Peace Walker - Tiếp nối sự vinh quang

    PV, Tubular Bell 

    Dù là một game PSP nhưng nó đủ sức gánh vác danh tiếng của cả dòng game Metal Gear trên vai.

    Hãy cùng nói thẳng vào vấn đề: Trong Peace Walker, người chơi sẽ theo bước của Naked Snake - người sau này được biết đến với biệt danh Big Boss. Sau khi tiêu diệt người thầy "phản bội" The Boss của mình trong phần 3, Snake rời khỏi Mỹ và thành lập lực lượng Militaries Sans Frontieres (MSF) - hay "Đội quân không biên giới", một tổ chức quân đội phi chính phủ.
     
    Rất nhanh chóng, một vị giáo sư và học trò của ông tìm đến MSF và cầu xin sự hỗ trợ. Lực lượng CIA đã tấn công vào Costa Rica, và hai người này hi vọng dựa vào họ để đối phó lại với tình huống này. Snake không muốn nhận công việc này, nhưng sau khi vị giáo sư chạy một đoạn băng cho thấy The Boss vẫn còn sống, MSF bước vào cuộc.
     
     
    Đoạn đàm thoại này được diễn ra trên một đoạn cắt cảnh, và chuẩn bị mở màn cho một trong những cốt truyện hay nhất trong cả dòng game Metal Gear Solid. Snake vẫn còn chưa hồi phục sau những sự kiện của Snake Eater, ông ta yêu quý người thầy của mình nhưng buộc phải giết bà ta - không bao giờ biết được lý do khiến The Boss làm việc với Volgin. Đó là mục đích chính của trò chơi.
     
    Dĩ nhiên Snake muốn ngăn chặn chiếc Metal Gear thực hiện một vụ đánh bomb nguyên tử có thể sát hại hàng triệu người, nhưng trong thâm tâm ông ta còn muốn trả lời câu hỏi bị bỏ ngỏ từ sau trận đánh trên đồi hoa ly năm xưa nhiều hơn.
     
    Đoạn hồi tưởng được thể hiện bằng nguyên họa bút chì tuyệt đẹp.
     
    Về cơ bản, đây vẫn là một tựa game của series Metal Gear Solid, và vì thế người chơi sẽ không gặp khó khăn gì để làm quen với góc nhìn thứ ba, các động tác trườn bò và khẩu súng bắn thuốc mê của Snake. Nếu một kẻ địch phát hiện ra sự xuất hiện của bạn, chúng sẽ báo động và quay trở lại với đồng đội...
     
    Khả năng cận chiến của Snake vẫn mạnh nguyên như ngày nào, và chúng được thiết kế để trở nên hữu dụng hơn trong Peace Walker. Chẳng hạn, chúng được nối với nhau thành một chuỗi nhờ việc bấm nút theo nhịp, và Snake sẽ trườn giữa các kẻ địch, tước vũ khí và khống chế chúng.
     
     
    Đây là một tựa game rất lớn. Trong quá trình chơi, người chơi sẽ vượt qua các sự kiện để gây dựng nên MSF và pháo đài Outer Heaven mà Solid Snake sau này sẽ phá hủy. Một trong những thiết kế để phục vụ cho ý tưởng này là bắt kẻ địch về để huấn luyện thành chiến binh của mình. Để làm được điều này, bạn sẽ đánh gục đối tượng, buộc hắn vào một quả bóng bay khổng lồ và một chiếc trực thăng sẽ bắt hắn giữa trời.
     
    Sau khi được đưa về, bạn có thể biên chế những nhân sự này vào quân đội của mình để chiến đấu, phát triển, nghiên cứu hay làm công việc tình báo... dựa trên những chỉ số tự nhiên của họ. Những người được tuyển vào lực lượng chiến đấu có thể được dùng trong chế độ Outer Ops thay cho Snake, ngược lại, vũ khí và nâng cấp liên tục được tạo mới từ phòng thí nghiệm của MSF.
     
    Big Boss VS Boss.
     
    Không giống như các phần trước, game được chia nhỏ thành nhiều nhiệm vụ và người chơi có thể chọn nhiệm vụ mình muốn thực hiện (sau khi đã hoàn thành chúng). Điều này rất thuận lợi với người chơi, bởi vì mỗi nhiệm vụ có thể được hoàn thành với nhiều phương pháp, và không một fan hâm mộ nào lại từ chối thử nghiệm. Cũng để phục vụ cho cơ chế này, người chơi không thể save giữa nhiệm vụ, và điều này khiến cho cơ cấu tổ chức game trở nên gần giống với series Devil May Cry của Capcom.
     
     
    Người chơi sẽ tìm thấy các bộ đồ khác nhau của Snake, và sử dụng chúng trong các trường hợp khác nhau. Chúng giới hạn lượng trang bị bạn có thể mang theo, và có khả năng đặc biệt. Điều này buộc bạn phải chọn một lượng trang bị ở đầu mỗi nhiệm vụ và sử dụng chúng trong cả màn, nhưng cũng mang lại sự tiện nghi, như khi bạn thay đổi trang bị chuyên dùng để tiềm nhập với bộ trang bị chiến đấu trước khi chiến đấu với một boss.
     
    Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, người chơi sẽ trở về căn cứ với thông tin dành cho nhóm nghiên cứu, quản lý quân đội và phái các chiến binh thực hiện các nhiệm vụ... Peace Walker chỉ đơn giản là được thiết kế cực kỳ chi tiết.
     
     
    Ngoài việc chơi đơn, người chơi còn có thể hợp tác với bạn bè và chơi co-op. Mỗi nhiệm vụ trong game, bao gồm cả 100 màn chơi Extra Ops, đều hỗ trợ tính năng này. Mặc dù người chơi chỉ có thể kết nối thông qua thiết bị, đây vẫn là một lựa chọn tuyệt vời. Bốn người chơi có thể cùng tham gia chiến đấu trong một trận đánh boss.
     
    Các cơ chế chơi và thiết kế nhiệm vụ được xây dựng khá gần với một tựa game online - khi một người dùng đột nhập thành công và lấy được món đồ mà nhóm cần, tất cả sẽ vượt qua nhiệm vụ. Độ khó của các trận đánh boss sẽ được tăng lên đáng kể với sự tham gia của những người chơi khác, và độ khó này thực sự thái quá với những game thủ không quen chơi ở mức độ hardcore. Bạn có thể dễ dàng chiến đấu liên tục trong gần 1 tiếng, và buộc phải bỏ cuộc vì hết đạn.
     
     
    Peace Walker có chất lượng và thời lượng chơi lớn ngoài dự kiến đối với bất kì người hâm mộ nào. Không rõ đây liệu có phải là một bước chuẩn bị của Konami cho một dự án lớn hơn hay không, nhưng thực sự có quá nhiều tính năng tham vọng đã được đưa vào tựa game này. Game vô cùng hay và bất kì game thủ nào cũng nên thử qua.
     
    Nói một cách khác, tựa game này hoàn toàn không phải là một dự án nhỏ được thực hiện để lấp đầy chỗ trống về doanh thu trong thời gian rỗi rãi của Konami. Nó được xây dựng với chất lượng của một game A và hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của gia đình Metal Gear.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ