Giá Apple Vision Pro cao cực, nhưng lý do có thể không như bạn nghĩ
(Tổ Quốc) - Sau buổi ra mắt, có không ít bình luận cho rằng Vision Pro đang có mức giá quá cao và thậm chí là "mức giá này thì ai mua cho nổi?".
Sự kiện WWDC23 vừa diễn ra tại Cupertino, Hoa Kỳ đã đánh dấu một bước ngoặt mới của nhà Táo Khuyết khi họ cho ra đời sản phẩm mới hoàn toàn - chiếc kính Vision Pro và chính thức bước vào lĩnh vực thực tế ảo.
Thật ra tin đồn về chiếc kính thực tế ảo đã âm ỉ từ vài năm qua, thậm chí là số lượng thông tin đó ngày càng nhiều hơn ngay trước thềm WWDC23. Thế nhưng bản thân tôi và rất nhiều người tham dự sự kiện này, ngay tại khu vực Apple Park đã không kiềm được cảm xúc, gửi tặng những tiếng hò reo lẫn vỗ tay khi hình ảnh và những thước phim giới thiệu chính thức về chiếc kính này xuất hiện.
"One More Thing" - câu nói của Tim Cook chưa bao giờ được vang lên lại nhận được sự phấn khích trong tôi nhiều đến thế. Chỉ với một chiếc kính, nó khiến tôi đứng ngồi không yên và nóng lòng chờ đến lúc được vào quầy trải nghiệm nhìn tận mắt. Và cho đến khi chiếc giá được tiết lộ, không ít những thông tin trên mạng xã hội bắt đầu bàn tán về giá trị của Vision Pro, rằng liệu nó có xứng đáng với mức giá này hay Apple đang để giá quá cao và chắc chắn sẽ không thành công?
Chiếc kính "trượt tuyết" mang trọng trách lớn?
Bản thân khi nghe đến con số 3499 USD, tức hơn 80 triệu VNĐ, tôi đã không tin vào mắt mình. Hiện tại trên thị trường đã có một số sản phẩm kính VR và AR, chằng hạn như Meta Quest 3 với giá 499.99 USD hay Meta Quest Pro với 999.99 USD. Nếu so riêng về giá, rõ ràng Vision Pro đang cao ngất ngưỡng và những bình luận "Ai mua cho nổi" cũng dễ hiểu.
Nhưng khi nghĩ ở góc độ khác, Apple bán với mức giá này không phải là không có lý do.
Đầu tiên, Vision Pro tốn không ít chi phí để sản xuất. Trang bị vi xử lý M2 và R1, cùng một loạt camera, cảm biến để nhận biết chuyển động đôi mắt lẫn đôi tay mà không cần đến remote hay controller, chắc chắn chi phí mà Apple bỏ ra cho chiếc kính trượt tuyết này không hề nhỏ. Bên cạnh đó, chất lượng cùng công nghệ mà sản phẩm này đem lại có vẻ tiên tiến hơn hẳn so với các thiết bị đang hiện có trên thị trường, đó là chưa nhắc đến việc Vision Pro có thể kết nối xuyên suốt với hàng loạt sản phẩm trong hệ sinh thái của nhà Táo, điều mà không một hãng nào làm được.
"3499 USD là con số khá cao nếu so với mặt bằng chung của các sản phẩm công nghệ hiện tại, đặc biệt là các kính VR/AR mà người dùng đang có trên thị trường. Tuy nhiên, thực sự là chưa có kính nào tích hợp nhiều công nghệ mới ấn tượng như Vision Pro, hơn nữa, một sản phẩm Apple cũng thường cao hơn các đối thủ cùng phân khúc cả khi nó có. Vì vậy, trên quan điểm của anh, đây là mức giá hợp lý ở thời điểm nó bán ra khi đã hoàn thiện về kho ứng dụng, nội dung đi kèm", anh Tuấn Hưng đến từ VnExpress chia sẻ với tôi khi được hỏi cảm nghĩ vì sao Apple lại đề ra mức giá này.
Nguyên do thứ hai mà Apple lại tung ra một chiếc kính quá khủng về cấu hình và cả giá bán, rất có thể là vì họ không nhắm đến đối tượng người dùng đại trà. Đây là thiết bị dành cho những người đam mê thật sự hoặc những tay lập trình, và tôi tin rằng Táo không hề kỳ vọng bán ra hàng triệu chiếc kính trượt tuyết giá hơn 80 triệu đồng này.
Việc co cụm lại đối tượng người dùng cũng sẽ khiến số lượng sản xuất bị ít đi, từ đó mức chi phí cao cũng có thể là điều tất yếu. Theo trang Mashable, điều quan trọng hơn cả là Apple có thể không muốn Vision Pro được bán đại trà cho đến khi họ biến vùng đất thực tế hỗn hợp này được màu mỡ hơn và có nhiều trải nghiệm cho người dùng trong tương lai.
Hãy nhìn vào ngày bán ra, nó là đầu năm sau, tức chúng ta còn đến nửa năm mới có thể thấy sản phẩm này được bày bán trên kệ, và tất nhiên là chỉ tại Mỹ. Rõ ràng sản phẩm này có thể là phép thử, hoặc sẽ gánh trọng trách là The Next Big Thing mà Apple muốn mang đến cho người dùng trong tương lai, nhưng chắc chắn nó không phải dành cho số đông ở thời điểm hiện tại.
Điện thoại màn hình gập ban đầu cũng từng có mức giá "ngã ngửa"
Phải công nhận rằng Apple không phải là người đầu tiên khai phá vùng đất này, tuy nhiên nhìn vào những công nghệ mà họ bỏ ra cho Vision Pro, những tính năng mà nó có so với các thương hiệu khác, hay thậm chí là hệ sinh thái phủ khắp của nhà Táo là lý do chính đáng để nó có mức giá cao như vậy.
Cần nhớ rằng smartphone màn hình gập ban đầu khi được thương mại hóa từng có giá 50 triệu đồng tại Việt Nam, cao hơn nhiều so mới một chiếc flagship dạng thanh. Nhưng rồi trải qua vài năm và vài phiên bản, chiếc điện thoại ấy đã dần được "bình ổn" hơn và tôi cũng tin rằng trường hợp của Vision Pro cũng như vậy. Biết đâu trong tương lai, Vision Air hay Vision SE có thể sẽ là phiên bản dành cho nhiều đối tượng người dùng với mức giá dễ chịu hơn và khi đó sẽ là lúc Apple chính thức gom miếng bánh thị trường này.
Hay như 16 năm trước, iPhone từng tạo nên một cú nổ lớn nhưng cũng không ít người hoài nghi sự thành công của sản phẩm này. Ở thời điểm đó, ứng dụng phát triển cho iPhone gần như là con số 0, và thậm chí bản thân tôi vào năm ấy cũng nghĩ rằng mua một chiếc điện thoại như này mà không cài được ứng dụng gì thì rõ ràng không đáng một xu. Nhưng rồi trải qua bao năm tháng phát triển, nhiều phiên bản mới được tạo ra, ứng dụng ngày càng sinh sôi nảy nở, giờ đây ra đường bạn lại thấy rõ iPhone đã trở nên thông dụng đến thế nào.
Vision Pro cũng vậy, nó cần có sự trưởng thành, và cần sự góp sức của rất nhiều từ các nhà lập trình viên và các tester trong thời gian tới. Và với mức giá kia, không thể không loại trừ khả năng Apple muốn thu được lợi nhuận đủ tốt để tài trợ cho nhiều nghiên cứu hơn về VR, cũng như hy vọng đảm bảo nhân viên, từ sản xuất cho đến bán hàng, đều được trả công xứng đáng.
Apple đang đặt chân vào một lĩnh vực mà hầu như trước đây họ chưa từng chạm đến, đây có thể nói là một bước đi táo bạo và đầy sự thử thách khi rất nhiều kẻ đi trước vẫn chưa thành công. Chiếc kính trượt tuyết Vision Pro này sẽ là thiết bị đầu tiên và cũng mang trọng trách cực lớn để cho cả Apple lẫn người dùng chúng ta được thấy, liệu The Next Big Thing có phải là đây.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4