Giải mã quái vật và thế giới của Witcher: vài điều bạn cần biết trước khi xem seri The Witcher sắp chiếu trên Netflix
Một chút thông tin cho bạn để đỡ bỡ ngỡ trước khi bước vào thế giới rộng lớn của The Witcher.
- Tạo hình The Witcher được xây dựng dựa trên Mẹ rồng trong Game of Thrones? Nghe vô lý nhưng nhìn kỹ lại thấy hơi thuyết phục
- Xem The Witcher đánh đấm đỉnh quá mới thấy mấy cảnh đấu kiếm trong Game of Thrones trông như hai gã say rượu đứng múa với nhau
- Teaser dài 2 phút cho series Witcher của Netflix: tựa game nhập vai hàng đầu thế giới khi lên phim sẽ như thế này đây
- Khi "Siêu nhân" Henry Cavill chuyển sang đóng vai "The Witcher": Bị chê thậm tệ, internet chế meme tơi tả
- The Witcher sẽ được Netflix chuyển thể thành phim, "Siêu nhân" thủ vai chính
Nhờ tựa game The Witcher nổi tiếng, bộ tiểu thuyết cùng tên của Andrzej Sapkowski bỗng biến thành loạt sách bán chạy như tôm tươi. Và cũng nhờ sự thành công vang dội của dòng game Witcher (đến 2019 rồi mà vẫn có thể làm đẹp báo cáo tài chính của CDPR), Netflix bắt tay vào làm series The Witcher, với thế giới màu nhiệm của phép thuật và các sự kiện xoay quanh nhân vật Geralt.
Geralt sẽ do Henry Cavill thủ vai chính là tâm điểm của cốt truyện, và xoay quanh anh là những câu chuyện dân gian của thời Trung cổ. Nhân vật chính là một thợ săn tiền thưởng sở hữu sức mạnh siêu nhiên, một chút phép thuật cấp thấp và … vẻ ngoài ưa nhìn nhất trong cộng đồng Witcher. Việc của anh là tiêu diệt quái vật theo hợp đồng và nhận về những đồng vàng kèm theo ít nhiều lời xỉ vả của dân chúng: chẳng mấy ai ưa Witcher cả.
Có thể so sánh The Witcher sắp được công chiếu trên Netflix vào ngày 20 tháng Mười hai tới với Game of Thrones ở nhiều khía cạnh: nặng tính chính trị với “drama” giữa nhiều vương quốc, điểm chút tình dục của thời phong kiến xưa, những màn chém giết và đấu kiếm nổi da gà và sinh vật huyền bí chỉ tồn tại trong truyền thuyết.
Bài viết này sẽ nói về thế giới của The Witcher, và xoay quanh đàn quái vật sẽ hiện diện trong series sắp ra mắt, dựa một phần vào bài viết tìm hiểu về mối liên hệ giữa truyền thuyết Trung Cổ và Witcher của Sarah Durn, đã được đăng tải trên Gizmodo.
Nguồn gốc của bộ truyện The Witcher
Năm 1985, Sapkowski là một thương lái lông thú 38 tuổi, quyết định tham gia vào một cuộc thi viết truyện ngắn tại Ba Lan. Trong tay ông là truyện ngắn 30 trang, định bụng kể lại truyền thuyết địa phương về một anh thợ chữa giày đánh bại con rồng Wawel. Trong nguyên tác, anh thợ giày đầu độc con rồng bằng một con cừu phủ sulfur. Con rồng hóa điên vì ăn phải chất độc, uống thật nhiều nước đến mức nó vỡ tung ra. Một câu chuyện … thường thấy về kẻ yếu đánh bại kẻ mạnh, thiện thắng ác.
Sapkowski vẫn luôn mang đầu óc thực tế, cho rằng câu chuyện hư cấu quá sức tưởng tượng: rồng thì có vẻ ổn, chứ còn việc giết rồng lại chẳng "thực tế" mấy.
“Anh thợ giày làm ra giày, anh ta không thể tiêu diệt quái vật được”, Sapkowski trả lời phỏng vấn Eurogamer. “Lính tráng và hiệp sĩ ư? Chúng chỉ là lũ khờ. Thầy tu thì chỉ biết đến tiền. Thế ai ra tay giết quái vật? Dân chuyên nghiệp. Bạn không gọi tới thợ giày lúc cần giết quái vật, bạn gọi dân chuyên nghiệp. Và thế là tôi phát minh ra ‘dân chuyên nghiệp’”.
Và thế đó, bộ truyện The Witcher xuất hiện, bên trong nó là Geralt với nghề tiêu diệt quái vật để kiếm sống.
Andrzej Sapkowski
Chào mừng bạn tới với Lục địa
Thế giới của Geralt chỉ có cái tên là Lục địa - the Continent, đôi chút giống Châu Âu Trung Cổ (và cũng tương tự cách quái vật trong truyền thuyết Châu Âu len lỏi vào trang sách vậy), pha chút Đông Âu và Scandinavi.
Thần lùn - Gnome và Người lùn - Dwarf là những sinh vật đầu tiên của Lục địa, rồi sau đó Tiên - Elf tới. Trong mắt Người - Human, thì ba tộc đầu tiên của Lục địa đều được gọi chung là Elder Race - Cổ Tộc. Nhóm ba loài sinh vật kia sống ít nhiều hòa thuận, cho tới khi … con Người xuất hiện.
Gnome.
Dwarf.
Elf.
Con người gây chiến với Cổ Tộc, tàn phá nền văn hóa của những tộc lâu đời. Và thế là Cổ Tộc dần bị lép vế, phải sống chui lủi trong thời đại của con Người, giữa xã hội rối ren của bạo lực và dối trá. Những người không chịu khuất phục con người hèn kém trốn vào tự nhiên, hoặc tham gia Scoia’tael - một nhóm phiến quân Cổ Tộc cố gắng nổi dậy chống lại còn người đang ngày một bành trướng.
Sự kiện Kết cầu - Conjunction of the Spheres
Trong lịch sử loài người, cái ý tưởng nhiều thế giới hòa vào làm một chẳng mới. Từ thời Ai Cập cổ đại, thần Apep đã là tự nguyện biến thành thực thể của Hỗn loạn, đối nghịch với thần ánh sáng Ra nắm giữ Ma’at - khái niệm Trật tự trong tôn giáo Ai Cập cổ. Hai thế lực đại diện cho hai thế giới âm và dương đối đấu trong cuộc chiến vô tận của thiện và ác.
Và sự kiện Kết cầu trong thế giới cũng liên quan tới những chiều không gian khác: tại Lục địa, hàng loạt cổng không gian mở ra, và quái thú đủ hình hài tràn xuống thế giới đang chẳng mấy yên ả. Sự kiện Kết cầu còn cho phép Ma thuật tràn vào thế giới, và từ đó sinh ra những hội đồng nghiên cứu thứ tài nguyên khác lạ này, nhằm cứu giúp nhân loại, trục lợi cá nhân hay lập ra những thế lực ngầm chi phối thế giới.
Witcher, những kẻ săn quái vật kiếm tiền thưởng, tận dụng tối đa những lợi ích mà Kết cầu mang lại: ma thuật và quái vật. Bản thân họ là những đứa trẻ mồ côi phải trải qua đột biến để có được sức mạnh thể chất và giác quan siêu phàm, Witcher còn có thể sử dụng được phép thuật cấp thấp, tuy nhiên không thể so sánh được với các “chiêu thức” của thầy pháp hay phù thủy trên Lục địa. Và khi sống sót được qua màn đột biến tàn khốc, một Witcher tập sự sẽ theo học trường Witcher, biết cách chiến đấu, đối phó với mọi loại quái vật có trong thế giới, sử dụng thuốc để cường hóa khả năng tấn công và phòng thủ.
Witcher là những kẻ đi săn không có cảm xúc, nhưng Geralt - vì được hưởng “aura nhân vật chính” - nên sẽ khác. Anh yêu một “cô gái”, vận mệnh của anh bó buộc với cô gái ấy đến cuối đời. Tôi xin phép không nói thêm gì, nếu bạn chưa biết về Yennefer thì hãy … đợi tới ngày 20, xem nàng tóc đen ấy quan trọng ra sao.
Những bài thử khắc nghiệt ấy là những hành trang cho một Witcher trên Con Đường - The Path của họ. Họ không có sứ mệnh gì ngoài rong ruổi trên mọi ngõ ngách của Lục địa, tiêu diệt quái vật kiếm tiền và kiếm bữa qua ngày; chẳng mấy Witcher có thể chết già ở trên giường, mà sẽ bỏ mạng dưới móng vuốt của một con quái vật ẩn ở góc khuất nào đó của thế giới. Geralt của chúng ta phức tạp hơn chút, anh ta căm ghét chính trị nhưng thế quái nào mà … liên tục vướng vào vòng xoáy chính trị của những nhà cầm quyền tại Lục địa.
Và giữa những drama ấy, một Witcher sẽ phải đối mặt với vô vàn quái vật có trên thế giới, dựa nhiều vào những con quái thú vốn tồn tại trong truyền thuyết Ba Lan. Ngòi bút tài năng của Sapkowski vẽ nên một thế giới u ám, đủ để bạn tưởng tượng ra những con quái vật lẩn khuất đâu đó trong ngõ tối xa xăm.
Loài Striga
Khi xưa, nó là một người phụ nữ. Và bây giờ, nó là một người phụ nữ bị nguyền rủa dưới hình dạng ma sói/ma cà rồng/bán phù thủy, sẽ tiến hành săn người mỗi khi trăng tròn tới.
Trong cuốn The Last Wish, cuốn sách đầu tiên trong bộ truyện The Witcher, vị vua và … chị gái của mình cùng có với nhau một đứa con (tình tiết khiến ta nghĩ ngay tới Jaime và Cersei). Do cô bé là giọt máu sinh ra bởi loạn luân, cô bé biến thành striga mỗi khi trăng tròn. Việc của Geralt đã rõ ràng: chính là sinh vật striga đó; anh phải lần dấu con quái vật, chữa lành cho bé gái nếu có thể, hoặc … làm việc phải làm.
Nghe qua là thấy striga không phải thứ sinh vật bạn muốn đối mặt. Nhưng bạn không đọc bài để “nghe qua”, bạn muốn hiểu striga là thứ quái gở gì. Theo lời của Velerad, một nhân vật trong truyện, thì: “Nàng Công chúa Hoàng gia ấy, con khốn hoàng gia bị nguyền rủa, cao tới 4 cubit (đơn vị đo lường cũ, bằng khoảng 1m7 cho tới 2m1), dáng vấp y như thùng bia lớn, nhe ra một bộ hàm rộng quá mang tai và chất đầy răng nhọn như dao, lại còn có mắt đỏ và tóc đỏ chứ! Bàn chân mụ ta có vuốt như mèo, thả dài chạm cả đất!”.
Cứ trăng rằm, con striga này sẽ mò đi kiếm ăn. Mà còn một điểm nữa: nó kị bạc. Nghe là thấy ngay “mùi” ma sói.
Trong truyện dân gian Ba Lan, striga là “tổ hợp” của ma sói và ma cà rồng, đã ám ảnh giấc ngủ trẻ nhỏ suốt Châu Âu Trung Cổ. Trong cuốn sách Từ “ma cà rồng”: Viết bằng ngôn ngữ Slavic và Nguồn gốc của nó do học giả Brian Cooper viết nên, thì từ Slavic cho ma cà rồng là “vampiru”, thường xuyên bị nhầm với từ “vlukodlaku” tức là người sói.
Sapkowski không chỉ mượn con striga từ truyện Ba Lan, mà còn “remix” nó từ câu chuyện của một người viết truyện dân gian khác là Zmorski; cả hai người đàn ông này đều tỏ ra nhiều hứng thú với chuyện truyền miệng Ba Lan. Cả hai câu chuyện của họ đều nói rằng striga là sản phẩm của mối tình loạn luân, và đều bao gồm một nhân vật nhận tiền từ nhà vua, tìm cách chữa lành cho cô con gái mình/con striga.
Và điểm khác biệt chính là anh hùng trong câu chuyện:
- Phiên bản của Zmorski: người hùng là một cậu mồ côi, điển trai và quyết định nhận cô gái quốc vương như phần thưởng xứng đáng.
- Phiên bản của Sapkowski: Geralt là một Witcher, một gã tóc trắng săn quái vật kiếm tiền thưởng và chỉ quan tâm tới tiền.
Con Basilisk
Trong tổ hợp truyện ngắn về Geralt có tên The Sword of Destiny - Thanh Kiếm Định mệnh, độc giả được “diện kiến” con quái vật đầu gà bước thẳng ra từ chuyện dân gian Ba Lan.
Năm 1587, khi người ta còn mù mờ và hầu hết tin vào những thế lực siêu nhiên, thì bất cứ người nào có vẻ ngoài quái lạ sẽ nghiễm nhiên biến thành quái vật, có thể kể tới “người sói xứ Canaries” Pedro Gonzales đã bị bêu riếu khắp nơi. Và ở Ba Lan, năm 1587, một người đàn ông đã khẳng định với bất kỳ ai sẵn sàng nghe chuyện của ông ta, rằng ông đã triệt hạ được một con basilisk bằng một tấm gương, dùng công cụ phản chiếu đó để đẩy ngược lại ánh nhìn chết người của con vật gớm ghiếc.
Truyền thuyết kể lại rằng basilisk là một con vật dạng rắn với đầu gà, vũ khí của nó là ánh nhìn có thể lấy đi mạng sống của bất kỳ ai. Sách về thú vật viết hồi thế kỷ 12 ghi lại về basilisk rằng “nếu nó nhìn vào ai, nó sẽ hủy diệt kẻ đó”; tài liệu lịch sử lần đầu tiên nhắc tới sinh vật basilisk là năm 79 Sau Công nguyên.
Giống với con striga, Sapkowski cũng remix lại con basilisk sao cho … dễ giết hơn. Geralt không cầm theo gương, mà cầm theo một thanh gươm để đối đầu với sinh vật chết chóc. Theo như game The Witcher bản đầu tiên, thì giới săn quái vật nói rằng cầm gương đập vào đầu con basilisk sẽ còn hiệu quả hơn chĩa bề mặt phản chiếu vào mặt con thú.
Về cơ bản thì, con gì có thể chảy máu, ắt sẽ có cách giết được nó.
Con rồng và anh thợ giày
Như đã nhắc tới ở trên, truyện của Sapkowski có nhắc tới câu chuyện truyền miệng của kẻ yếu đã chiến thắng thế lực bạo tàn ra sao, và chính nó là khởi nguồn của bộ truyện The Witcher. Nó vừa mang tính giả tưởng với con rồng, nhưng lại mang cả tính thực tế khi … Sapkowski từ chối tin rằng anh thợ giày đủ phẩm chất để diệt rồng. Công việc như thế hẳn phải thuộc về những dân chuyên như Geralt, thế nhưng mọi chuyện không đơn giản thế đâu.
Lần đầu tiên Rồng Wawel xuất hiện trong văn học là Ba Lan thế kỷ 13, và chẳng có chàng thợ giày anh dũng nào cả. Thay vào đó, hai hoàng tử con vua đã đánh bại con rồng cũng bằng chiêu phủ độc lên gia súc. Đến thế kỷ 16, khi Marcin Bielski kể lại câu chuyện bằng lời văn của mình, anh thợ giày mới xuất hiện.
Con rồng Wawel, tranh vẽ từ năm 1544.
Và lại một lần nữa, Sapkowski biến tấu câu chuyện dân gian thành tác phẩm của mình. Có rồng đó, có cừu tẩm độc đó, nhưng mà rồng không chết và rồi Geralt … thực hiện một chuyến phiêu lưu của riêng mình với con rồng ấy. Trong Lục địa vẽ nên bởi Sapkowski, rồng là giống loài quý phái, thông minh và có khả năng nhận thức. Những câu chuyện về “rồng này rồng nọ” chỉ do con Người vẽ nên, nhằm hợp thức hóa hành động giết rồng vì lòng tham của mình.
Witcher có quy tắc riêng: họ không bao giờ giết rồng.
Chàng nhân vật chính cơ bắp và điển trai, tay kiếm điêu luyện nhất nhì Lục địa, sở hữu mối tình bị bó buộc bởi vận mệnh, chàng Witcher có tên Geralt
Geralt này không phải anh hùng trong truyền thuyết bạn thường thấy đâu, nên là gạt đi những suy nghĩ mơ màng về một chàng hiệp sĩ giáp trụ sáng loáng, giải cứu trinh nữ đi. Và rõ là anh cũng sẽ không giết rồng.
Trông mặt Geralt có vẻ trẻ, nhưng thực ra anh là một Witcher đã chạm tuổi bát tuần, đã quá già để tham gia vào những cuộc chiến quyết định vận mệnh Lục địa. Anh chỉ thích chăm chỉ “farm” hợp đồng và dành thời gian bên chân ái Yennefer của mình (họa chăng rảnh rang thì chơi Dice Poker, một môn poker chơi bằng xúc xắc của dân Lục địa).
Thế nhưng với tuổi thọ có thể lên tới vài trăm, lại còn thường xuyên giao du với những “tai to mặt lớn” của Lục địa, Geralt thường xuyên vướng vào những âm mưu thủ đoạn của đủ mọi hạng người, từ những bản hợp đồng quái gở cho tới … những chuyện chính trị vốn chẳng liên quan gì tới thợ săn quái vật.
Có vài điều bất biến trong thế giới của The Witcher: hai trong số đó là tình yêu của Geralt dành cho Yennefer, và quyết tâm xa lánh chính trị của Geralt. Có vấn đề nhỏ: cả hai đều vừa nêu luôn gây rắc rối cho anh, cả Yennefer và chính trị.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời