FPT Shop nhảy vào kinh doanh thêm đồng hồ, chính thức gia nhập cuộc đua với Thế Giới Di Động, PNJ, Đăng Quang Watch...
Thêm sự tham gia của FPT Retail, thị trường bán lẻ đồng hồ tại Việt Nam sẽ có 5 tay chơi cứng cựa là PNJ, Doji, Đăng Quang, Thế Giới Di Động và FPT Shop. Tuy nhiên, nếu xét kỹ vào từng phân khúc, thì đối thủ chính của FPT Shop – như thường lệ chính là Thế Giới Di Động.
FPT Shop vừa chính thức mở bán thêm đồng hồ trong 5 cửa hàng của mình tại TP. HCM.
Theo báo cáo "Sơ lược thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam" của Khối phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường bán lẻ đồng hồ có độ phân mảnh cao và còn rất mù mờ về nguồn gốc xuất sứ sản phẩm.
Còn theo số liệu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận chia sẻ tại ĐHCĐ năm 2018, thì thị trường đồng hồ Việt Nam trị giá khoảng 748 triệu USD. Cũng theo doanh nghiệp này, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh vàng miếng ở mức 0,1 - 0,5%, ở vàng trang sức là 30% thì ở mảng kinh doanh phụ kiện, đồng hồ lên tới 60 – 70%.
Dù thị trường hấp dẫn là thế, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau 7 năm thử nghiệm, phải đến đầu năm 2019, PNJ mới đẩy mạnh mảng đồng hồ trong chiến lược kinh doanh của mình.
Trên trang web pnjwatch.com.vn, PNJ cho thấy hiện 24 cửa hàng của họ có bán đồng hồ, trải dài khắp cả nước. Các sản phẩm của PNJ trải dài từ mức giá từ 1 triệu đến 50 triệu và đánh mạnh vào phân khúc 5 triệu đến 20 triệu.
Báo cáo tài chính của PNJ cho hay, 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của công ty này vào khoảng 11.700 tỷ đồng, uớc tính mảng đồng hồ tối đa cũng mới mang về khoảng 59 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng. PNJ dự kiến doanh số bán lẻ đồng hồ sẽ đột biến vào năm 2021, với khoảng 200-300 tỷ đồng thu về.
Trong khi đó, Doji cũng gia nhập thị trường tương đối màu mỡ này vào năm 2018. Tính cho tới thời điểm này, chúng ta có thể thấy trên trang website của doanh nghiệp này có bày bán 138 mẫu đồng hồ đến từ 4 thương hiệu chính là Versace, Emporio Armani, Michael Kors và Mathay Tissot.
Các sản phẩm đồng hồ của Doji có giá từ 5 triệu đến 50 triệu, họ tập trung đánh vào phân khúc cao cấp có giá khoảng 5 triệu đến 20 triệu. Khách hàng mục tiêu của Doji khá giống PNJ, chỉ là thương hiệu và mẫu mã cũng như số lượng sản phẩm của Doji không phong phú bằng đối thủ cùng ngành.
Thế Giới Di Động chủ đích đánh vào phân khúc từ 2 đến 5 triệu đồng.
Từ 2 cửa hàng thử nghiệm ban đầu ở TP.HCM trong tháng 3, hiện tại, số cửa hàng có bán đồng hồ của Thế Giới Di Động đã lên 242 cửa hàng. Dự kiến, ngành hàng đồng hồ sẽ đóng góp từ 500 đến 600 tỷ đồng doanh thu cho công ty ngay trong năm 2019 này. Họ cũng nhắm đến phát triển lên 500 cửa hàng shop-in-shop vào tháng 6/2020, cùng doanh số 3 triệu đồng hồ, chiếm 50% thị phần bán lẻ đồng hồ cả nước.
Không như 2 doanh nghiệp chuyên về kim hoàn là PNJ và Doji, Thế Giới Di Động quyết định đánh vào phân khúc bình dân, với những sản phẩm đồng hồ thời trang có giá từ 2 đến 5 triệu, thế nên không ngạc nhiên khi thấy mức giá của họ giao động với biên độ lớn từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu, thậm chí họ còn bán cả đồng hồ cho trẻ em. Trên website của công ty này, ta có thể thấy họ có khoảng 4.000 mẫu đồng hồ cho cả nam, nữ, trẻ em và đồng hồ cặp.
Với Thế Giới Di Động, họ xem đồng hồ giống như tất cả món hàng trong cửa hàng của mình, nên sẵn sàng cho khách hàng trả góp, nếu sản phẩm đồng hồ có giá trên 1,4 triệu đồng. Hoặc là bán theo kiểu ‘lạc kèm bia’, giảm giá sâu đồng hồ khi khách hàng mua thành combo với các sản phẩm khác như laptop, smartphone.
Cũng như mọi lần, hễ thấy Thế Giới Di Động làm gì đó thành công là FPT Retail cũng ngay lập tức ‘học theo’, chúng ta có thể thấy trước đó là mặt hàng kính mát và giờ là đồng hồ.
Sau thời gian chuẩn bị, hôm nay, ngày 3/1/2020, FPT Retail đã chính thức làm lễ khai trương mở bán thêm đồng hồ trong 5 cửa hàng tại TP. HCM. Theo tiết lộ từ FPT Retail, thật ra họ đã mang sản phẩm đồng hồ vào bày bán trong các cửa hàng FPT từ 31/12, nhưng đến hôm nay họ mới chính thức ra mắt.
Cũng như Thế Giới Di Động, phân khúc mà FPT Retail nhắm tới chính là phân khúc bình dân, thế nên các sản phẩm của họ cũng có mức giá khá đa dạng, từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng, với các thương hiệu đến từ Hong Kong, châu Âu và Nhật Bản như: Candino, Freelook, Orient, Festina, Daniel Klein, Casio, Lacoste…
Dù đã thấy những thành công của Thế Giới Di Động, song FPT Retail – như phong cách thường thấy, vẫn hết sức thận trọng, khi chỉ thử nghiệm tại 5 cửa hàng thay vì triển khai ồ ạt trên toàn hệ thống vài trăm cửa hàng của họ. Còn theo bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO của FPT Retail, mảng đồng hồ tiềm năng hơn mảng kính mát và nhiều đồng nghiệp đang thành công với ngành hàng mới này, thế nên chẳng có lý do gì mà FPT Shop lại đứng ngoài cuộc.
Trong tất cả, Đăng Quang là doanh nghiệp tham gia thị trường đồng hồ sớm nhất, hiện tại họ đã có khoảng 100 cửa hàng bán đồng hồ, mắt kính và phụ kiện đồng hồ trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp khá kín tiếng. Tính về phân khúc khách hàng, sản phẩm của đơn vị này có giá từ khoảng 2 triệu đến 50 triệu, khá giống với PNJ và Doji.
Theo đó, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ cùng số lượng cửa hàng khổng lồ (trên 2.000 cửa hàng nếu tính cả Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh và trên 1.000 cửa hàng nếu chỉ tính mặt hàng ICT); Thế Giới Di Động đang cho thấy sức mạnh vượt trội của bản thân ở cuộc đua này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?