Chi tiền cho thần tượng là một cách để người hâm mộ Kpop thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình.
Không có gì là lạ khi người hâm mộ Kpop luôn dốc hết sức mình để ủng hộ thần tượng của họ. Chỉ cần nhìn vào các chủ đề xu hướng trên các mạng xã hội như Twitter mỗi ngày. Nhưng nhiều lúc, tình yêu bất diệt này cũng đồng nghĩa với việc tiêu tiền, và rất nhiều tiền. Từ vé xem hòa nhạc đến merchandise (merch, hay các sản phẩm liên quan đến thần tượng), việc trở thành một người hâm mộ tận tâm có thể rất tốn kém.
Công cụ tổng hợp thương mại điện tử iPrice đã thu thập dữ liệu từ hàng trăm thương nhân ở Đông Nam Á và Hồng Kông, đồng thời so sánh số tiền mà người hâm mộ BLACKPINK, TWICE và BTS chi cho hàng hóa, album và đĩa nhạc cũng như vé xem hòa nhạc dựa trên mức giá trung bình. Nghiên cứu được thực hiện cuối năm 2020, với giả định rằng một người hâm mộ mua ít nhất một mặt hàng cho mỗi danh mục mua sắm (ví dụ: light stick, lomo card, áo sơ mi,...), tất cả các album của nhóm và tham dự ít nhất một buổi hòa nhạc mỗi năm.
ARMY (cộng đồng fan BTS), đứng đầu trong kết quả nghiên cứu. Sau khi mua đủ merch, 15 album phòng thu và đĩa đơn, tham dự 5 buổi concert, họ sẽ chi khoảng 1.422 đô (hơn 33 triệu đồng).
Để so sánh, các thành viên của fandom TWICE là Once có thể chi khoảng 824 đô la (gần 20 triệu đồng) cho merch, 14 album và 4 buổi hòa nhạc tính đến thời điểm nghiên cứu. Con số đối với Blink (fan BLACKPINK) là 665 đô (15,7 triệu đồng).
Thẻ ảnh (còn được gọi là thẻ bo góc) là một trong những mặt hàng Kpop phổ biến nhất. Trong mỗi album, một bức ảnh sưu tập đặc biệt của một thành viên trong nhóm được đặt bên trong. Người hâm mộ thường muốn có một bộ hoàn chỉnh, giống như thu thập thẻ bóng chày hoặc Pokemon. Một số mua nhiều album để đạt được mục đích này.
Tan Kaisi Kessie, 21 tuổi, là một fan cuồng Kpop, hâm mộ các nhóm nhạc bao gồm NCT, Seventeen và Exo. Cô đã chi ít nhất 1.494 đô (hơn 35 triệu đồng) cho các thần tượng của mình kể từ năm 2018 đến cuối 2020, riêng hơn 448 đô (10,6 triệu đồng) cho thẻ ảnh.
"Tôi tiêu tất cả số tiền đó vì các anh ấy làm tôi vui, và tôi thích sưu tập ảnh thẻ chỉ vì tôi thấy hài lòng khi nhìn vào bộ sưu tập của mình", Tan nói với VICE.
Chi vài trăm đô gọi video với thần tượng
Đối với Ashley De La Torre, sinh viên chuyên ngành địa chất 19 tuổi sống ở Los Angeles và yêu thích Kpop, giấc mơ gặp thần tượng qua màn hình đã trở thành hiện thực không chỉ một lần, thậm chí không phải 2 lần - mà là 8 lần trong vài năm qua.
Gần đây nhất, cô ấy đã có được một cuộc gọi với Keeho, một ca sĩ trong nhóm P1Harmony. Họ đã dành 90 giây để thảo luận về việc phát hành âm nhạc lúc đó của nhóm và các kế hoạch sắp tới của họ.
Cô đã ghi lại cuộc gọi và sau đó tải một phần lên TikTok, thu hút gần 700 nghìn lượt like tính đến ngày 18/5. Là một sinh viên không có mối liên hệ đặc biệt nào với giới giải trí, cuộc gọi này tất nhiên được tính phí.
Để tham gia các cuộc gọi video này - thường do các nhà phân phối âm nhạc hoặc nền tảng thương mại điện tử tổ chức - người hâm mộ phải mua album thực để có cơ hội giành được vé.
De La Torre nói với Insider rằng cô đã đăng ký tham gia 9 sự kiện gọi điện video và cô đã đủ may mắn để giành được chiến thắng 8 trong số đó.
Số tiền trung bình mỗi cuộc gọi là 300 đô la (khoảng 7 triệu đồng), De La Torre ước tính.
Tất nhiên De La Torre không đơn độc trong hành trình này và văn hóa "fansign" cũng đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng đam mê Kpop.
Theo truyền thống, fansign là sự kiện mà người hâm mộ có thể gặp gỡ các thần tượng Kpop để được ký tặng album
Thông thường được tổ chức ở Hàn Quốc, các sự kiện này dựa trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước hoặc dựa trên xổ số, theo hãng tin Kpop Koreaboo.
Để giành được vé tham dự fansign, người hâm mộ sẽ phải mua đĩa cứng. Hệ thống ai đến trước được phục vụ trước khá dễ hiểu - một vài người mua đầu tiên sẽ giành được suất.
Đối với các sự kiện dựa trên xổ số, mỗi album bạn mua sẽ có cơ hội tham gia xổ số - bạn mua càng nhiều, cơ hội trúng thưởng của bạn càng cao.
Một cô gái khác tên Belicia Ngow nói với Insider rằng cô đã chi gần 2.200 đô (52 triệu đồng) để mua số lượng lớn album và tham gia xổ số cho 8 buổi fansign video. Cô đã giành được vé cho 2 lần trong số đó.
Vào năm 2021, cô đã giành được một cuộc gọi với Dino từ nhóm Seventeen.
Arada Varaputtanon, 21 tuổi, thì chia sẻ một video quay cảnh cô thực hiện một xu hướng trên TikTok với Mark, thành viên yêu thích của cô trong nhóm NCT.
Cô sinh viên chuyên ngành kinh doanh đang học tập tại Nhật Bản nói với Insider rằng cô đã có khoảng 11 cuộc gọi điện video với Mark. Trước mỗi cuộc gọi, cô sẽ dành khoảng nửa giờ để chuẩn bị kịch bản hoặc các chủ đề trò chuyện tiềm năng.
Varaputtanon nói: "Trong cuộc gọi thứ hai, tôi nghĩ mình đã hát cho anh ấy nghe". Cô cũng lưu ý rằng sự thông thạo tiếng Anh của Mark đã giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian khỏi phiên dịch.
Làm thêm để đủ tiền gọi video
Cả 3 fan hâm mộ trên đã phải có chiến lược rõ ràng về tiền bạc cho hoạt động "đu idol" của mình.
De La Torre đã nhận một công việc bán thời gian để trang trải chi phí. Varaputtanon trả tiền cho các cuộc gọi của cô bằng tiền tiết kiệm từ công việc bán thời gian trước đây tại một cửa hàng bánh quy.
Ngow, sinh viên ngành kinh doanh nghệ thuật tại Ngee Ann Polytechnic ở Singapore, đã theo đuổi một công việc tay trái tài trợ cho sở thích của mình. Cô tổ chức các đơn đặt hàng theo nhóm để giúp các fan Kpop khác ở Singapore mua album. Khi mua được số lượng lớn, cô tham gia xổ số và tăng cơ hội chiến thắng.
Nhưng để nổi bật trong số rất nhiều fan Kpop khác sử dụng chiến lược kinh doanh tương tự, Ngow cố gắng giữ giá của mình ở mức thấp bằng cách tiết kiệm chi phí.
Ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc đã đạt doanh thu hơn 7 tỷ đô la vào năm 2021, tăng 55% so với năm trước đó, theo Statista.
Khi được hỏi liệu cô có cảm thấy việc bỏ ra quá nhiều thời gian và tiền bạc chỉ để có vài phút facetime với những ngôi sao yêu thích của mình là xứng đáng hay không, Ngow chia sẻ rằng những tương tác với Dino đã truyền cảm hứng cho cô luyện tập chăm chỉ hơn nữa với tư cách là một vũ công cover Kpop.
"Đây có lẽ là nền tảng duy nhất mà tôi có thể nói chuyện với người mà tôi ngưỡng mộ và với việc họ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc như thế nào, tôi nghĩ nó đáng giá", Ngow nói với Insider.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
"Trên tay" Sora suốt một tuần, đây là điều YouTuber MKBHD thán phục nhất về công cụ AI của OpenAI
Cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhưng YouTuber này cũng nhận ra công dụng hữu ích nhất của công cụ AI này.
Đây rồi Xiaomi YU7: SUV điện với thiết kế giống Ferrari Purosangue, tốc độ tối đa 253Km/h