Tập phim thứ 2 của The Last Of Us đã mang đến một loài zombie hoàn toàn mới, nguy hiểm và đáng sợ hơn rất nhiều.
- Những chi tiết thú vị trong tập mở màn The Last Of Us mà chỉ fan loạt game nguyên tác mới nhận ra
- Zombie tiến hóa lộ diện trong trailer tiếp theo của The Last Of Us
- Lý giải đoạn kết tập mở màn của bom tấn truyền hình The Last Of Us
- Tất tần tật những gì bạn cần biết về The Last Of Us - series được mong chờ nhất năm 2023
- HBO tung trailer cho series 'The Last of Us': Bom tấn game đình đám khi lên phim sẽ hoành tráng thế này đây
Tập 2 của series The Last Of Us, lên sóng vào ngày 23/1 vừa qua, đã mang đến một loài zombie hoàn toàn mới nguy hiểm và đáng sợ hơn rất nhiều. Đó chính là Clicker, những sinh vật đã mất đi thị giác, nhưng thính giác lại đặc biệt trở nên nhanh nhạy và có thể nhanh chóng xác định vị trí của nạn nhân chỉ nhờ những tiếng động nhỏ nhất.
Clicker là gì?
Về bản chất, Clicker là một giai đoạn trong quá trình lây nhiễm của loài nấm ký sinh Cordyceps trong The Last Of Us. Thông thường, những người mới nhiễm bệnh được gọi là Runner. Lúc này, họ không có quá nhiều biến đổi về mặt ngoại hình, nhưng gần như đã mất đi ý thức và quyền kiểm soát cơ thể, qua đó biến thành một cỗ máy giết chóc vô hồn. Cái tên “Runner” đến từ đặc tính thường xuyên rượt đuổi nạn nhân một cách bất chấp của loài zombie này.
Clicker là giai đoạn lây nhiễm thứ 3, có thể coi là dạng “tiến hóa” của Runner, bởi đây thực chất là những nạn nhân đã bị nấm Cordyceps ký sinh trong ít nhất 1 năm. Khoảng thời gian này đủ lâu để loài nấm quái đản bao phủ gần như toàn bộ cơ thể của con người, đặc biệt là phần đầu, khiến họ mất đi thị giác và buộc phải dựa vào tiếng vang để xác định vị trí con mồi. Cơ chế này được gọi là định vị bằng tiếng vang, cũng là lý do vì sao Clicker thường xuyên phát ra những âm thanh lách cách đặc trưng của mình.
Đặc điểm ngoại hình và sức mạnh của Clicker
So với hai giai đoạn lây nhiễm trước đó, Runner và Stalker, Clicker không còn mang dáng vẻ của một người bình thường, với khuôn mặt trở nên biến dạng, lệch lạc và chi chít sẹo do nấm đã phát triển ra ngoài từ não của họ. Đến thời điểm này, quần áo của nạn nhân đã trở nên rách nát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, nhường chỗ cho những mảng mô nấm, vảy nấm lớn, đánh dấu cho giai đoạn đầu của quá trình nấm phát triển ra khỏi cơ thể vật chủ để tự lây nhiễm cho các nạn nhân khác.
Như đã nêu trên, Clicker đã mất đi thị giác, nhưng lại sở hữu thính giác đặc biệt nhanh nhạy, và có thể sử dụng tiếng vang để xác định vị trí của đối phương. Trong loạt game nguyên tác, Clicker cũng có thể rơi vào trạng thái thụ động như Runner, đồng nghĩa với việc đôi khi chúng sẽ đứng yên tại chỗ và không tấn công con người.
Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, Clicker lại tỏ ra khá hung hăng, và đặc biệt là nguy hiểm hơn rất nhiều so với Runner và Stalker. Lúc này, nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để chống lại sự kiểm soát của nấm Cordyceps. Bên cạnh đó, những mảng vảy nấm mọc ra bên ngoài cơ thể cũng giúp chúng trở nên nhanh hơn, khỏe hơn, với những đòn tấn công mạnh hơn, có thể dễ dàng áp đảo và thậm chí là đoạt mạng người chơi nếu không xử lý khéo léo. Mức độ nguy hiểm này đã phần nào được thể hiện trong tập phim mới nhất của The Last Of Us, khi Joel phải rất vất vả mới có thể hạ được một con Clicker.
Không chỉ được tăng cường về mặt thể chất, Clicker còn sở hữu trí thông minh đáng nể. Chúng sẽ không bao giờ rời bỏ khu vực săn mồi sau khi đã xác định được sự tồn tại của nạn nhân, và liên tục kiểm tra mọi ngóc ngách bằng hệ thống định vị bằng tiếng vang của mình. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn khá thô sơ khi so sánh với những sinh vật khác như dơi, và Clicker sẽ không thể cảm nhận con mồi khi ở quá xa vị trí của chúng.
Tập 2 của The Last Of Us cho thấy khi bị đánh động, Clicker sẽ lập tức chuyển sang chế độ “săn mồi” một cách bất chấp, liên tục vung đôi cánh tay rắn chắc để tấn công và miệng không ngừng gầm rú, gào thét để áp đảo tinh thần đối phương. Ngay cả súng đạn cũng không thể hạ gục loại zombie này một cách nhanh chóng, kể cả khi có bắn trúng phần đầu của chúng đi nữa.
Giải mã khả năng định vị bằng tiếng vang của Clicker
Như đã nêu trên, định vị bằng tiếng vang là khả năng đặc trưng nhất của Clicker, cũng là lý do vì sao chúng lại có cái tên như vậy. Chính những tiếng lạch cạch tương tự như tiếng nhấp chuột máy tính này đã giúp chúng cảm nhận môi trường xung quanh và xác định vị trí của con mồi.
Định vị bằng tiếng vang là một khả năng được rất nhiều loài động vật trong thực tế sử dụng. Về cơ bản, chúng sẽ tạo ra các đợt sóng âm với khả năng dội lại khi va động với vật cản, qua đó tạo ra tiếng vang để giúp chúng hình dung về khoảng cách, kích thước và quan trọng nhất là vị trí của vật cản đó.
Định vị bằng tiếng vang của Clicker cho phép loài zombie này sử dụng âm thanh một cách hiệu quả để thay thế cho thị giác đã bị hủy hoại của chúng, dù vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong tập phim mới nhất của The Last Of Us, có thể thấy ngay cả khi đã ở rất gần Joel, Tess và Ellie, Clicker cũng không thể xác định được vị trí cụ thể của họ. Phải đến khi Ellie vô tình thở mạnh và gấp gáp hơn, chúng mới có thể tiếp tục quá trình săn mồi của mình.
Bên cạnh việc xác định con mồi, khả năng định vị bằng tiếng vang còn giúp Clicker di chuyển và điều hướng trong môi trường xung quanh. Nếu không có khả năng này, chúng sẽ rơi vào tình trạng lang thang một cách vô thức, dễ dàng va vào những vật cản trên đường, hay thậm chí là đâm vào và mắc kẹt trong các góc tường.
The Last Of Us sẽ còn mang đến những loại zombie nào khác?
Như đã nêu trên, có rất nhiều giai đoạn trong quá trình lây nhiễm của nấm Cordyceps và được xác định theo từng mốc thời gian cụ thể. Trong đó, Runner là những nạn nhân mới bị nhiễm bệnh. Sau khoảng 2 tuần đến 1 năm, họ sẽ “tiến hóa” thành Stalker - những kẻ thường xuyên rình rập con mồi ở tư thế thụ động, chủ yếu là dính chặt vào tường nhờ các râu nấm. Sau 1 năm, các nạn nhân sẽ chính thức trở thành Clicker như đã phân tích ở trên.
Tuy nhiên, Clicker không phải là giai đoạn cuối cùng của quá trình lây nhiễm. Sau khoảng 1 thập kỷ, khi các tế bào nấm đã phát triển hoàn toàn ra bên ngoài cơ thể, nạn nhân sẽ trở thành Bloater. Lúc này, chúng vẫn mất đi thị giác và đã trở nên chậm chạp hơn rất nhiều.
Thế nhưng, lớp vảy nấm bên ngoài lại giúp Bloater trở nên siêu cứng cáp với sức khỏe kinh hồn. Khi cần thiết, chúng cũng có thể bóc những mảng vảy đó ra và ném về phía kẻ thù như một quả bom bào tử nấm nhằm tăng phạm vi lây nhiễm. Dẫu vậy, lớp nấm phát triển hoàn toàn bên ngoài cơ thể lại khiến Bloater có 1 điểm yếu chí mạng: Đó chính là lửa.
Trong tập phim thứ 2 của The Last Of Us, Ellie đã “nhá hàng” về Bloater khi nhắc đến “những kẻ siêu lây nhiễm có thể làm bào tử nấm bắn lên người khác”. Trùng hợp hơn nữa, trong loạt game gốc, Bloater xuất hiện lần đầu tiên tại thị trấn của Bill - nơi mà Joel và Ellie đang hướng đến trong series phim của HBO. Chính vì vậy, nếu không có gì thay đổi, nhiều khả năng chúng ta sẽ được “chiêm ngưỡng” loại zombie khủng khiếp này trong tập phim thứ 3 của The Last Of Us, lên sóng vào ngày 30/1 tới đây.
Nguồn: HBO, ScreenRant
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI