, Apple chọn cách loại bỏ hoàn toàn Touch ID đó. Thay vào đó, iPhone X dựa vào tính năng nhận diện gương mặt mới “Face ID” để bảo mật sinh trắc học.

    Face ID trên iPhone X sử dụng camera công nghệ TrueDepth, có khả năng chiếu sáng khuôn mặt bạn với 30.000 điểm hồng ngoại và quét gương mặt bạn bằng hình ảnh 3D. Apple cho rằng công nghệ này có thể “nhận ra bạn ngay lập tức” và đăng nhập vào điện thoại của bạn.

    Dù sao đi nữa, FaceID có vẻ chưa phải là một ý tưởng hay (trên giấy).

    Đây không phải chiếc điện thoại đầu tiên có tính năng nhận diện gương mặt, và chúng đều có chung một vấn đề. Bất kể Face ID nhanh và chính xác đến đâu đi nữa, vấn đề nằm ở công thái học (ergonomic) - hay sự tiện dụng: bạn buộc phải hướng thiết bị vào gương mặt mình. Đó là một thao tác chậm chạp và kỳ quặc, đặc biệt là khi so sánh với cảm biến vân tay, thứ mà bạn chẳng phải hướng nó vào đâu cả.

    Bất tiện khi lấy ra khỏi túi

    Hãy nghĩ về tình huống khi bạn rút thiết bị ra khỏi túi: nếu bạn làm đúng, bạn sẽ đặt ngón tay vào túi và rút chiếc điện thoại ra, lúc này ngón tay sẽ đặt ngay vào máy đọc dấu vân tay. Touch ID hoạt động cả như một nút “bật máy” và nút “xác thực”. Chỉ bằng một lần chạm, bạn sẽ bật điện thoại lên và đăng nhập. Bạn hoàn toàn không cần phải rút hẳn chiếc điện thoại ra khỏi túi, và nó đã được mở khóa, bật sẵn. Vì vậy khi bạn đưa được chiếc điện thoại lên mặt mình, quá trình mở khóa đã kết thúc và bạn đang nhìn vào màn hình chính.

    Để sử dụng Face ID của iPhone X, bạn sẽ phải lấy hẳn điện thoại ra khỏi túi, đưa nó lên ngang mặt và vuốt cho nó bật lên, và chỉ khi đó bạn mới bắt đầu quá trình mở khóa. Sự khác biệt có thể chỉ khoảng một hay 2 giây mỗi lần, nhưng khi bạn dùng tính năng này đến 80 lần mỗi ngày, nó sẽ thực sự gây ra vấn đề lớn.

    Phức tạp hơn với Apple Pay

    Hãy xem đến việc xác thực với Apple Pay: với đầu đọc dấu vân tay, bạn có thể ấn chiếc iPhone của mình vào máy thanh toán thẻ trong khi vẫn giữ ngón tay ở nút Touch ID, và mọi thứ sẽ hoạt động. Cùng lúc bạn có thể xác thực và truyền thông tin thẻ thanh toán, thật dễ dàng, trực quan và khó có thể nhầm lẫn.

    Trong khi đó, theo phần trình diễn về Face ID của ông Craig Federighi, giờ bạn sẽ phải mở Apple Pay lên trước, sau đó hướng chiếc điện thoại vào gương mặt mình để Face ID hoạt động, nếu bạn không hướng về đúng gương mặt mình, nó sẽ không thể làm gì được. Chỉ sau khi hoàn thành bước đó, bạn mới có thể chạm iPhone vào máy quẹt thẻ. Như vậy, sẽ phải thêm hai bước nữa.

     Trước tiên bạn phải mở ứng dụng thanh toán để kích hoạt Face ID trước (bên trái), và sau đó đưa lại gần máy quẹt thẻ, cho tới khi biểu tượng ở trung tâm màn hình thay đổi, để thanh toán.

    Trước tiên bạn phải mở ứng dụng thanh toán để kích hoạt Face ID trước (bên trái), và sau đó đưa lại gần máy quẹt thẻ, cho tới khi biểu tượng ở trung tâm màn hình thay đổi, để thanh toán.

    Hơn nữa, cảm biến vân tay chỉ hoạt động khi được chạm vào, nghĩa là nó sẽ hoạt động bất kỳ lúc nào. Bất cứ khi nào bạn cần, bạn chỉ việc ấn vào nó, và mọi việc sẽ diễn ra. Còn với nhận diện gương mặt, bạn sẽ phải kích hoạt nó qua một ứng dụng.

    Vì vậy để xác thực một thanh toán, giờ bạn phải mở Apple Pay trước, bởi vì phải có một ứng dụng nào đó để gọi hệ thống nhận diện gương mặt bật lên. Nếu bạn bỏ qua điều này và chỉ đặt chiếc điện thoại vào máy quẹt thẻ thanh toán mà không xác thực, chưa hẳn Apple Pay sẽ mở lên và yêu cầu bạn quét Face ID, khi chiếc điện thoại không hướng vào gương mặt bạn.

    Và những tình huống khác nữa ...

    Ngoài ra còn có tình huống khi điện thoại đặt trên bàn. Nếu trước đây với Touch ID, bạn chỉ cần chạm vào nút Home để mở khóa điện thoại, giờ bạn sẽ phải cầm nó lên và hướng về gương mặt mình.

    Đây là điều mà anh Ron Amadeo của Arstechnica gặp phải khi dùng thử chiếc Galaxy S8 và Note8. Trên chiếc điện thoại đó, Samsung không hoàn toàn loại bỏ cảm biến vân tay, nhưng nó lại có kích thước và vị trí đặt xấu đến nỗi gần như chiếc S8 không có cảm biến vân tay. Thiết kế của nó yêu cầu người dùng phụ thuộc vào Iris hay nhận dạng gương mặt bằng sinh trắc học, nó khá là chậm.

    Mặc dù Amadeo chưa có dịp dùng thử Face ID, nhưng anh thấy thật khó có thể tưởng tượng được rằng một hệ thống nhận diện gương mặt có thể giải quyết được vấn đề phiền phức khi phải liên tục hướng chiếc điện thoại vào gương mặt mình. Tuy nhiên, một báo cáo của Bloomberg trước đây lại khẳng định iPhone X có thể nhận diện gương mặt kể cả khi nằm ngang trên mặt bàn. Vì vậy, chúng ta cần thời gian để kiểm chứng điều này.

    Với mức giá gần 1.000 USD, Apple đang biến iPhone X thành một chiếc điện thoại tiêu chuẩn siêu cao cấp, gần như không tì vết, nhưng rõ ràng việc thiếu cảm biến vân tay là một nhược điểm lớn. Mặc dù mặt trước đã không còn chỗ cho những cảm biến như vậy, nhưng nhiều hãng điện thoại đã đặt cảm biến vân tay ở những chỗ dễ thấy và vừa tay trên mặt lưng thiết bị. Đó cũng là điều Apple có thể làm trong khi chờ đợi công nghệ quét vân tay dưới màn hình xuất hiện.

    Nhận diện gương mặt không phải là một ý tưởng hay cho một thiết bị luôn cần phải hướng trực tiếp vào gương mặt bạn. Thật khó tin nếu xem Face ID như là một bước tiến lớn khi so với Touch ID. Nếu nó không tốt hơn nhiều so với nhận diện gương mặt của Galaxy S8, có lẽ nhiều người dùng sẽ chọn cách nhập mã PIN.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ